Nguyễn Ðức Chi thừa nhận Công ty Arabella chưa từng hoạt động
Các Website khác - 10/10/2008

Ngày thứ 2 (9/10) của phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “siêu lừa” Nguyễn Ðức Chi tập trung thẩm vấn làm rõ việc mua bán 31.488 tấn gạo giữa Nguyễn Ðức Chi với Công ty XNK và lương thực Trà Vinh.

>> "Siêu lừa" Nguyễn Đức Chi ra tòa

HĐXX đã cố gắng làm rõ nguyên nhân vì sao Nguyễn Thọ Trí - GÐ Công ty XNK và Lương thực Trà Vinh không áp dụng biện pháp mở L/C để bảo đảm thanh toán và không kiểm tra sự thật về hoạt động của Công ty Arabella của Nguyễn Ðức Chi.

Phiên toà cũng làm rõ mối quan hệ Nguyễn Ðức Chi với bà Natalia, Phó giám đốc Ngân hàng Krasbank (LB Nga) mà Chi đã mở tài khoản tại ngân hàng này và  việc mua bán thanh toán tiền lòng vòng giữa các bên.

Đông đảo người đến dự phiên tòa (Ảnh: Vĩnh Trà)

Tại toà, bị cáo Chi khai toàn bộ số gạo 31.488 tấn mua của Công ty XNK và lương thực Trà Vinh thực chất được bán cho một công ty bên Nga tên là Elsin Prom do bố đẻ của bà Natalia làm chủ tịch HÐQT. Nhưng lúc này, Nguyễn Đức Chi không có vốn nên phải nhờ bà Natalia trả hộ các khoản tiền thuê tàu, thuế nhập khẩu, các dịch vụ khác trên 3 triệu USD.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán gạo của Công ty Elsin Prom không chuyển trực tiếp vào tài khoản của Chi ở ngân hàng Krasbank mà bà Natalia đem đi mua cổ phiếu chứng khoán sau đó chuyển sang một nước thứ ba rồi mới chuyển trả cho Chi. Nhưng khi đến hạn thanh toán, bà Natalia lại không chuyển khoản cho Chi để trả tiền cho Trà Vinh.

Tuy nhiên, trong hợp đồng, bị cáo Chi lại không ràng buộc quy định thời gian trả là bao lâu, trong khi đó, thời gian trả tiền bán gạo cho Công ty XNK và lương thực Trà Vinh xác định là 90 ngày kể từ ngày phát hành vận đơn hàng hải.

Chi cho rằng Trí đã hiểu sai về mình tưởng rằng đã bỏ trốn, vì thúc bách đòi nợ nhiều lần nhưng không gặp. Chi phủ nhận việc lẩn tránh trách nhiệm hoặc bỏ trốn mà cho rằng mình đi gặp các đối tác để thanh toán ở vùng viễn đông của Nga và bị ốm.

Trả lời trước phiên tòa, Nguyễn Thọ Trí cho rằng việc mở L/C ở nước ngoài là không bắt buộc, Trí chỉ kiểm tra và dựa vào tài sản của Nguyễn Ðức Chi để làm cơ sở hợp đồng mua bán.(!).

Tại phiên toà ngày thứ hai, Nguyễn Thọ Trí tiếp tục phủ nhận hoàn toàn về việc thiếu trách nhiệm như trong cáo trạng VKS ND tối cao đã nêu. Trí nói: "Tại phiên toà hôm nay tôi cho rằng đã làm hết trách nhiệm về việc hợp đồng mua bán với Công ty Arabella và đã hợp tác, báo cáo với cơ quan điều tra ngay sau khi không liên lạc với Chi và cho cử 1 PGÐ công ty sang tận Nga để đòi nợ, tìm hiểu tình hình bán gạo".

Khi chủ toạ hỏi đại diện hợp pháp Công ty lương thực Trà Vinh có yêu cầu gì về quyền lợi thanh toán, ông Nguyễn Anh Phương - PGÐ chỉ yêu cầu Nguyễn Ðức Chi thanh toán các khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật vì đây là số tiền thu về nhà nước chứ không phải số tiền nợ cá nhân ông. Ông Phương cho rằng bị cáo Chi hiện còn nợ của Công ty lương thực Trà Vinh trên 160.294USD.

Về tình hình hoạt động của Công ty Arabella, Nguyễn Ðức Chi thừa nhận đây là một công ty của Nga đã có từ trước và được Chi mua lại, công ty này chưa hoạt động bao giờ nên trong quá trình kinh doanh có nhiều sai sót .

Khi luật sư bào chữa cho Nguyễn Ðức Chi hỏi thân chủ của mình là tổng số tiền đã đầu tư vào các dự án tại Việt Nam là bao nhiêu, bị cáo Chi cho biết: tổng số tiền đầu tư các dự án lên hơn 10 triệu USD, trong đó có 3 triệu USD vào dự án khu nghỉ mát Rusalka - Khánh Hoà. Đến lúc này, vị luật sư  lập luận cho rằng thân chủ của mình là người rất hiểu rõ trong kinh doanh và khi đầu tư với số tiền lớn hơn 10 triệu USD, thì đối với số tiền gạo hơn 5,2 triệu USD của Công Ty XNK và Lương thực Trà Vinh là nhỏ, như thế thì tại sao cho rằng Chi là lừa đảo?

Theo vị luật sư này, việc thu thập chứng cứ mối quan hệ tiền bạc giữa Nguyễn Ðức Chi và bà Natalia là trách nhiệm của cơ quan điều tra, bởi lẽ trong thời gian này Nguyễn Ðức Chi bị cấm xuất cảnh, nên không thể thu thập hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra. Còn bị cáo Nguyễn Ðức Chi cũng phủ nhận việc đã cùng với bà Natalia dùng tiền mua bán gạo để mua cổ phiếu vì không có hồ sơ chứng từ nào chứng minh về giao dịch này.

Chiều cùng ngày, đại diện VKS, các luật sư tiếp tục thẩm vấn hai bị cáo làm rõ thêm mối quan hệ giữa bị cáo Chi với các công ty bên Nga, tư cách pháp nhân của Công ty Arabella, các hợp đồng mua bán gạo chậm thanh toán nợ với Công ty XNK và lương thực Trà Vinh.

Bị cáo Chi luôn cho rằng, việc chậm thanh toán nợ là do rủi ro thuộc về phần trách nhiệm của bà Natalia và thị trường ở Nga không ổn định chứ không hề có ý định lừa đảo ông Trí.

Sáng ngày 10/10, toà nghỉ làm việc, buổi chiều tiếp tục phần tranh tụng tại toà của các luật sư và bị cáo.

Theo Vĩnh Trà - LB - TL