Theo Công an huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết, trong những ngày đầu quý I năm 2005, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, xuất hiện các loại tiền giả polymer có mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng trên thị trường, gây dư luận bất bình trong nhân dân. Đáng buồn là một số hộ gia đình khó khăn túng thiếu phải bán cả tài sản để giải quyết công việc cấp bách... nhưng đã nhận phải tiền giả từ việc mua bán trao đổi. Vậy nên, nhiều gia đình đã túng thiếu, sau khi "dính" phải tiền giả lại càng túng thiếu hơn. Ở xã Quỳnh Vinh có người thân ốm nặng, gia đình đã bán cả trâu lẫn bò để lấy tiền đưa đi chữa trị. Nhưng khốn nỗi, sau khi đưa người bệnh ra Hà Nội, làm các thủ tục cần thiết xong, gia đình lấy tiền ra để trả thì mới biết toàn bộ số tiền polymer do bán trâu bò mà có đều là tiền giả. Hoặc ở xã Đan Hùng, huyện Quỳnh Lưu, trước khi tổ chức hôn lễ, anh thanh niên nọ chở vợ sắp cưới lên thị trấn Cầu Giát để mua sắm nhẫn cưới... Khi người thanh niên rút tiền bán lợn giống ra trả thì bị chủ cửa hàng phát hiện là tiền giả... Cả cô dâu, chú rể lặng người... Phần vì ngượng với người vợ tương lai sắp cưới, phần căm phẫn với người đã trả tiền cho mình, chàng thanh niên vội xin lỗi chủ tiệm vàng, lên xe lao như tên bắn để tìm lại kẻ đã lừa đảo mình...
Trước thực trạng đó lãnh đạo Công an huyện Quỳnh Lưu giao cho các đội nghiệp vụ xuống địa bàn điều tra thu thập tài liệu để lập án đấu tranh. Đi sâu tìm hiểu các trinh sát được biết, tình trạng lưu hành tiền giả ở xã Quỳnh Vinh và xã Mai Hùng, không những trôi nổi trong việc trao đổi mua bán, mà còn lẫn lộn trong các sòng cờ bạc lớn... Trong quá trình điều tra, các trinh sát được nhân dân cho biết ở xã Mai Hùng có một phụ nữ tên B lấy chồng tên L là đối tượng nghi đã tham gia vào việc lưu hành tiền giả. Đặc biệt có một thông tin làm cho các trinh sát chú ý hơn, đó là cuối năm 2004, có nhiều người phát hiện B mua tiền giả của một phụ nữ có dáng vóc to cao... trú ở xóm 21, xã Quỳnh Vinh, với số lượng lớn. Sau đó, B đưa ra tỉnh Sơn La tiêu thụ (loại tiền giấy bạc cũ) Ngoài vợ chồng B và L còn có đối tượng khác tên là Tâm, chuyên đi "lơ” xe khách, chạy tuyến Bắc - Nam. Tâm là đối tượng tiêu thụ, lưu hành tiền giả, chủ yếu lấy "hàng" có nguồn gốc từ xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu. Từ những thông tin và chứng cứ thu thập được, lãnh đạo Công an huyện Quỳnh Lưu có đủ cơ sở xác định, tại xã Quỳnh Vinh, có ít nhất hai đối tượng chuyên tàng trữ và lưu hành tiền giả với số lượng lớn. Qua rà soát, phân loại đối tượng Công an huyện Quỳnh Lưu đặc biệt quan tâm đến các đối tượng đã có tiền án về tội tàng trữ, lưu hành trước đây đã mãn hạn tù trở về địa phương, hoặc đang chấp hành hình phạt ở các trại cải tạo của Bộ Công an.
Theo kế hoạch, một tổ công tác gồm ba cán bộ được lên đường đến Trại giam số 3, số 6 để gặp các phạm nhân là người của địa phương đang chấp hành phạt tù về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả đang cải tạo ở các trại để khai thác thông tin; một tổ công tác khác được cử đi Gia Lâm (Hà Nội) và tỉnh Sơn La để xác minh các mối quan hệ và hoạt động của đối tượng B. Qua lời khai của một phạm nhân, thì năm 2003, có một người đàn bà tên là Phan Thị Nhung, ở Quỳnh Lưu, đi ra các tỉnh phía bắc mua tiền giả về bán lại cho đối tượng tên là Phượng, trú ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu. Sau khi Phượng bị bắt, xử phạt 4 năm tù giam, bà Nhung tiếp tục ra các tỉnh giáp biên giới để mua bán, lưu hành tiền giả với số lượng lớn. Từ những lời khai trên, kết hợp với các tài liệu thu thập được, Công an huyện Quỳnh Lưu khẳng định đối tượng Phan Thị Nhung, trú ở xóm 12, xã Quỳnh vinh, chính là người có đặc điểm rất phù hợp với người phụ nữ đã bán tiền giả cho đối tượng B mà quần chúng cung cấp.
Và bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau một thời gian tiến hành điều tra thu thập chứng cứ, Công an huyện Quỳnh Lưu đã xác định được đường dây lưu hành tiền giả lớn từ nước ngoài vào Việt Nam là do Phan Thị Nhung ở xóm 21, xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Lưu, cầm đầu. Phương thức thủ đoạn hoạt động của Phan Thị Nhung rất tinh vi và manh động, địa bàn hoạt động chủ yếu tuyến Quảng Ninh - Thanh Hóa - Nghệ An. Ngoài Phan Thị Nhung còn có một số "đối tác” khác thường xuyên tiêu thụ tiền giả với những độc chiêu khá tinh vi. Để ngăn chặn sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách quản lý, lưu thông tiền tệ của cả nước, lãnh đạo Công an huyện Quỳnh Lưu quyết định lập án để đấu tranh, do Thượng tá Lê Xuân Điệp, Trưởng Công an huyện làm Trưởng ban với các thành viên trong Ban chuyên án là các trinh sát, điều tra viên có kinh nghiệm.
