Những cuộc đào tẩu táo tợn
Các Website khác - 29/05/2008

Những tưởng chuyện vượt ngục với những “chiêu thức” hãi hùng chỉ còn trong tư liệu lịch sử hay trong tiểu thuyết, Vậy mà, các chiến sỹ quản giáo vẫn không ít phen dầm mưa dãi nắng để truy bắt những tù nhân thực hiện các cuộc vượt ngục táo tợn.

Các phạm nhân trốn trại đã bị bắt lại: Nguyễn Văn Thanh, Chíu Phúc Dẫu, Nguyễn Văn Duệ

Trốn dưới hố phân người

Năm 2007 và mấy tháng đầu năm 2008, chỉ riêng ở trại giam Thanh Lâm (Thanh Hóa), đã xảy ra mấy vụ trộm táo tợn với các “tên tuổi” như Hán Văn Thắng, Lê Sỹ Hưng, Nguyễn Văn Thanh, Chíu Phúc Dẫu... Một số vụ những kẻ chạy trốn liều lĩnh, bất chấp tất cả, nghe rất khó tin.

Nguyễn Văn Thanh nhỏ thó, lì lợm, ngọng nghịu, cúi mặt, nói nhỏ (đến mức tôi phải hỏi đi hỏi lại mấy lần): “Em trốn dưới hố phân người ạ…”. 10 năm trước, có mặt ở trại giam Tân Lập, tôi cũng đã nghe câu chuyện như thế này, một phạm nhân bỏ trốn, nằm ngập mình dưới hố phân người, chỉ cái mũi thò lên không khí, mũi được che đậy bằng một miếng giấy bẩn.

Thanh sinh năm 1982, ở xã Yên Mật (Kim Sơn, Ninh Bình) phạm tội cố ý gây thương tích và giao cấu với trẻ em. Vừa vào tù, nghe tin người tình lên xe hoa, y nghĩ quẩn rồi hoang mang bỏ trốn. Thủ theo cả túi muối, con dao làm hành trang, nhân lúc đang lao động cải tạo, Thanh chạy vọt lên núi.

Trước khi trốn, Thanh đã lân la hỏi kinh nghiệm của những người có “tiền sử” trốn trại, rằng phải chạy thế nào, ngủ rừng thế nào, thoát khỏi các “chốt” của công an thế nào. y đi sâu vào rừng, chạy đến khi trời tối, ngủ rừng một đêm.

Phạm nhân trốn trại đã bị bắt lại: Nguyễn Văn Duệ

Sáng hôm sau, định “lủi” qua các chốt vây bắt ra đường lớn, xuôi về phía Nam đi Quảng Bình tìm người quen, bỗng Thanh gặp một người đàn bà trung niên.

Thoáng nhìn vẻ bơ phờ, ăn rừng ngủ bụi của Thanh, người này đã khuyên y nên về trại, để hưởng lượng khoan hồng.

Biết người dân ở quanh khu vực trại giam đã được giác ngộ ý thức chống tù trốn trại rất tốt nên Thanh rất sợ.

Y bảo, cháu đã trốn quá 24 giờ rồi, có về lại buồng giam, cũng vẫn bị xử phạt nặng. Cô có thương, cho cháu xin bộ quần áo, để cháu trốn tiếp.

Người đàn bà thấy Thanh cầm dao, bèn tính kế hoãn binh, giả vờ đồng ý. Về đến đầu xóm, người bà hô hoán, rồi ngay lập tức tìm cách báo tin cho công an. Khi lực lượng truy bắt có mặt, Thanh đã kịp biến mất.

Hắn chạy theo đường mòn, chạy gần 1 ngày trời. Bỗng gặp một thanh niên cầm dao. Biết Thanh là tù trốn, anh ta lại hô: Đứng lại! Thanh cũng rút dao. Hai bên gườm nhau, Thanh chạy tọt lên đồi mía.

Vòng vây khép chặt, sau nhiều tiếng đồng hồ tìm kiếm, lực lượng truy bắt bới cả các mái ngói, lục cả các chum nước, đào cả các vùng đất có dấu hiệu mới bị đào đề phòng Thanh tự “chôn sống” mình để trốn, không thấy!

