Làm luật cần tạo thuận lợi cho đa số
Các Website khác - 08/11/2005

Trước rất nhiều ý kiến về các biện pháp hạn chế doanh nghiệp "ma", tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp, cho rằng không thể vì ngăn chặn một số ít hành vi mà làm hại cho đa số cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Cung.
- Ông nghĩ sao trước rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội về chống doanh nghiệp "ma"?

- Khi đề cập đến vấn đề này cần phân biệt 2 loại doanh nghiệp. Trên thực tế có đến 99,9% số người thành lập doanh nghiệp đều mong muốn kinh doanh hợp pháp, có lợi ích cho bản thân và xã hội. Trong số đó có 20% cầu mong như thế nhưng thất bại, có người phải chấm dứt ngay hoạt động sau khi đăng ký kinh doanh hoặc hoạt động được một vài năm. Chỉ một số rất ít thành lập doanh nghiệp để lợi dụng tư cách pháp nhân làm hành vi phi pháp. Đây là những người vi phạm pháp luật chứ không phải doanh nghiệp "ma".

Theo tôi có 2 phương án xử lý. Một mặt phải trừng trị nhóm vi phạm pháp luật thật nghiêm khắc, làm như thế là bảo vệ người chân chính, cao hơn là làm cho môi trường kinh doanh lành mạnh. Nhóm thất bại thì phải xem xét năng lực chuyên môn của họ có kém không, chính sách đã đầy đủ chưa. Nhà nước cần hướng dẫn hỗ trợ giúp họ tự tin hơn cả về tâm lý cũng như các điều kiện khác.

- Như vậy là không cần đưa thêm các quy định cụ thể để kiểm soát hoạt động doanh nghiệp vào luật?

- Luật là tạo điều kiện thuận lợi cho đại đa số chứ không phải vì ngăn chặn ít hành vi mà làm hại cho đa số. Khuyến khích người dân bỏ vốn cạnh tranh trên thương trường là thực hiện đổi mới, góp phần làm giàu cho bản thân họ và cho đất nước, còn vi phạm pháp luật thì phải trừng trị bằng các quy định khác.

- Liệu có nên thành lập một cơ quan chuyên trách về đăng ký kinh doanh và giám sát các hoạt động sau đăng ký?

- Tất cả các doanh nghiệp đều phải xin giấy đăng ký kinh doanh, sau đó là giấy phép chuyên ngành (nếu có), sắp tới có Luật Đầu tư lại thêm giấy chứng nhận đầu tư. Hiện có ý kiến là tập trung về một mối nhưng làm như vậy không ổn vì chỉ có cơ quan chuyên ngành mới có đủ năng lực để đánh giá thẩm định cấp giấy phép chuyên ngành. Cơ quan đăng ký kinh doanh không thể làm được, trên thế giới cũng không có nước nào làm vậy.

- Ông nghĩ sao khi ở một số lĩnh vực, các bộ chủ quản, các tỉnh thành không quản lý được thì ban hành thêm giấy phép con?

- Theo luật thì các bộ và địa phương không có quyền ban hành điều kiện kinh doanh và đưa ra danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu cần thiết thì phải kiến nghị để Chính phủ ban hành nghị định.

- Nhưng luật chỉ quy định chung chung khiến cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đều lúng túng?

- Cụ thể hóa là yêu cầu chính đáng nhưng thực hiện ngay thì rất phức tạp và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Mỗi ngành nghề lại bị chi phối bởi luật chuyên ngành. Tới đây, Chính phủ dự định thực hiện đăng tải toàn bộ danh mục các ngành nghề có điều kiện đăng ký kinh doanh trên mạng, trước khi bỏ vốn nhà đầu tư có thể truy cập để xem lĩnh vực nào cần giấy phép, trình tự thủ tục xin cấp phép ra sao.

- Luật Doanh nghiệp cũng quy định 4 năm để hoàn thành chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước nhưng thực tế nảy sinh rất nhiều khó khăn. Vậy cơ sở nào để ban soạn thảo đưa ra mục tiêu đó?

- Về bản chất doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại, chuyển đổi kiểu gì cũng không thể xoá đi mà chỉ nhằm hiện đại hóa cơ cấu quản trị.

Quả thực trong những năm qua, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất chậm nhưng tới đây có 2 yếu tố khiến tôi tin tưởng kế hoạch này có thể thực hiện được. Thứ nhất, các nghị quyết của Đảng thời gian gần đây đều nhấn mạnh đến kế hoạch này, trong các phiên thảo luận của Quốc hội đều thống nhất tới đây cần quyết liệt thực hiện cổ phần hóa. Như vậy là có chuyển biến căn bản về nhận thức. Thứ hai là trong quá trình hội nhập đòi hỏi bản thân doanh nghiệp phải nâng mình lên không chỉ đáp ứng yêu cầu trong nước mà cả bên ngoài. Doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu tổ chức để hoạt động minh bạch, có khả năng huy động vốn bên ngoài tạo cơ chế mở cho các nhà đầu tư mới tham gia.

Việt Phong thực hiện