Lối thoát cho các doanh nghiệp hay trò lừa siêu hạng?
Các Website khác - 29/05/2008
Mặc dù các ngân hàng Việt Nam đang dần phục hồi tính thanh khoản sau thời gian rơi vào tình trạng khan hiếm tiền đồng, thế nhưng việc các doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn cho vay từ ngân hàng vẫn vô cùng khó khăn. Một số ngân hàng còn hạn chế tối đa đầu ra (cho vay) để đảm bảo tính thanh khoản. Lãi suất huy động tiền gửi tăng lên từng ngày, thậm chí vượt rất xa quy định về lãi suất huy động tiền gửi được Ngân hàng nhà nước (NHNN) đưa ra là 12%/năm. Khó khăn này đã khiến nhiều doanh nghiệp đặt hy vọng vào “khoản vay tín dụng nước ngoài” từ một số tổ chức... phi thị trường đang ra sức mời chào.

CHÀO MỜI TÍN DỤNG KIỂU LỪA ĐẢO
Chính phủ luôn tạo điều kiện để thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Nắm bắt được những khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp Việt Nam, cùng với nhiều chủ trương, chính sách mở cửa của nhà nước ta nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp, không ít tổ chức, cá nhân (cả trong và ngoài nước) đã tự xưng là đại diện của các định chế tài chính nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế tìm gặp, tiếp cận giới doanh nghiệp trong nước cũng như lãnh đạo nhiều bộ, ngành trung ương lẫn địa phương để “tìm thị trường cho nguồn vốn ngoại”. Theo lời mời chào từ các tổ chức này thì nguồn tín dụng được rót về từ các tổ chức nước ngoài rất lớn, lãi suất vô cùng ưu đãi, thời hạn cho vay có thể lên đến 15 hoặc 20 năm (tính cả thời gian ân hạn). Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải có sự bảo lãnh của Chính phủ, cụ thể người bảo lãnh đó là Bộ Tài chính hoặc NHNN Việt Nam.

Lời mời gọi cùng với sức hấp dẫn từ cam kết của các bản hợp đồng chào tín dụng đã gây hoang mang cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Không ít doanh nghiệp, cán bộ ngành đã bỏ tiền bạc, thời gian đón tiếp và đặt chút hy vọng mong manh vào vị “cứu tinh” này. Theo sự thẩm tra của Bộ Tài chính về các dự thảo hợp đồng vay vốn ngoại của các tổ chức trên thì có rất nhiều vấn đề cần xem xét, bởi đó là thị trường hiện chưa được phổ biến, không tập trung (phi thị trường) nên rất khó xác định. Nội dung các bức thư bảo lãnh được chuẩn bị rất tinh vi, chủ yếu nhằm mục đích ràng buộc trách nhiệm của người bảo lãnh (Bộ Tài chính hoặc NHNN Việt Nam). Người bảo lãnh (bảo đảm cho người vay) phải có quy định đồng thời được điều chỉnh theo cả luật Việt Nam lẫn luật nước ngoài. Trong khi thực tế pháp luật hai nước luôn có sự khác biệt. Người bảo lãnh (Bộ Tài chính hoặc NHNN) phải đứng ra thanh toán cho người thụ hưởng bảo lãnh (các doanh nghiệp, tổ chức trong nước) một khoản tiền khi đến hạn quy định, bất luận khoản vay đó có được giải ngân hay không? Trong khi đó, tính minh bạch về quyền và nghĩa vụ của bên cho vay thì lại không có bất kỳ một quy định rõ ràng nào. Thực chất, nếu không cảnh giác thì các thư bảo lãnh nếu được ký và ban hành sẽ đương nhiên trở thành công cụ nợ mà các tổ chức tài chính phi thị trường kia có thể dùng luân chuyển (mua, bán, chuyển nhượng hoặc chiết khấu) trên thị trường vốn quốc tế.

Ý KIẾN CỦA “NGƯỜI BẢO LÃNH”
Nằm trong kế hoạch đảm bảo mục tiêu quản lý của nhà nước đối với việc vay, trả nợ vốn nước ngoài, đặc biệt là nhằm tránh thiệt hại về công sức, tiền bạc cho các doanh nghiệp, cá nhân trong nước, Bộ Tài chính đã chính thức ra thông báo về vấn đề trên.

Các bộ ngành, lãnh đạo chính quyền các cấp và doanh nghiệp trong nước cần hết sức cảnh giác với các đối tượng môi giới kiểu lừa đảo này, tuyệt đối không cử các đoàn ra nước ngoài để thương thảo các hợp đồng tín dụng để tránh khỏi nhưng hậu quả đáng tiếc. Trên nguyên tắc, tất cả các nguồn vốn vay hoặc vốn đầu tư nước ngoài đều phải có sự thẩm định chính xác của Bộ Tài chính.

Tại các địa phương, khi gặp trường hợp nêu trên, cần sớm liên hệ với NHNN các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn cụ thể những quy định của pháp luật về vấn đề quản lý vay vốn và trả nợ vốn nước ngoài.

Đối với tổ chức, cá nhân ở trung ương, muốn tìm hiểu thông tin cần liên hệ trực tiếp với Bộ Tài chính (Vụ Tài chính ngoại hối) và NHNN (Vụ Tín dụng) để được hướng dẫn thêm về pháp luật liên quan đến bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài. Hoặc đến trung tâm thông tin tín dụng thuộc NHNN Việt Nam để xác minh tính xác thực của người chào các khoản tín dụng, cũng như tính thực tế của các điều kiện tín dụng được nêu ra trong bản chào đầu tư trên cơ sở thị trường vốn quốc tế tại thời điểm đó.

Đề nghị tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện âm mưu lừa đảo, hãy báo cáo cho cơ quan an ninh của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để kịp thời có biện pháp xử lý.
Tuyến Chi