Làng... "đánh vợ"
Các Website khác - 13/10/2008

Khi chúng tôi trở lại khối phố Kim Liên, phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng vẫn ảm đạm không khí buồn tang thương. Người dân không oán giận, nhưng thương tiếc cho bi kịch gia đình khiến Trần Trúc Giang - kẻ ngông cuồng cắt cổ vợ, bắt con thơ 40 ngày tuổi và mẹ vợ trên 60 tuổi làm con tin suốt 7 giờ liền vừa xảy ra hôm 7/10.

Song một sự thật đáng lo ngại hơn ở làng ven biển, sát chân đèo Hải Vân này là vấn nạn bạo hành gia đình, mà địa phương có tỉ lệ dân số nghèo và thất nghiệp lớn nhất Đà Nẵng đang phải đối đầu...

lang

Giang khi bị cảnh sát khống chế.
(Ảnh: H.P)

“Nhàn cư vi bất thiện”

Cụ Ngọc, cựu chiến binh, Trưởng ban bảo vệ dân phố Hoà Hiệp Bắc liên tục chép miệng: “Đáng tiếc, đáng tiếc. Thằng Giang (Trần Trúc Giang - đối tượng cắt cổ vợ, bắt giữ bà già thất thập cổ lai hy và con dại 40 ngày tuổi làm con tin 7 giờ đồng hồ) vốn là quân nhân tốt. Bố nó, ông Trần Viết Giới là cựu chiến binh, là Đảng viên ưu tú của địa phương. Tuy nghèo nhưng thành phần gia đình của Giang là tốt. Ông Giới từ bỏ quê hương Nông Cống, Thanh Hoá vào lập nghiệp ở làng Kim Liên, dưới chân đèo Hải Vân vừa trù phú, vừa thơ mộng này.

Thời gian gió thoảng, làng nước đổi thay, bộ mặt đô thị ngày càng phóng khoáng hơn, song dân tình Kim Liên lại rơi vào cảnh thất nghiệp càng nhiều. Ông Giới chết đi, để lại gánh nặng gia đình cho vợ - bà Trịnh Thị Tài cùng 3 con nhỏ. Trần Trúc Giang trở thành lao động trụ cột trong gia đình. Nhưng kể từ ngày có vợ, rời khỏi quân ngũ, Giang lâm cảnh thất nghiệp, thiếu đói, lại “vô công rỗi nghề” nên sinh ra rượu chè, trai gái. Hậu quả là không làm chủ bản thân, dẫn đến sự cố đáng tiếc”.

Theo ông Ngọc, vụ việc chẳng đáng để quan tâm, vẫn xảy ra tương tự, thường xuyên tại phường. Tuy nhiên, vì lòng tự trọng cao, lại ứng xử không đúng mực nên Giang đã manh động, thiếu suy nghĩ, dẫn đến hậu quả mà ngay cả chính quyền, công an cũng không lường hết được.

Khi chúng tôi có mặt tại UBND phường Hoà Hiệp Bắc ngay hôm sau xảy ra vụ việc, cũng là lúc Công an quận Liên Chiểu đưa mẹ con chị Nguyễn Thị Thêm- vợ của Giang đi giám định y khoa.

Tối hôm trước, cũng trên chiếc ôtô đặc chủng của cảnh sát, Giang đã sững sờ khi tỉnh rượu, ân hận mà cúi đầu bước lên xe.  Song điều xót xa nhất là trước khi lên xe để cảnh sát đưa đi giám định, chị Thêm gửi lại UBND phường Hoà Hiệp Bắc đơn xin cứu xét khẩn cấp.

lang

Bà Được - Mẹ vợ Giang tại bệnh viện. (Ảnh: TG)

Trong đơn, lời lẽ của chị Thêm chân thật nhưng đắng cay: “Anh Giang bị bắt, ít nhiều phải ngồi tù vài năm. Trong khi đó, gia cảnh đang bần hàn, hiện nhà tôi không có gạo để nấu cơm bữa, cháu nhỏ không tiền mua sữa bú...”.

