Lấp kẽ hở pháp luật để kiểm soát các chất hướng thần mới
Báo Tiếng chuông - 21/07/2016
Trong thời gian gần đây, nước ta đã xuất hiện loại chất hướng thần mới (NPS) bị giới trẻ lạm dụng. Những chất như XLR-11 (thường gọi là “cỏ Mỹ”), cây Khat (có chứa thành phần chất ma túy Cathinone)… đang đặt ra những khó khăn đối với cơ quan quản lý, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy và sức khỏe của cộng đồng.
Một số loại chất hướng thần

 

Theo số liệu của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), trong những năm gần đây, số lượng các chất hướng thần mới tăng đáng kể. UNODC đã ghi nhận có hơn 600 chất hướng thần mới xuất hiện trên hơn 100 quốc gia và lãnh thổ. Các chất này gây ra tác hại tương tự như các chất ma túy trong danh mục quản lý như cần sa, cocaine, MDMA hay Methamphetamine, thậm chí có những chất còn có tác động mạnh hơn, nhanh hơn và nguy hiểm hơn đến sức khỏe của con người.

UNODC đã xác định và phân loại 9 nhóm chất hướng thần mới, bao gồm: Aminoindanes, Ketamine và các chất thuốc nhóm Phencyclidine, Piperazines, chất nguồn gốc thực vật, cần sa tổng hợp, Cathinoes tổng hợp, Tryptamines và các loại chất hướng thần khác.

Trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, những nước ghi nhận phát hiện nhiều loại chất hướng thần mới nhất là Úc (73 chất), New Zealand (49 chất), Singapore (37 chất), Nhật Bản (31 chất) và Indonesia (29 chất). Các chất hướng thần mới trong khu vực này chủ yếu là cần sa tổng hợp, cathinone tổng hợp và Phenethylamine. Trong đó, cần sa tổng hợp chiếm lượng lớn trên thị trưởng với 42 loại chất cần sa tổng hợp. Những chất phổ biến là BZP, DMA, JWH-08, Kratom, mephedrone, Methylone và TFMPP.

Gia tăng các chất hướng thần có nguồn gốc thực vật

Theo truyền thống, cây Kratom được sử dụng ở Malaysia và Thái Lan để thay thế cho cây thuốc phiện, được dùng như là một loại thuốc giảm đau. Thái Lan trong những năm gần đây liên tục bắt giữ số lượng lớn cây kratom, được trồng hợp pháp ở khu vực phía Nam nước này. Trong năm 2013, Thái Lan thu giữ 45,5 tấn kratom (tăng 57% so với năm 2012), Malaysia thu giữ 9,1 tấn kratom (tăng 74%). Malaysia và Myanmar cũng đã ghi nhận tình trạng trồng trái phép cây kratom ở nước này.

 

Lá cây Kratom

 

Trong khi đó, cây Khat gần đây mới xuất hiện ở các nước thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, cây có chứa chất kích thích cathinone, trước đây chủ yếu xuất hiện ở khu vực Đông Phi, Trung Đông. Cây Khat hiện đang gia tăng ở các nước như Úc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Indonesia ghi nhận việc trồng trái phép cây Khat và đã triệt phá 7 hecta năm 2013. Tuyến vận chuyển cây Khat khá phức tạp, trung chuyển ở Trung Quốc và Úc, rồi chuyển sang New Zealand, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện đường dây vận chuyển cây Khat từ Đông Á và Đông Nam Á tới các khu vực khác trên thế giới.

Cần sa tổng hợp và cathinone tổng hợp phát triển nhanh

Bên cạnh đó, thị trường bất hợp pháp cathinone tổng hợp và cần sa tổng hợp gia tăng đáng kể, chủ yếu ở các nước như Úc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Malaysia và New Zealand. Các nước này đều ghi nhận sự gia tăng của số vụ, số lượng bắt giữ được và số loại chất cần sa tổng hợp như Singapore (17 chất), Nhật Bản (16 chất), Úc (14 chất), New Zealand (13 chất). Việc lạm dụng các chất này cũng đang ở mức đáng lo ngại. New Zealand đã lên tiếng cảnh báo về việc gia tăng lạm dụng các chất cần sa tổng hợp, trong năm 2012, chỉ có 9% người sử dụng cần sa tổng hợp lần đầu tiên trong tổng số người sử dụng ma túy nói chung, thì con số này đã tăng lên 46% trong năm tiếp theo.

