Khi vệ sĩ là kẻ trộm
Các Website khác - 11/10/2008
Trong những năm qua, xu hướng chung cho thấy, khi có nhu cầu cần người bảo vệ, hầu hết các doanh nghiệp đều hợp đồng với các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ (KDDVBV) để thuê vệ sĩ vì như thế sẽ thuận tiện về nhiều mặt.
 
Song không ít các doanh nghiệp lại bị mất trộm mà thủ phạm chính là người được thuê để bảo vệ tài sản cho đơn vị mình.

Dễ dàng bỏ chủ theo kẻ trộm

Ở TP HCM, một trong những nơi bị vệ sĩ mà mình thuê làm bảo vệ câu kết bên ngoài trộm tài sản nhiều nhất có lẽ là Công ty NOBLAND (100% vốn đầu tư nước ngoài, đặt tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp thuộc phường Hiệp Thành, quận 12) với 3 lần bị trộm.

Trong đó chỉ riêng bốn bảo vệ gồm Tô Nguyên Vũ (24 tuổi; ngụ xã Tân Hưng Đông, Cái Nước, Cà Mau); Trần Minh Chiến (23 tuổi, Trung Nghĩa, Vũng Liêm, Vĩnh Long), Lê Công Tuấn (22 tuổi, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) Và Lê Văn Chí (21 tuổi, Tân Phú, Châu Thành, Bến Tre) đã thực hiện trót lọt 2 vụ trộm.

Từ lời khai của bọn chúng, Công an Hiệp Thành đã bắt giữ được kẻ cầm đầu là Hồ Xuân Hải (23 tuổi, Hà Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ), một đối tượng "đầu trộm đuôi cướp" ở bên ngoài móc nối với các bảo vệ để trộm cắp tài sản.

4 vệ sĩ này từng 2 lần trộm tài sản (quần tây và quần jean) của Công ty NOBLAND
 
Khoảng giữa tháng 4, Công an huyện Dĩ An (Bình Dương) nhận được tin báo từ Công ty CJ - CLS (Khu công nghiệp Sóng Thần) về việc bị mất trộm 44 máy điện thoại di động, trị giá khoảng 200 triệu đồng.

Sau khi nắm tình hình và điều tra bước đầu, các trinh sát Đội CSĐT tội phạm về TTXH đã bám sát hành tung hai đối tượng là Hồ Văn Trung (25 tuổi) và Võ Hồng Quang (28 tuổi), cùng ngụ Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh là nhân viên bảo vệ của Công ty Dịch vụ Bảo vệ Kim Đại Việt đang làm bảo vệ cho Công ty CJ-CLS.

Đúng như phán đoán của các trinh sát, sau khi trộm được tài sản, hai tên trộm này đã mang xuống chợ Nhật Tảo (TP HCM) để bán và sau đó bị bắt với đầy đủ tang chứng, vật chứng.

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng trên khai để thực hiện trót lọt vụ trộm chúng còn móc nối với hai đối tượng ở bên ngoài và đã nhiều lần lấy cắp các màn hình tinh thể lỏng nhưng công ty chưa phát hiện nên chúng được đà thực hiện phi vụ đậm hơn…

Đã có giải pháp…

Trên đây chỉ là một vài vụ mất trộm điển hình liên quan đến các vệ sĩ của các Công ty KDDVBV được thuê bảo vệ các mục tiêu. Khi để xảy ra các vụ trộm như thế này, đau khổ nhất có thể nói là lãnh đạo của các Công ty KDDVBV vì họ phải đền bù thiệt hại về tài sản cho đối tác.

Tuy nhiên, đây cũng là cái giá mà họ phải trả do sự tuyển dụng nhân viên một cách dễ dãi và thiếu các bước đào tạo cần thiết để trở thành một người bảo vệ chuyên nghiệp đúng nghĩa. Để rồi, những vệ sĩ chân ướt chân ráo, trình độ học vấn thấp, thiếu đạo đức dễ dàng sa ngã bởi cám dỗ của đồng tiền.

Hậu quả này còn có nguyên nhân sâu xa hơn là từ những quy định của cơ quan chức năng: Bởi lẽ, theo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 14/2001/NĐ-CP ngày 25/4/2001 của Chính phủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ thì điều kiện để thành lập doanh nghiệp và tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ là theo các điều kiện được qui định tại Luật Doanh nghiệp và có "giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự".

Về người đứng đầu doanh nghiệp cũng như nhân viên bảo vệ thì không có qui định cụ thể nào ràng buộc về mặt chuyên môn, trình độ văn hóa mà chỉ cần có lý lịch "sạch" và "rõ ràng" là được. Chính qui định như thế nên ai cũng có thể làm giám đốc một công ty bảo vệ cũng như vệ sĩ.

Trong khi đó ngành nghề này lại liên quan mật thiết đến an ninh, trật tự xã hội nên đòi hỏi người đứng đầu phải có kiến thức về pháp luật, có kinh nghiệm chỉ huy, có mục tiêu trong sáng là góp phần bảo vệ trật tự xã hội chứ không đơn giản chỉ là một nghề kinh doanh.

Cũng do quy định còn dễ dãi đó nên trong nhiều năm liền TP HCM cùng nhiều địa phương khác, người ta đua nhau thành lập công ty KDDVBV hoạt động hết sức bát nháo và gây nhiều hệ lụy cho xã hội, trong đó vệ sĩ cấu kết với kẻ trộm là một trong những hậu quả đau lòng nhất, làm xói mòn hình ảnh người bảo vệ chuyên nghiệp chân chính.

Có lẽ xuất phát từ thực tế trên nên ngày 22/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2008/NĐCP về quản lý KDDVBV để kịp thời chấn chỉnh hoạt động này.

Trong đó, hai quy định quan trọng nhất quyết định chất lượng của nghề KDDVBV đó là người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và những người trong Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị; tổng giám đốc… của doanh nghiệp KDDVBV ngoài điều kiện có đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng còn phải có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, luật.

Còn nhân viên dịch vụ bảo vệ phải có sức khỏe, đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng, có trình độ học vấn từ phổ thông trung học hoặc bổ túc trung học trở lên. Đặc biệt là phải có chứng chỉ bảo vệ do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Công an.

Theo thống kê, toàn TP HCM hiện nay có khoảng 100 doanh nghiệp KDDVBV nhưng nếu chiếu theo quy định của Nghị định 52 thì ít nhất có 50% số lượng phải đóng cửa. Khi đó chỉ còn những đơn vị có chất lượng tồn tại, do vậy nghề KDDVBV sẽ đi vào quy củ hơn, lành mạnh hơn và người làm bảo vệ chuyên nghiệp - vệ sĩ lại sáng giá như cái thời vừa mới "ra lò".

Theo M.T.Phong
CAND_Online