Lôi "đầu gấu" Hàn Quốc sang Việt Nam "dọa"
Các Website khác - 09/09/2008

 

 
Khách sạn Palace.
Hanoinet - Song Moon-gul là người làm thuê, nhưng khi được giới chủ cất nhắc đến chức giám đốc điều hành 2 CLB vui chơi giải trí dành cho người nước ngoài tại Hà Nội và Vũng Tàu thì tự cho mình là chủ, gây mâu thuẫn với nhà đầu tư chính rồi lôi kéo "đầu gấu" Hàn Quốc đến Việt Nam gây áp lực với những nhà đầu tư nhằm trục lợi bất chính. 

Sau hơn một năm tiến hành xác minh điều tra hành vi vi phạm pháp luật của một số người Hàn Quốc trên lãnh thổ Việt Nam theo Công hàm KHC-07-295 của Đại sứ quán Hàn Quốc ngày 6/8/2007, Cơ quan CSĐT Công an Việt Nam đã có đủ chứng cứ về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhau trong nội bộ những người Hàn Quốc và những hành vi vi phạm pháp luật của số người này trong thời gian kinh doanh, buôn bán tại Việt Nam.

Theo đơn tố cáo của Song Moon-gul (57 tuổi), mang hộ chiếu số 0066241, tố cáo ông Lee Charles Young, quốc tịch Mỹ, nhập cảnh vào Việt Nam theo hộ chiếu số 027309700, là người chung vốn để mở trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài tại khách sạn Melia, Hà Nội và khách sạn Palace, Vũng Tàu.

Trong quá trình hợp tác kinh doanh, do nảy sinh mâu thuẫn nên ngày 3/8/2007, Song Moon-gul bị nhóm xã hội đen Hàn Quốc đột nhập vào nhà riêng khống chế, ép buộc Song Moon-gul làm thủ tục nhượng lại phần góp vốn tại khu vui chơi giải trí tại khách sạn Melia, Hà Nội và khách sạn Palace, Vũng Tàu cho Lee Charles Young…

Nhưng trên thực tế thì Song Moon-gul mới là người gây ra nhiều mâu thuẫn trong việc quản lý, điều hành và kinh doanh tại hai CLB dành cho người nước ngoài tại Hà Nội và Vũng Tàu.

Song Moon-gul là người lao động làm thuê, nhưng khi được giới chủ cất nhắc đến chức giám đốc điều hành thì tự cho mình là chủ, gây mâu thuẫn với nhà đầu tư chính để câu kéo Lee Peum, Park Joog-kook… là những đối tượng từng có tiền án, tiền sự tại Hàn Quốc đến Việt Nam làm áp lực với những nhà đầu tư nhằm trục lợi bất chính.

Trong những đối tượng này, Lee Peum là đối tượng có lệnh truy nã của Cảnh sát Hàn Quốc, bị Cảnh sát Việt Nam bắt giữ ngày 25/3/2008.

Được biết, Công ty TNHH Minh Vân (Công ty M.V) do bà Đào Thị Minh Vân là Giám đốc, có trụ sở giao dịch tại TP HCM. Công ty M.V đã ký hợp đồng góp vốn kinh doanh câu lạc bộ trò chơi có thưởng tại khách sạn Melia, Hà Nội và khách sạn Palace, Vũng Tàu thuộc Công ty Dịch vụ du lịch dầu khí Việt Nam (OSC).

Sau khi các điều khoản thỏa thuận được trao đổi và thống nhất, OSC và Công ty M.V đã ký hợp đồng khai thác trò chơi có thưởng tại khách sạn Palace, Vũng Tàu. Để đi vào thực hiện, Công ty M.V đã ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH MHVM là công ty được thành lập theo pháp luật Hàn Quốc do ông Lee Doon-young làm đại diện, hợp đồng có hiệu lực thời hạn 10 năm.

Ông Lee Don-young đã đầu tư vào khách sạn Melia, Hà Nội 3 triệu USD và dự định sẽ đầu tư vào khách sạn Palace, Vũng Tàu 2 triệu USD, khi chuyển 150.000 USD đầu tư đến khách sạn Palace thì cùng lúc cũng cử ông Song Moon-gul là nhân viên của Công ty TNHH MHVM đang phụ trách kinh doanh khu giải trí tại khách sạn Caraven, TP HCM về làm quản lý tại khách sạn Palace, Vũng Tàu và khách sạn Melia, Hà Nội.

Như vậy, đến thời điểm này, Song Moon-gul vẫn là người làm công ăn lương của Công ty TNHH MHVM. Trong kinh doanh, Song Moon-gul đã nhiều lần ăn chặn tiền hoa hồng của Công ty TNHH MHVM nên xảy ra mâu thuẫn.

