Đối tác nước ngoài của liên doanh trường Quốc tế Hà Nội báo cáo lỗ hơn 1,4 triệu USD. Nhưng phía Việt Nam không công nhận, cho rằng có gian lận tài chính, lừa đảo quốc tế. Bộ Kế hoạch và đầu tư, Thanh tra Chính phủ đã lập đoàn thanh tra, song những tồn tại ở đây vẫn chưa được giải quyết.
Trường Quốc tế Hà Nội là liên doanh giữa Trung tâm công nghệ giáo dục Bộ Giáo dục và đào tạo và Công ty ISD (Mỹ). Phía Việt Nam góp 30% vốn pháp định bằng quyền sử dụng 1.000 m2 tại mặt phố Liễu Giai, Hà Nội.
6 năm hoạt động của nhiệm kỳ đầu tiên (1996-2002), ông Nguyễn Đình Hoan (đối tác nước ngoài) làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Ba năm trong nhiệm kỳ này, ông Hoan không tổ chức họp hội đồng quản trị. Theo Trung tâm công nghệ, hoạt động tài chính của trường do ông và kế toán trưởng Trần Thu Hường chi phối. Thời gian này, liên doanh liên tục thông báo hoạt động của trường bị thua lỗ, tổng cộng khoảng 1,5 triệu USD. Trong khi đó, mức học phí vẫn tăng hằng năm và lượng học sinh ngày càng đông hơn.
Trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Văn Mừng - Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2, năm 2002-2007 - cho biết: "Khi điều hành hoạt động, tôi thấy tình hình tài chính của trường rất tốt, không thể thua lỗ". Cũng theo ông Mừng, mức học phí thu của học sinh trường Quốc tế Hà Nội vào loại cao nhất khu vực Đông Nam Á so với các trường hoạt động cùng lĩnh vực. Từ năm 2002 đến nay, trường đã lãi hơn 1,2 triệu USD. Trung tâm công nghệ giáo dục phát hiện hàng loạt sai phạm về tài chính từ nhiều năm qua, liên quan đến ông Hoan (lúc này là Tổng giám đốc) và kế toán trưởng Trần Thu Hường.
Trong bản báo cáo với Thanh tra Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Lê Văn Hồng cho rằng, hai người trên đã cố ý tạo ra việc lỗ giả, lỗ khống của trường Quốc tế Hà Nội để yêu cầu HĐQT vay của Công ty ISD với lãi suất cao (1,2 triệu USD). Bà Hường cố tình không nộp báo cáo tài chính định kỳ hay báo cáo năm cho HĐQT để bưng bít thông tin, thông đồng với ông Hoan tham ô... Từ tháng 4/2003 đến 5/2005, ông Mừng 6 lần yêu cầu họp HĐQT nhưng ông Hoan từ chối tham gia. "Do lép vế trong liên doanh, phía Việt Nam "bất lực" trước tình trạng này", một nguồn tin cho biết.
Có dấu hiệu tham ô tài chính
Tháng 4/2004, Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra hoạt động của liên doanh này. Tháng 10/2004, báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy trường còn nhiều tồn tại về việc tổ chức hoạt động, chưa có quy chế làm việc, chưa phân công quyền hạn trách nhiệm giữa những người lãnh đạo... Riêng vấn đề tài chính, Bộ kiến nghị giao Thanh tra Chính phủ làm rõ.
Trong việc góp vốn pháp định của đối tác nước ngoài, cơ quan chức năng phát hiện chưa đủ căn cứ xác nhận phía đối tác nước ngoài đã góp vốn 250.000 USD qua khoản chi phí trước khi thành lập liên doanh. Ông Nguyễn Đình Hoan cùng với kế toán trưởng cho rằng đã chi 4,6 tỷ đồng để trả lãi cho Vinaconex trong việc lắp hệ thống điều hòa kinh tế. Nhưng thực tế, hợp đồng giữa hai bên đã nêu rõ không phải thanh toán khoản này. Theo đoàn kiểm tra, không có căn cứ để ông Hoan được sử dụng hơn 63.000 USD tiền của trường cho chi phí cá nhân. Khoản này cần được hoàn trả lại.
Gần 1,8 triệu USD tiền miễn giảm học phí cho hơn 600 lượt học sinh, Thanh tra Chính phủ xác định chưa thể làm rõ vì nhiều người trong diện này là học sinh nước ngoài đã về nước. Ông Hoan đã không họp HĐQT để phê duyệt các trường hợp được miễn giảm mà tự chỉ đạo. Việc này, Thanh tra đề nghị Bộ Công an tiếp tục điều tra xác minh làm rõ, bởi phía đối tác Việt Nam nghi ngờ có việc cố ý làm trái gây thất thoát tài sản công ty.
