Nói cách khác, chúng ta đã nghèo lại muốn gánh vác những nghĩa vụ mà quốc tế không bắt buộc. Và điều này chắc chắn sẽ gây thiệt hại đến lợi ích của công chúng.
Được ưu đãi nhưng không... nhận
Công ước Berne có phần phụ lục gồm những quy định đặc biệt dành cho các nước đang phát triển. Đây là những quy định mang tính "ưu đãi" về việc dịch và sao chép những tác phẩm có bản quyền (thậm chí là độc quyền).
Theo đó, trong những điều kiện nhất định, người ta vẫn được quyền “tự tiện" dịch hoặc nhân bản tác phẩm được bảo hộ mà không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm đó.
Điều nghe có vẻ phi lý này lại là sự thật và cũng rất chính đáng. Sau một thời gian nhất định kể từ khi một tác phẩm ra đời (bảy năm đối với các tiểu thuyết, thơ kịch), mà chúng chưa được dịch sang tiếng nước sở tại, hoặc bản dịch đã bán hết, thì Chính phủ nước sở tại có quyền cho phép dịch hoặc sao chép tác phẩm đó (thông qua "giấy phép cưỡng bức").
Ưu đãi này không phải là một ngoại lệ để “xài chùa" các tác phẩm nước ngoài, bởi vì việc thực hiện nó phải tuân theo những thủ tục hết sức chặt chẽ, và vẫn phải thực hiện những nghĩa vụ về bản quyền đối với tác giả. Nhưng, ưu đãi này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước đang phát triển, vì thông qua đó, quyền được thông tin của công chúng được bảo đảm trong những điều kiện mà sự độc quyền thái quá cản trở đến cái quyền cơ bản này của con người.
Việt Nam gia nhập Công ước Berne đã hơn một năm, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, cho nên người sử dụng không nắm được muốn “hưởng" những ưu đãi này phải làm như thế nào.
Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ lại không hề nói đến, không đề ra cơ chế để áp dụng, không chỉ định cơ quan có quyền ban hành "giấy phép cưỡng bức" khi người dân có nhu cầu. Rõ ràng, cộng đồng quốc tế đã "cho”, nhưng chúng ta lại không "đón nhận"!
Bảo hộ tín hiệu vệ tinh của nước ngoài: Mua việc!
Việc bảo hộ đối với các tín hiệu vệ tinh trong Luật sở hữu trí tuệ là cần thiết, nhằm “đi tắt đón đầu” đối với các công ước quốc tế liên quan mà chúng ta chuẩn bị ký kết trong thời gian tới. Nhưng vấn đề là bảo hộ như thế nào và ở mức độ nào?
Dự thảo Luật đã gộp chung các tín hiệu vệ tinh với các chương trình phát thanh- truyền hình, và bảo vệ với cách thức như nhau. Đây là quy định "cầm đèn chạy trước ô tô”, tự gây thiệt hại cho chính mình.
Việc ghép chung các tín hiệu vệ tinh với sóng PT-TH không phù hợp với thông lệ quốc tế, vì chúng hoàn toàn khác nhau. Sóng PT- TH có thể thu được trực tiếp, còn tín hiệu vệ tinh (mang chương trình được mã hóa) thì phải có trạm mặt đất để giải mã rồi phân phối. Chính vì thế, việc bảo hộ chúng rất khác nhau.
Theo các công ước quốc tế liên quan, thì việc bảo hộ sóng PT-TH rất chặt chẽ, tổ chức PT-TH được hưởng các quyền lợi kinh tế, hoặc quyền ngăn cấm người khác thực hiện một số hành vi nhất định như phát lại, ghi lại chương trình. Nhưng, các tổ chức truyền tín hiệu vệ tinh thì không được hưởng các quyền nêu trên, cũng không được quy định thời hạn bảo hộ.
Theo công ước Brussels có rất nhiều ngoại lệ cho người sử dụng tín hiệu vệ tinh và chỉ bảo hộ chống lại một số hành vi liên quan đến việc phân phối các tín hiệu này.
Như vậy, nếu trong Luật chúng ta gộp chung giữa tín hiệu vệ tinh với sóng PT-TH, thì có nghĩa chúng ta đã đi quá xa so với yêu cầu của quốc tế - có người gọi đùa là tự đi mua việc. Bởi vì việc phát các tín hiệu vệ tinh là thế mạnh của các nước phát triển, chứ nước ta có vệ tinh đâu (để mà bảo hộ tín hiệu một cách chặt chẽ như PT-TH?).