Ông Trần Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường nói: “Tất nhiên, UBND phường sẽ xét duyệt một suất gạo cứu tế. Nhưng đấy không phải là điều  mong chờ của gia đình Giang-Thêm cũng như chính quyền. Trước khi xảy ra sự việc, gia đình Giang cũng đã thuộc diện cận nghèo. Mẹ của Thêm - bà Thái Thị Được cũng đã nhận gạo cứu tế thường xuyên của chính quyền”.

Báo động bạo hành gia đình

Phó Công an phường Hoà Hiệp Bắc, Trung tá Nguyễn Thanh Mạnh “tỉnh bơ” khi nói về chuyện kinh động vừa xảy ra tại phường sở tại: “Thật tình anh em công an phường hơi chủ quan trong phương án giải cứu con tin.

Không ai dự lường những diễn biến bất ngờ, phức tạp của vụ việc. Bởi chuyện đánh vợ, gây rối an ninh trật tự tại phường này xảy ra như cơm bữa thường ngày. Trung bình mỗi ngày vài ba vụ. Ngay bản thân Trần Trúc Giang đã không dưới 5 lần bị công an mời ra phường lập biên bản, cảnh cáo vì tội... đánh vợ.

Tuần trước, cũng tại trụ sở công an phường, Giang đã ký vào biên bản cam kết không đánh vợ nữa, song chứng nào tật ấy. Chính vì xảy ra thường xuyên, liên tục và không có sự cố nghiêm trọng khiến chính quyền và công an chủ quan trong cách giải quyết vừa qua”.

Ông Mạnh còn liệt kê hàng loạt “danh sách đen” của những “đối tượng” thường xuyên đánh vợ. Trong đó đứng đầu danh sách là anh em nhà Trần Nở. Chuyện đánh vợ, con dã man của họ khiến công an và chính quyền phải nhớ đến chi tiết, nguyên nhân từng vụ việc của gia đình họ.

Cảnh nhảy tàu bán rong như diễn xiếc của thanh niên làng Kim Liên. (Ảnh: TG)

Câu chuyện thật nhưng cười ra nước mắt ấy lại xót xa hơn khi biết những con số thống kê của chính quyền. Phó Chủ tịch UBND phường Hoà Hiệp Bắc, ông Trương Việt cho biết, toàn phường có 2.600 hộ với 13.500 nhân khẩu nhưng có gần 100 hộ thuộc diện đói nghèo, phải nhận gạo cứu tế thường xuyên hằng tháng. Đáng quan ngại hơn là có gần 4% dân số phường trong tình trạng thất nghiệp, không công ăn việc làm.

Bên cạnh đó, nghề đi biển, làm nước mắm (Nam Ô-nổi tiếng) cũng không “sống” nổi đã khiến quê hương Kim Liên-Hoà Hiệp lao đao. Gần đây, bên cạnh quá trình đô thị hoá, nông dân bị thu hồi đất, mất nghề, lại thêm việc hoàn tất xây dựng hầm đường bộ Hải Vân làm mất nghề “buôn bán theo xe” trên quốc lộ của cả trăm hộ dân. Thất nghiệp, thiếu đói là nguyên nhân chính dẫn đến việc thất học của lớp trẻ, sự sa đoạ, chệch hướng của đông đảo thanh thiếu niên.

Chúng tôi rảo một vòng quanh làng Kim Liên, chứng kiến đầy rẫy những thanh thiếu niên đầu xanh, tóc đỏ, khuyên tai, ăn nói thô lỗ, sẵn sàng gây gổ đánh người. Mới sáng sớm đã túm năm, chụm bảy để đánh bài, uống rượu hoặc gác chân ngất ngưởng quán cà phê để giết thời gian.

Hành khách trên con đường thiên lý Bắc - Nam không còn lạ với cảnh tượng nhảy tàu bán rong như đi xiếc của thanh niên, thiếu nữ của làng Kim Liên. Tất nhiên, vụ manh động đáng tiếc của Trần Trúc Giang không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh xã hội, song cũng là hồi chuông báo động cho nạn bạo hành gia đình, những dấu hiệu suy đồi của thế hệ trẻ tại địa phương cực Bắc TP Đà Nẵng, cần sớm có biện pháp ngăn chặn.

Theo Hàn Phong
gdvaxh