Ồ ạt lập công ty tham gia đại công trường Hà Giang
Các Website khác - 12/11/2005

Các doanh nghiệp tại Hà Giang hiện nhiều gấp 3 lần thời điểm năm 2000. Trong số này chiếm 72% là doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới thành lập, chủ yếu đón các công trình do đại công trường của tỉnh mở ra.

Từ năm 1998 đến nay, Hà Giang có chủ trương đại công trường, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông thủy lợi, trường học, trạm y tế, trụ sở xã... Hàng loạt doanh nghiệp được thành lập, chủ yếu là xây dựng. Năm 1999, Hà Giang triển khai 270 công trình. Năm 2000-2003 con số này là hơn 1.000. Năm 2004 triển khai gần 1.200 công trình.

Hà Giang đang quản lý gần 355 doanh nghiệp, tăng 3 lần so với năm 2000. Trong số này có 22 doanh nghiệp nhà nước. Theo cơ quan chức năng, việc mở ra thành lập ồ ạt các doanh nghiệp tập trung xây dựng của tỉnh Hà Giang là không phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh miền núi biên giới, với hầu hết các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, chủ trương "đại công trường" không căn cứ vào khả năng hỗ trợ của ngân sách trung ương, thực lực của địa phương. Tỉnh đã huy động các doanh nghiệp tự ứng vốn, vay vốn để thi công hàng loạt công trình. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản của Hà Giang là nhỏ và vừa, không có kinh nghiệm. Nhiều công trình được giao thầu vượt quá khả năng quản lý của doanh nghiệp. Khi triển khai, họ phải vay ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản do ngân sách tỉnh không có khả năng thanh toán khối lượng xây dựng hơn 930 tỷ đồng cho họ. Bộ Tài chính nhận xét, việc Hà Giang mở ra đại công trường vượt quá khả năng về vốn của doanh nghiệp, vượt quá khả năng ngân sách địa phương của tỉnh. Điều này dẫn đến tình trạng nợ nần giữa các doanh nghiệp với ngân sách địa phương và ngân hàng.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày: "Dòng xoáy nợ vòng đã phá vỡ sự gắn bó giữa các doanh nghiệp xây dựng với doanh nghiệp sản xuất và cung ứng vật tư. Đây là nguy cơ tiềm ẩn cùng với nợ xấu dẫn đến phá sản các doanh nghiệp cũng như gây bất ổn về đời sống". Việc tỉnh không có tiền thanh toán đã khiến doanh nghiệp nợ ngân hàng khoảng 470 tỷ đồng, 70% là quá hạn.

Nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng trên là sự yếu kém trong công tác quản lý. Các dự án sử dụng nguồn ngân sách do tỉnh quản lý đều không có kế hoạch đấu thầu. Các doanh nghiệp dễ dàng nhận và triển khai dự án. Ngân hàng cũng có một phần trách nhiệm khi không thẩm định kỹ phương án vay vốn, cho vay không tính đến khả năng thu vốn dẫn tới nợ đọng kéo dài, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán.

Anh Thư