Nhận định Thanh không thể độn thổ hoặc cân đẩu vân như Tôn Ngộ Không đi ngay được, lực lượng cảnh sát trại giam được lệnh giữ nguyên vòng vây, tiếp tục lục soát. 

Tuấn Anh, một cảnh sát bảo vệ cùng nhiều lực lượng đã trực tiếp tìm thấy Thanh kể: “Cậu ta trốn trong nhà xí. Người ta đào hố ngoài vườn mía, bắc một tấm ván lên để “đi cầu”. Lúc đầu, Thanh nép dưới tấm ván đó. Rồi chìm dưới phân, hở mỗi cái mũi lên. Chúng tôi cho chọc khuấy bể phân, chọc trúng Thanh...”.

Đóng giả nữ Phó Giám thị để trốn

Ngồi trước mặt tôi là Chíu Phúc Dẫu. Trắng trẻo, mặt vuông chữ điền, hỏi gì đều dạ thưa lễ phép, thật khó hình dung y là tác giả của vụ “đào tẩu” gây khổ sở cho cán bộ trại giam Thanh Lâm.

Toàn trại “đóng cửa”, mệnh lệnh “chiến đấu” được ban bố. Cơm không kịp ăn, tất cả cán bộ chiến sỹ lên đường đi truy bắt. Chíu Phúc Dẫu là người dân tộc ít người, sức khỏe phi thường, tinh thông các mánh khóe luồn rừng và sống ở trong rừng.

Đang tham gia lao động, thì y “lắc mình”, chạy vụt như con sóc vào trong rừng rậm. Hàng trăm tù nhân tích cực, hàng chục quần chúng và rất nhiều cán bộ cùng “bới đất lật cỏ” tìm Dẫu, 6 ngày liền không thấy. Lệnh truy nã dán khắp nơi.

Lý lịch về Dẫu được anh em cảnh sát bảo vệ học thuộc lòng: Tên: Chíu Phúc Dẫu, tên thường gọi: Chíu A Mộc. Sinh năm 1986, người ở Nà Pò, Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh).

Tất cả các “cửa ải” đều được lực lượng cảnh sát bảo vệ, trinh sát rải quân, án ngữ. Một mũi về quê Dẫu phục kích. Tổng lực lục soát vùng đồi mà Dẫu bắt đầu biến mất.

Hắn không thể kiếm được trực thăng chạy trốn. Mái nhà, bể nước, vũng bùn, nhà dân, chỗ nào lực lượng truy bắt cũng không bỏ qua. Các ống cống lớn đục xuyên qua đường Hồ Chí Minh, cũng được lục soát.

Các bụi cây lớn giữa đồi hoang vu, đều được những người truy tìm dùng các cây nứa dài 20m... chọc thử.

Không thấy. Các mũi cảnh sát bảo vệ phục ở bãi tha ma vắng vẻ, ở đỉnh đồi hoang rậm được lệnh nằm im. Mọi người ăn mì tôm sống, nằm làm mồi cho vắt, muỗi “đánh chén” 5 ngày đêm ròng rã.

Những trinh sát lão luyện nhất đã tung mình vào cuộc. Họ hy vọng Dẫu sẽ ăn trộm đồ nhà dân, sẽ ăn quả rừng, vặt lá rừng, rồi phóng uế bừa bãi, thì đó sẽ là cơ sở để lần ra dấu vết. Nhưng Dẫu đã “lai vô ảnh khứ vô hình”.

Dẫu kể: “Em hôm ấy được phân công gánh nước tưới rau trên đồi. Em trốn. Em ở suốt 6 ngày trong rừng. Chỉ ăn quả rừng, lá rừng, đói lắm thì mới vặt trộm quả xoài quả nhãn của dân, bẻ trộm mấy tấm mía hít lấy nước.

Nhưng phải “lấy” khéo để họ không thấy dấu vết cây, quả bị “vặt”. Có lần em đã vào nhà dân, thấy cái xe máy ngon quá, em định lấy trộm để ngồi lên đó, phóng đi trốn. Nhưng người ta đi vắng, xe không có chìa khóa. Thế là em bỏ đi. N

gày nằm im, đêm tìm đường thoát ra khỏi vùng đồi xứ Thanh càng sớm càng tốt. Đến hôm ấy, mệt quá, lắm muỗi vắt quá, em mới leo lên cái cột điện của đường dây 500KW nằm ngủ. Ngủ đến sáng… thì bị vây bắt, sau 6 ngày ở rừng”.