Ngày 10/3, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Minh Hiển cho biết, Bộ sẽ rà soát các văn bản liên quan đầu tư liên doanh với nước ngoài; kiểm tra quy trình cấp phép, thẩm định các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ kiến nghị điều chỉnh các văn bản pháp luật về vấn đề này theo hướng chặt chẽ hơn. |
Chênh lệch tiền thu học phí giữa báo cáo của trường và thực tế kiểm tra, đoàn phát hiện chỉ là hơn 3.000 USD. Trong khi đó, theo thống kê của Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Văn Mừng, từ khi thành lập tới nay, chênh lệnh doanh thu thực tế cao hơn số báo cáo là rất lớn. "Việc này có dấu hiệu tham ô, chiếm đoạt tài sản của ông Hoan và bà Hường", Giám đốc Lê Văn Hồng nhận định.
'Thanh tra Chính phủ làm việc thiếu khách quan'
Đó là nhận định của Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Văn Mừng khi trao đổi với VnExpress. Trong thời gian đoàn Thanh tra Chính phủ làm việc, Giám đốc Trung tâm Lê Văn Hồng đã nhiều lần lên tiếng về thái độ làm việc không khách quan một số thành viên đoàn. Tháng 7/2005, trong công văn gửi Tổng thanh tra Chính phủ, ông Hồng cho biết, kế toán trưởng và thủ quỹ của công ty đã lấy số liệu về kiểm tra doanh thu, kể cả đĩa mềm lưu giữ số liệu kiểm tra của đoàn từ 2 thanh tra Vũ Huy Tác (phó đoàn) và Lê Huy Thắm. Ông Nguyễn Thanh Hải (trưởng đoàn) và ông Tác đã để nhân viên của công ty được lấy sổ sách kế toán đã được niêm phong mang về phòng tài vụ đối chiếu các số liệu về kiểm tra doanh thu của đoàn. Trong khi chủ tịch HĐQT, phó tổng giám đốc thứ nhất là đại diện cho phía Việt Nam, hoàn toàn không được tiếp xúc với chứng từ.
Ngay cả khi thanh tra hoàn tất kết luận hồi tháng 1 song phía Trung tâm vẫn cho rằng nhiều sai phạm nghiêm trọng của công ty không đã không được nêu tại đây; đồng thời nghi ngờ kết quả thanh tra là chưa chính xác và đầy đủ. "Các sai phạm tại công ty phần lớn quy trách nhiệm chung chung là HĐQT và Ban giám đốc, không quy cụ thể cho cá nhân, nhất là sai phạm thuộc trách nhiệm của Nguyễn Đình Hoan và Trần Thu Hường đã bị bỏ qua... Có những vẫn đề khác với kết quả nêu trong dự thảo báo cáo, theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm cho hai người này", ông Hồng khẳng định.
Kết luận thanh tra không đề cập đến việc trường vay 1,2 triệu USD của công ty ISD, dù trong dự thảo báo cáo có nhắc tới. Trung tâm đã có công văn đề nghị chuyển vấn đề này sang cơ quan điều tra
Ngày 7/3, Giám đốc Lê Văn Hồng có đơn gửi Thủ tướng phản ánh, 2 tháng từ ngày có kết luận thanh tra, cơ quan chức năng vẫn chưa có bước xử lý tiếp theo về vụ việc này. Theo nguồn tin riêng của VnExpress, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an đang đánh giá chứng cứ về các sai phạm tại đây, để có thể áp dụng các biện pháp xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan ngay trong những ngày tới
Anh Thư
▪ Hà Tây xét xử vụ sai phạm trong quản lý đất đai ở Công ty Giống lợn miền Bắc (13/03/2006)
▪ Chuẩn bị để sớm cấp thẻ đi lại của doanh nhân APEC (13/03/2006)
▪ Chuẩn bị để sớm cấp thẻ đi lại của doanh nhân APEC (13/03/2006)
▪ Đoàn doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam: Yên tâm với hành lang pháp lý! (13/03/2006)
▪ Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Hợp pháp hóa dịch vụ đòi nợ thuê (13/03/2006)
▪ Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Hợp pháp hóa dịch vụ đòi nợ thuê (13/03/2006)
▪ Từ 1-4, thực hiện quy định mới về Đăng ký hộ tịch: Bớt đi nhiều rắc rối, phiền hà (13/03/2006)
▪ Các giấy tờ cần có trong hồ sơ đăng ký dự thi ÐH, CÐ? Thí sinh tự do nộp hồ sơ ở đâu? (13/03/2006)
▪ Bán người yêu giá 1,5 triệu đồng (13/03/2006)
▪ 14/3 xử đường dây ‘gái gọi’ cao cấp (13/03/2006)