Thủ tục ly hôn diện mất tích, theo luật mới?
Các Website khác - 28/02/2006
Hỏi: Chồng tôi đã bỏ đi từ năm 1999, tôi không biết đi đâu. Từ đó đến nay tôi không có tin tức gì của chồng. Năm 2003, công an địa phương cũng đã xóa hộ khẩu của anh ấy. Nay tôi xin ly hôn thì nghe nói Tòa án không giải quyết mất tích và ly hôn trong cùng một vụ án nữa. Tôi muốn biết pháp luật quy định về vấn đề này thế nào?
Trả lời: Trước đây, đối với các trường hợp xin ly hôn với người mất tích, Tòa án có thể giải quyết tuyên bố mất tích và ly hôn trong cùng một vụ án. Tuy nhiên kể từ ngày 1-1-2005 (Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành) trở đi thì Tòa án không thụ lý và giải quyết mất tích và ly hôn trong cùng một vụ án nữa mà phải tách riêng, vì luật mới quy định thành hai thủ tục riêng biệt.

Như vậy, trường hợp trên, để ly hôn với chồng, chị phải tiến hành như sau:

Trước nhất, chị phải làm đơn xin tuyên bố mất tích nộp cho tòa án có thẩm quyền. Gửi kèm đơn yêu cầu là chứng cứ để chứng minh là chồng chị đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc anh ấy còn sống hoặc đã chết, dù chị đã nỗ lực tìm kiếm. Việc này, chị có thể làm đơn yêu cầu công an địa phương xác nhận và nếu đã xóa hộ khẩu thì phải xác nhận đã xóa từ ngày tháng năm nào, làm căn cứ để tòa án tuyên bố mất tích.

Sau khi thụ lý, tòa án sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm người mất tích trên báo của Trung ương trong 3 số liên tiếp và đài phát thanh hoặc đài truyền hình Trung ương 3 lần trong 3 ngày liên tiếp. Sau 4 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo đầu tiên mà người bị yêu cầu tuyên bố mất tích không trở về thì tòa án họp xét đơn yêu cầu tuyên bố công dân mất tích.

Khi có Quyết định tuyên bố công dân mất tích, chị có thể làm đơn xin ly hôn với người đã bị tòa án tuyên bố mất tích.

-------------------------

Con riêng có được quyền thừa kế là tài sản của mẹ kế

Hỏi: "Khi mẹ tôi kết hôn với bố tôi thì ông đã có một người con riêng đã trưởng thành, đã lấy vợ và hoàn toàn độc lập về kinh tế. Sau hơn 20 năm bố mẹ tôi chung sống đã tạo lập được một số tài sản có giá trị gồm nhà đất và một số tài sản trong gia đình. Năm 1998, bố tôi mất. Tôi và mẹ tôi vẫn ở tại nhà đất trên. Năm 1999, mẹ tôi mất, khi bố mẹ tôi mất đều không để lại di chúc. Từ khi mẹ tôi mất, con riêng của bố tôi lấy lý do tôi là con gái nên không được ở trên phần đất của bố mẹ và yêu cầu tôi tìm chỗ ở mới. Đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam cho biết hoàn cảnh của tôi pháp luật quy định như thế nào và người con riêng của bố tôi có quyền gì đối với tài sản mà bố mẹ tôi để lại?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 679 Bộ luật Dân sự thì: "Vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết thuộc hàng thừa kế thứ nhất”.

Đồng thời tại Điều 682 Bộ luật này cũng quy định: "Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được hưởng thừa kế của nhau...". Căn cứ vào các quy định trên thì khi bố bạn chết, khối tài sản chung của bố mẹ bạn được chia đôi, một nửa tài sản là của mẹ bạn, còn nửa kia là di sản thừa kế của bố bạn. Do đó bố bạn chết không để lại di chúc nên di sản của bố bạn được chia theo pháp luật và chia làm ba phần cho những người được hưởng thừa kế là mẹ bạn, con riêng của bố bạn và bạn. Đối với phần di sản của mẹ bạn thấy do người con riêng hoàn toàn độc lập về kinh tế và mẹ bạn không có quan hệ chăm sóc hay nuôi dưỡng như mẹ con nên người con riêng của bố bạn không được hưởng thừa kế đối với phần di sản của mẹ bạn. Như vậy bạn là con đẻ duy nhất của mẹ bạn nên bạn được hưởng toàn bộ di sản thừa kế mà mẹ bạn để lại. Việc người con riêng của bố bạn yêu cầu bạn rời khỏi nhà là không đúng với quy định của pháp luật, bạn có thể giải thích để người con riêng của bố bạn hiểu hoặc nếu có tranh chấp thì bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết để bảo vệ quyền lợi của mình.

-------------------------

Yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án

Hỏi: Tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự, việc yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án của đương sự có được Tòa án chấp nhận không?

Trả lời: Điểm 2.1 Tiểu mục 2 Phần III của Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ Nhất "Những quy định chung" của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định "Đương sự chỉ được yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án trước khi Tòa án mở phiên tòa xét xử vụ án".

Như vậy, theo quy định này thì yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án của đương sự tại phiên tòa sẽ không được tòa án chấp nhận. Việc yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chỉ được thực hiện trước khi tòa án mở phiên tòa xét xử vụ án.

Trước khi mở phiên tòa, nếu đương sự có yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ thì đương sự phải làm đơn gửi tòa án có thẩm quyền. Nếu đương sự trực tiếp đến Tòa án trình bày yêu cầu được ghi chép, sao chụp tài liệu chứng cứ thì đương sự phải thể hiện bằng văn bản nộp cho Tòa án. Trường hợp đương sự là người không biết chữ thì Tòa án lập biên bản ghi rõ yêu cầu của họ. Biên bản phải được đọc lại cho người có yêu cầu nghe, ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận.

Đơn hoặc văn bản yêu cầu phải ghi cụ thể các tên tài liệu, chứng cứ mà đương sự cần ghi chép, sao chụp. Việc ghi chép, sao chụp phải được thực hiện tại trụ sở của Tòa án dưới sự giám sát của cán bộ Tòa án và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư.

-------------------------

Khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi

Hỏi: Trẻ bị bỏ rơi có được làm khai sinh hay không, và nếu được thì thủ tục như thế nào? (Hoàng Như Thái, Thanh Xuân, Hà Nội)

Trả lời: Việc khai sinh (xác nhận sự kiện sinh) là một trong những việc về đăng ký hộ tịch được cơ quan có thẩm quyền thực hiện, mọi cá nhân đều có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật. Do vậy, đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hoàn toàn có quyền được khai sinh theo quy định của pháp luật.

Thủ tục khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được quy định tại Điều 16, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch. Cụ thể:

1. Người phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và báo ngay cho UBND cấp xã hoặc công an xã, phường, thị trấn nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ đó. Biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; giới tính; đặc điểm nhận dạng; tài sản và các đồ vật khác của trẻ (nếu có); họ, tên, địa chỉ của người phát hiện. Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại UBND cấp xã, nơi lập biên bản, một bản giao cho người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.

2. UBND cấp xã, nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên đài phát thanh hoặc đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Đài phát thanh hoặc đài truyền hình có trách nhiệm thông báo miễn phí 3 lần trong 3 ngày liên tiếp những thông tin về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ, thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh.

3. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản.

Tổng hợp