Trại giam số 5 – Thanh Hóa, ngày 17/1/2008, cũng vất vả với trường hợp trốn tù của phạm nhân Nguyễn Thế Tùng. SN 1982, người phường Hữu Nghị, thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, đi tù tội trộm cắp tài sản, Tùng có sức mạnh của một vận động viên thứ thiệt.

Hắn vọt ra khỏi khu lao động chỉ trong chớp mắt đã cướp cái xe đạp, đạp như tên bắn ra đường lớn, vứt bỏ xe, lao lên xe khách, biến mất. Tùng liên tục thoát các kế hoạch đón lõng của công an, mò về đến tận ngọn núi đầy tre bương ở ven thị xã Hòa Bình quê mình để trú ngụ.

Công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc, các mũi vây bắt mỏi mòn phục kích mà Tùng vẫn bặt tăm. Phải đến khi Tùng đi ăn trộm, bị công an bắt, hắn mới tiếp tục vào trại 5.

Nhưng, kỳ lạ nhất mà tôi từng biết, là trường hợp trốn khỏi trại 5 của phạm nhân Nguyễn Văn Duệ, SN 1962, người xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Tây) phạm tội giết người, cướp tài sản. Anh Vân, Phó Giám thị kể: “Duệ dám đóng giả bà Can (nay là Trung tá, Phó Giám thị trại 5) để trốn.

Xăm trổ đầy mình, dáng dấp rất là lục lâm thảo khấu, nhưng gương mặt lại hao hao kiểu… Xuân Hinh, hơi giống phụ nữ, thế là sau nhiều lần đào tẩu bất thành, Duệ đã móc nối với “huynh đệ” ngoài đời, chuẩn bị tóc giả, ngực giả để đóng phụ nữ, lại thêm cả quần áo của nữ cảnh sát để trốn. Đồ nghề “diễn viên nữ” được đồng bọn chôn giấu sẵn ngoài khu vực sản xuất”.

Hóa trang xong, “nữ cảnh sát” Duệ dịu dàng, thong dong đi qua mấy trạm gác. Đến cổng ngoài cùng, y nghĩ đã chắc mẩm thoát. Nóng quá, theo thói quen “phóng khoáng” của nhiều đàn ông, Duệ cởi bớt một cái cúc áo ngực. Không ngờ, con đại bàng xăm trổ tràn lấn hết cả bụng cả ngực y, nhờ cái cúc áo nữ cảnh sát bị “xổ” đã thừa cơ tung cánh.

Trực ban Bùi Đình Yên nhìn thấy một vệt xăm be bé ở khoang ngực hở của... “đồng nghiệp nữ”, bèn gọi lại vờ như hỏi thăm sức khỏe. Biết bị lộ, Duệ đã lao vào cắn tay, cắn cổ anh Yên khiến máu me loang lổ.

Rồi cùng quẫn, hắn đã khóa chặt phòng trực ban, lục tìm không thấy súng, vớ được con dao Thái và một cái búa sắt (dùng để gõ kẻng của trại), Duệ “khống chế con tin” nhằm chống lại lực lượng vây bắt.

Trước hàng chục tay súng, với tiếng loa thuyết phục liên hồi, sau 4 tiếng đồng hồ “cố thủ” trong phòng trực ban, Duệ đã phải giơ tay đầu hàng. Tôi gặp Duệ ở một phân trại xa xôi giữa rừng xanh núi đỏ của trại 5, y rủ rỉ: “Thôi, lên ông ngoại rồi, trốn trại mãi mang tiếng lắm”.

Có thể thấy rằng, với chính sách khoan hồng của Nhà nước, qua các đợt đặc xá, qua việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phạm nhân, hoặc đơn giản - cụ thể hơn là việc ai cải tạo tốt sẽ được gọi điện về nhà hàng tháng như hiện nay, tâm lý trốn trại không còn là phổ biến nữa.

Song, các chiến sĩ cảnh sát trại giam vẫn phải ngày đêm từng giây, từng phút cảnh giác để đối phó với những kẻ trốn trại liều lĩnh đến tuyệt vọng như trên.

Đỗ Doãn Hoàng