Vào internet là có nguy cơ bị kiện bản quyền!
Khoản 11, điều 4 của Dự thảo Luật giải thích khái niệm “sao chép" bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời dưới hình thức điện tử. Hành vi sao chép bị điều chỉnh bởi các điều khoản liên quan, cụ thể là phải xin phép tác giả nếu không sẽ bị coi là vi phạm bản quyền.
Việc quy định khái niệm "sao chép" quá rộng như vậy sẽ dẫn đến hậu quả là nếu vào internet thì bất cứ lúc nào người Việt Nam cũng cơ nguy cơ bị kiện xâm phạm bản quyền. Bởi vì khi chúng ta mở một văn bản trên một trang web nào đó, là ngay lập tức máy tính đã tự động lưu trữ tạm thời một bản sao, và nếu chúng ta copy vào máy thì sẽ là lưu trữ thường xuyên.
Nếu theo quy định kể trên thì khi mở bất cứ một văn bản nào trên internet cũng phải xin phép tác giả! Điều đó sẽ dẫn đến sự hủy diệt internet. Trong các điều ước quốc tế không có quy định nào như vậy.
Bảo hộ văn hóa dân gian - “của nhà” cho không thấy tiếc!
TS An Khang - Chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam: Mất đi quyền lợi chính đáng của công chúng! "Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật, Hội chúng tôi đã phát hiện còn rất nhiều vấn đề nhất thiết phải được xử lý trước khi ban hành. Trong nhiều trường hợp, lợi ích quốc gia bị thua thiệt, không được bảo đảm. Có nhiều nội dung không phù hợp với cam kết quốc tế. Chưa bảo đảm được sự cân bằng giữa lợi ích của người có quyền và công chúng. Thí dụ, quy định về giới hạn, ngoại lệ đối với quyền tại các Điều 24, 25, 31, 32 quá hẹp so với phạm vi cho phép theo các điều ước quốc tế nhủ Công ước Berne, Công ước Rome hoặc theo thông lệ quốc tế. Quy định như vậy làm mất đi quyền lợi chính đáng của công chúng về việc tiếp cận và sử dụng tác phẩm".
| Đã có nhiều ý kiến khác nhau chung quanh việc bảo hộ văn hóa dân gian (VHDG), thậm chí còn có ý kiến cho rằng không cần thiết phải bảo hộ VHDG.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật mà Quốc hội sắp thông qua, thì VHDG vẫn được bảo hộ, chỉ có điều sự bảo hộ nếu chiếu theo các quy định đó thì không triệt để và không mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng sở hữu nó.
Điều 23 quy định: các tổ chức cá nhân sử dụng VHDG phải dẫn chiếu xuất xứ và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm.
Điều đó có nghĩa là VHDG chỉ được bảo hộ các giá trị phi kinh tế mà bỏ qua những quyền lợi vật chất của cộng đồng đối với VHDG mà quốc tế đã thừa nhận.
Khoản 4, điều 15 của Công ước Berne (mà Việt Nam đã gia nhập) quy định các nước có thể áp dụng chế độ bảo hộ đối với việc sử dụng các tác phẩm VHDG, và chỉ định ra cơ quan đại diện để nhận tiền bản quyền.
Việc trả tiền khai thác VHDG thực ra là kết quả đấu tranh lâu dài của các nước đang phát triển ở châu Á, châu Mỹ La tinh, và châu Phi, bởi chính họ mới đang sở hữu những kho tàng VHDG đồ sộ mà quá trình “công nghiệp hóa”, chưa làm biến mất phần lớn như ở các nước phát triển.
VIPO thậm chí còn tiến hành thăm dò khảo sát ở nhiều nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) để ra luật mẫu và giúp đỡ các nước này ban hành các quy định bảo hộ (Ấn Độ và Philippines đang triển khai rất mạnh mẽ)...
Rõ ràng trong khi quốc tế đã công nhận, và các nước đang phát động phong trào thực hiện, thì dự thảo lại “bảo hộ nửa chừng", như thế có nghĩa là "cống" cho thế giới cả kho tàng VHDG mà chính mình luôn cho rằng “đồ sộ bậc nhất thế giới"!
|