Ông Lee Don-young cho Song Moon-gul biết muốn giành quyền kinh doanh thì phải trả lại tiền đầu tư. Song Moon-gul đã giới thiệu Lee Charles Young là người Hàn Quốc, mang quốc tịch Mỹ đến gặp Lee Don-young để thỏa thuận chuyển nhượng.

Sau khi nhận sang nhượng đầu tư, ông Lee Charles Young cùng với Song Moon-gul và Công ty M.V một lần nữa thỏa thuận lại phần lợi tức được hưởng qua khai thác CLB trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài tại khách sạn Melia, Hà Nội và khách sạn Palace, Vũng Tàu.

Sau một thời gian dài thực hiện hợp đồng, giữa Lee Charles Young và Song Moon-gul lại phát sinh mâu thuẫn; do Lee Charles Young không có kinh nghiệm trong việc quản lý nên giao tất cả việc quản lý, mua máy game đến kinh doanh đều giao cho Song Moon-gul.

Lợi dụng điều này, Song Moon-gul chiếm đoạt tiền của Lee Charles Young và lập Công ty Macroray Interprise tại Hồng Kông do Song Moon-gul làm giám đốc. Khi Công ty được cấp phép hoạt động, Song Moon-gul liền làm hợp đồng giả giữa Công ty  Macroray Interprise với Công ty M.V để lấy phí dịch vụ quản lý.

Từ tháng 11/2006 đến tháng 3/2007, số tiền phải trả là 268.000 USD; từ tháng 4/2007 đến tháng 6/2007 là 174.000 USD. Cũng từ đây, nhiều mâu thuẫn phát sinh trong việc thực hiện hợp đồng giữa Công ty M.V - Song Moon-gul và Lee Charles Young.

Bà Đào Thị Minh Vân cho biết: Việc Công ty M.V không chi trả tiền cho Công ty Macroray Interprise là hoàn toàn không có gì sai trái với bản hợp đồng đã ký trước đây giữa Công ty M.V - Song Moon-gul và Lee Charles Young. Bởi vì người làm công hưởng lương còn được chia tỉ lệ phần trăm lợi nhuận trên doanh thu nên không có việc Công ty M.V và Song Moon-gul phải thuê một công ty khác quản lý.

Bên cạnh đó, việc chi trả cho Công ty Macroray Interprise, nếu có thì phải được sự đồng ý của OSC và Công ty M.V. Và, tại bản hợp đồng do Song Moon-gul "thừa ủy quyền" Công ty M.V ký với Công ty Macroray Interprise không có sự nhất trí của hai công ty.

Ngoài ra, ngày 11/7/2007, Song Moon -gul còn sử dụng tư cách pháp nhân của Công ty Song Hân do Song Moon-gul làm chủ ký hợp đồng đầu tư với Park Jong-gook, bán 70% cổ phần đầu tư của CLB trò chơi có thưởng tại khách sạn Palace với giá 1,7 triệu USD, chuyển toàn bộ tiền bán "cổ phần" vào tài khoản của Công ty Song Hân…

Sau khi phát hiện hành vi gian dối của Song Moon-gul, Công ty M.V đã ra quyết định bãi miễn chức vụ giám đốc kinh doanh và quản lý của Công ty M.V tại Hà Nội và Vũng Tàu. Đến ngày 27/2/2008, Song Moon-gul mới cử luật sư đến Văn phòng Công ty M.V để trả 2 con dấu và giấy phép, song một số giấy tờ có liên quan khác thì Song vẫn giữ lại. 

Theo hợp đồng thì Công ty M.V là đơn vị ký hợp đồng chính thức với OSC về việc khai thác CLB trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài tại khách sạn Palace, Vũng Tàu, nhưng OSC lại nhận tiền đầu tư của Song Moon-gul thông qua tài khoản của Công ty Song Hân.

Đến ngày 12/6/2007, Tổng Giám đốc OSC ông Phạm Tuấn đã ký quyết định bổ nhiệm Song Moon-gul vào vị trí Tổng Giám đốc CLB Vũng Tàu, đồng thời cũng ký quy chế tạm thời của CLB Vũng Tàu, trong khi Song Moon-gul chưa được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép lao động.

Như vậy, mọi hoạt động của CLB Vũng Tàu đã đặt ra khỏi sự kiểm soát của Công ty M.V, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động của CLB Vũng Tàu. Những quyết định của Tổng Giám đốc OSC là trái với luật lao động và các quy định tại hợp đồng liên doanh giữa hai công ty, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty M.V và ông Lee người đã đầu tư vào CLB Vũng Tàu

Theo CAND