"Cầm đèn chạy trước... ô-tô" (?!)
Ông Lê Ngọc Anh, người đứng tên đại diện cho 14 hộ, cá nhân xin thuê đất để làm trang trại và trồng cao-su ở tiểu khu 162 đã khai với cơ quan điều tra rằng, tháng 3-2005, ông đã làm đơn gửi UBND xã Hương Thọ xin thuê đất tại thung lũng Khe Dâu để trồng cao-su. UBND xã Hương Thọ đã nhận đơn và cử cán bộ đi xác minh. Sau đó, hướng dẫn ông Lê Ngọc Anh nên về xã Dương Hòa, vì đấy là đất thuộc địa bàn do UBND xã Dương Hòa quản lý.
Ðến ngày 27-4-2005, ông Anh đã có đơn xin thuê đất gửi UBND xã Dương Hòa và đến ngày 2-6-2005 Hội đồng Tư vấn giao, cấp đất của xã Dương Hòa đã "xét thấy số diện tích 230 ha đất rừng đang còn hoang vu lau lách, chưa có người sử dụng, đất không có tranh chấp và không bị chồng chéo đất của người khác, đủ điều kiện cấp cho ông Lê Ngọc Anh (người đứng đơn xin tập thể)" nên đã... "nhất trí xét và kính đề nghị cấp trên quan tâm giải quyết".
Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Tư vấn giao, cấp đất, ngày 2-6-2005 (tức cùng ngày Hội đồng Tư vấn có ý kiến đề nghị quan tâm giải quyết), Chủ tịch UBND xã Dương Hòa đã đồng ý phê theo tờ trình của ông Lê Ngọc Anh là, xin thuê 230 ha đất để lập trang trại và "đề nghị UBND huyện xem xét giải quyết".
Tiếp đó, gần hai tháng sau, tức vào ngày 1-8-2005, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa đã có bút phê tại Tờ trình của ông Lê Ngọc Anh gửi ngày 27-4-2005, "đề nghị Ban Quản lý Dự án Ða dạng hóa nông nghiệp Thừa Thiên - Huế và UBND huyện Hương Thủy quan tâm giải quyết cho phép ông Lê Ngọc Anh tham gia dự án trồng cao-su với diện tích 50 ha".
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, trong khi UBND huyện Hương Thủy chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông Lê Ngọc Anh đã hợp đồng thuê ông Lê Thì, đưa gần 40 người vào rừng phát thực bì và chặt cây rừng để chuẩn bị trồng cao-su. Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, nhóm người này đã chặt hạ hơn 28,6 ha rừng tại tiểu khu 162. Ðây là tiểu khu đã được UBND tỉnh quy hoạch là rừng sản xuất, trong đó có 45,3 ha là rừng tự nhiên; 379,8 ha đất rừng 1B; 209,2 đất rừng 1C. Mật độ bình quân là 1.100 cây/ha, đường kính bình quân 10 cm/cây, chiều cao bình quân là 8m/cây. Các loài cây chủ yếu là: trâm, giẻ các loại, máu chó, chẹo các loại, sòi tía, chò, hột...
Với đề xuất "đề nghị Ban quản lý Dự án Ða dạng hóa nông nghiệp quan tâm giải quyết cho ông Anh tham gia dự án trồng 50 ha cao-su" của UBND xã Dương Hòa thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định "ở vùng đồi còn sót lại của tiểu khu này, trong hai năm qua, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có kế hoạch trồng cao-su theo Dự án Ða dạng hóa nông nghiệp".
Bỏ sót "tội" của cơ quan quản lý rừng
Trong báo cáo gửi Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế về kết quả bước đầu điều tra, xác minh vụ chặt phá rừng tại tiểu khu 162, thuộc xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nêu một chi tiết đáng lưu ý là: ngày 24-8-2005, ngay sau khi đoàn kiểm tra của huyện Hương Thủy vào xác minh, thống kê thiệt hại tại tiểu khu 162 rút ra khỏi hiện trường, thì vào khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá gồm 28,6 ha đã bị... bốc cháy nên chưa thể xác định chính xác giá trị thiệt hại. Tại cuộc họp ngày 1-9-2005, các cơ quan chức năng đã đánh giá: "Có dấu hiệu phá rừng, gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi thuê người chặt phá rừng của ông Anh là vi phạm pháp luật".
Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhận định, hành vi của ông Lê Ngọc Anh, người đại diện cho 14 cá nhân tiến hành tổ chức chặt hạ cây rừng tại tiểu khu 162 khi chưa có quyết định cấp hoặc cho thuê đất của cấp có thẩm quyền là "có dấu hiệu vi phạm điều 140 của Luật Ðất đai năm 2003, Ðiều 12 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng". Ðồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xác định, cần phải làm rõ các vấn đề.
Cụ thể là: Phải có kết luận cụ thể trạng thái rừng, giá trị thiệt hại của vụ phá rừng để làm căn cứ xem xét điều chỉnh các hành vi nhằm có hình thức, biện pháp xử lý thích hợp; xác định rõ hành vi nhân thân của 14 đối tượng đứng tên xin thuê đất bởi trong hồ sơ xin thuê đất do ông Lê Ngọc Anh đứng tên có điểm không trùng khớp nhưng vẫn được UBND xã Dương Hòa xác nhận và chuyển lên cấp trên; cần làm rõ vai trò, trách nhiệm quản lý địa bàn của cán bộ địa chính xã Dương Hòa và lãnh đạo UBND xã Dương Hòa.
Ngoài ra, cần phải xem xét vai trò tham gia, tiếp tay cho vụ phá rừng của một số người có chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực điều tra thiết kế lâm nghiệp và các lĩnh vực khác (nếu có). Cần nói rõ thêm, tấm bản đồ đi kèm hồ sơ xin thuê đất của 14 hộ, cá nhân do ông Anh đứng tên, có cách thể hiện rất chuyên nghiệp, có thể hiện những đường cong giống đường bình độ, không giống những tấm bản đồ thông thường khác. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của đơn vị quản lý rừng - nơi để xảy ra phá rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vụ phá rừng này đang được cơ quan chức năng gấp rút tiến hành điều tra để đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Ðông đảo người dân quan tâm đến vụ phá rừng này đang rất mong cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm khắc.
|