Đối với cathinone tổng hợp, số lượng lớn các loại chất này cũng đã được phát hiện ở các nước như Úc (23 chất), New Zealand (17 chất), Singapore (10 chất) và Indonesia (8 chất). Theo các cơ quan chức năng Úc, Mephedrone là loại ma túy phổ biến thứ 7 ở nước này và cũng là loại ma túy chính thu giữ được ở khu vực biên giới, hầu hết được vận chuyển qua đường bưu kiện hàng không và chuyển phát quốc tế.

Theo báo cáo đánh giá của các nước về chất hướng thần mới, cần sa tổng hợp và cathinone tổng hợp cũng như các loại hướng thần mới khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương có thể được sản xuất ngay trong khu vực này.

Lấp kẽ hở pháp luật

Vậy làm thế nào để tăng cường nhận thức về mối nguy hại của chất hướng thần mới (NPS) và tiến tới kiểm soát những tác hại của chúng đối với cộng đồng ?.

Đại tá Trần Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát (Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết, Khoản 1 Điều 2 của Luật Phòng, chống ma túy quy định “chất ma túy là chất kích thích gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ quy định”. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ngày 1/10/2001 ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất. Từ đó đến nay, Chính phủ đã thường xuyên bổ sung, sửa đổi danh mục chất ma túy đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống ma túy như Nghị định số 133/2003/NĐ-CP, Nghị định số 163/2007/NĐ-CP, Nghị định số 17/2011/NĐ-CP, Nghị định số 82/2013/NĐ-CP, Nghị định số 126/2015/NĐ-CP.

Tại Phiên họp thường niên của Ủy ban kiểm soát ma túy (CND) trong các năm qua đã bàn và thống nhất bổ sung một số chất mới và danh mục chất ma túy theo Công ước 1961. Việt Nam là một quốc gia thành viên tham gia Công ước nên ngay khi các chất ma túy mới được bổ sung vào Công ước 1961, Chính phủ đã kịp thời bổ sung vào danh mục. Bên cạnh những chất được quy định theo Công ước, Chính phủ cũng đã bổ sung thêm các chất ma túy do lực lượng chức năng bắt giữ được hoặc nhận thấy các chất đó đang có xu hướng phát triển mạnh trong khu vực.

Trước thực tiễn tình hình lạm dụng ma túy hiện nay, các loại ma túy mới xuất hiện và thay đổi liên tục, bọn tội phạm đã lợi dụng khe hở để công khai rao bán, quảng cáo trên mạng xã hội, internet về các loại ma túy mới, có tác động nhanh, kích thích mạnh và hơn hết là “hợp pháp”, không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Với sự phát triển của công nghệ và khoa học, sự nhạy bén và tinh vi của tội phạm, từ một chất gốc có thể phát triển thành hàng chục chất ma túy khác cùng loại, cùng tác dụng để đối phó với các cơ quan chức năng. Khi các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ các loại chất này cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý do các cơ quan giám định chưa xác định được loại chất đó và khi xác định được cũng không thể xử do không thuộc danh mục chất ma túy được Chính phủ quy định.

Nghị định 126/2015/NĐ-CP vừa được ban hành ngày 9/12/2015, nhưng ngay sau đó vào tháng 4/2016, Phiên họp thường niên của Ủy ban kiểm soát ma túy đã thống nhất bổ sung 7 chất ma túy mới, cùng với đó các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã phát hiện, bắt giữ và giám định ra 6 chất ma túy mới khác.

Đây chính là kẽ hở để tội phạm ma túy tuồn những chất hướng thần mới vào Việt Nam để chế biến và sử dụng như những loại ma túy mới. “Hiện nay, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiến hành các thủ tục sửa đổi Nghị định 126/2015/NĐ-CP”, Đại tá Trần Văn Tiến cho biết.

Theo Đại tá Trần Văn Tiến, các Bộ, ngành liên quan cần xây dựng cơ sở dữ liệu và quy trình giám định chất hướng thần mới. Từ đó, sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật để làm cơ sở đấu tranh ngăn chặn các loại ma túy mới xuất hiện ở Việt Nam.