Một trong những yêu cầu quan trọng của Ban chuyên án đặt ra là phải xác định được địa điểm, nơi cất giấu tiền giả của thị Nhung; và phải bắt quả tang khi Phan Thị Nhung đang lưu hành tiền giả, nhưng hết sức thận trọng vì thị Nhung là đối tượng rất cảnh giác, manh động... Vì vậy mọi biến động của thị Nhung được các trinh sát theo dõi bám sát từng bước. Với bề dày kinh nghiệm trong công tác điều tra khám phá các vụ án lớn, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Quỳnh Lưu đã phát hiện toàn bộ phương thức hoạt động và thủ đoạn lưu hành tiền giả cũng như nơi cất giấu tiền giả của Phan Thị Nhung. Ngoài thị Nhung là đối tượng chính trong đường dây lưu hành tiền giả, các trinh sát còn phát hiện Trịnh Thị Liên (em dâu của Nhung) là người tiếp sức, đồng thời trực tiếp cất giấu tiền giả cho thị Nhung.
Vào một ngày cuối tháng 5-2005, các trinh sát phát hiện Phan Thị Nhung đang bàn bạc trao đổi với một đối tượng để giao bán tiền giả với số tiền giả lớn. Thị Nhung hẹn sẽ giao tiền cho một đối tượng tại điểm X. Và kế hoạch phá án được Ban chuyên án chỉ đạo chặt chẽ và phân công cụ thể cho từng tổ công tác. Ban chuyên án quyết định bắt thị Nhung khi đang trên đường vận chuyển tiền giả đi tiêu thụ.
14 giờ ngày 23-5-2005, tổ công tác triển khai theo kế hoạch, bí mật tiếp cận các vị trí được phân công. Một tổ công tác do Phó trưởng Công an huyện và ba điều tra viên có mặt tại trụ sở UBND xã Quỳnh Vinh để phối hợp khi có yêu cầu Một tổ công tác do Phó ban chuyên án và sáu trinh sát điều tra viên mật phục gắn nhà Trịnh Thị Liên và hai tuyến đường đi từ nhà thì Liên ra đường liên xã để giám sát di biến động của thị. 16 giờ 30 phút cùng ngày, các trinh sát phát hiện Phan Thị Nhung ớ xe máy mang biển kiểm soát 37K9-4677 đến nhà thị Liên. Khoảng 15 phút sau, thị Nhung đi ra khỏi nhà thị Liên. Sau đó Nhung dừng xe, quan sát trước sau, thấy an toàn, Nhung nổ máy cho xe chạy ra phía đường liên xã. Các trinh sát không rời mắt theo dõi thị Nhung và thị Liên. Sau khi biết chắc chắn trong người Nhung có tiền giả, các trinh sát quyết định bắt quả tang Nhung.
Trong lúc đang chuẩn bị bắt thì do tập trung theo dõi người khác, xe của Nhung đã va quệt với một người đi xe máy ngược chiều vả cả hai người ngã xuống đường gây xây xát, dẫn đến to tiếng nên ngay sau đó cả hai người được đưa về trụ sở UBND xã để làm việc. Khi thị Nhung được đưa về trụ sở Công an xã Quỳnh Vinh làm việc, biết sự việc có thể bị bại lộ thị Liên chạy ngay vào nhà lấy một bọc nylông đựng tiền giả giắt vào lưng quần chạy ra hướng nhà bếp để cất giấu, liền bị hai trinh sát kịp thời có mặt chặn lại. Ngay lúc đó một tổ công tác và Công an xã có mặt kịp thời bắt giữ. Biết chống đối cũng không thoát, thị Liên phải lấy ra 46.200.000 đồng tiền mặt, toàn là tiền polymer giả, có mệnh giá 100.000 đồng và 50.000 đồng. Thị Liên khai toàn bộ số tiền giả trên là do thị Nhung gửi cất hộ(?!).
Tại trụ sở UBND xã Quỳnh Vinh, Phan Thị Nhung đã thừa nhận là trong người có 8.750.000 đồng tiền polymer giả, mệnh giá 50.000 đồng. Sau đó, thị Nhung tự giác đưa ra để lập biên bản. Một lần nữa, các trinh sát tiếp tục có mặt tại Trại cải tạo số 6 - Bộ Công an và Thanh Hóa, Quảng Ninh để thu thập tài liệu, chứng cứ; phát động phong trào quần chúng tại Quỳnh Vinh, tiếp tục tố giác tội phạm. Sau một thời gian ngắn, toàn bộ hồ sơ vụ án, vật chứng được chuyển giao cho Cơ quan An ninh điều tra để tiếp tục điều tra xử lý. Chuyên án bóc gỡ đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả lớn ở Quỳnh Lưu đã góp phần ổn định việc lưu thông tiền tệ của Nhà nước, củng cố niềm tin trong quần chúng nhân dân... Và đây cũng là bài học cảnh giác chung cho mọi người dân trong việc mua bán trao đổi, nhất là bà con ở các vùng thôn quê, nơi còn thiếu thông tin về đồng tiền giả lưu hành.
|