Ngày 12/10, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án Nguyễn Trọng Trường (nguyên chi cục phó Quản lý thị trường tỉnh) và đồng phạm về tội nhận hối lộ và môi giới hối lộ để bảo kê cho buôn lậu. Ngày đầu tiên, bị cáo Lê Thị Tuyết (một chủ hàng lậu) đã thừa nhận tội môi giới hối lộ.
Trong phần thẩm vấn tại tòa, các bị cáo đồng loạt phản cung, cho rằng đã bị bắt oan và không thừa nhận kết quả điều tra, kể cả những lời khai trước đây. Nguyễn Trọng Trường không thừa nhận việc nhận tiền của các chủ xe.
Khi HĐXX công bố bằng chứng khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Tuyết với Trường là hàng trăm cuộc điện thoại từ máy di động của Lê Thị Tuyết gọi cho Trường từ tháng 1 đến tháng 9/2004 thì y phải thừa nhận Tuyết là cộng tác viên "nghiệp vụ" của mình.
Tuy nhiên, Trường vẫn không thừa nhận việc nhận hối lộ. Trong khi đó, bị cáo Tuyết, người trực tiếp chuyển tiền "bảo kê" cho Trường, đã thừa nhận hành vi môi giới hối lộ như cáo trạng của Viện Kiểm sát.
Còn bị cáo Hứa Thị Múi (cũng là chủ hàng lậu tuyến Tiên Yên, Móng Cái) đã thừa nhận việc đi thu tiền của các chủ xe trên địa bàn Tiên Yên để thông qua Tuyết nộp cho Trường. Điều này phù hợp với lời khai của các chủ hàng có mặt trong phiên toà.
Tham dự phiên toà, ngoài bị cáo Nguyễn Trọng Trường, Lê Thị Tuyết, Hứa Thị Múi, còn có sự hiện diện của 12 nhân chứng ở thị xã Móng Cái, Tiên Yên là các chủ hàng, chủ xe thường xuyên phải "làm luật" cho Trường cùng đồng phạm. 23 cán bộ quản lý thị trường đại diện cho các đội từ Móng Cái đến Đông Triều cũng được triệu tập.
Riêng ông Nguyễn Trọng Lên (anh trai bị cáo Nguyễn Trọng Trường, nguyên giám đốc Sở Thương mại Quảng Ninh, nguyên chi cục trưởng Quản lý thị trường) là người liên quan trực tiếp đến vụ án, được toà triệu tập, nhưng đã vắng mặt.
Theo cáo trạng, từ tháng 9/2003 đến tháng 5/2004, hơn 10 chủ xe hàng lậu đã bị Nguyễn Trọng Trường ép buộc phải đóng tiền "làm luật". Trong đó có gia đình chủ xe Trịnh Khắc Hoà, trú tại thị trấn Đông Triều, đã 5 lần đưa tiền "làm luật" cho Trường với tổng số tiền là 86 triệu đồng và 6.000 USD.
Cũng bằng thủ đoạn này, Trường đã câu kết với bị cáo Lê Thị Tuyết, Hứa Thị Múi thu của 12 chủ hàng lậu với số tiền là 61 triệu đồng. Khi các chủ hàng chịu lót tay, "làm luật" thì các xe hàng lậu sẽ được Trường đứng ra bảo kê, không bị khám xét, bắt giữ.
Điều này đã được 23 cán bộ quản lý thị trường có mặt tại phiên toà thừa nhận
(Theo Lao Động)
Theo dòng sự kiện: |
▪ Xét xử sơ thẩm vụ tham nhũng trong ngành dầu khí: Sự ân hận muộn màng của Dương Quốc Hà (13/10/2005)
▪ Kiểm điểm một loạt thanh tra viên (13/10/2005)
▪ Sẽ công khai danh sách các doanh nghiệp cố tình trốn tránh thi hành án (13/10/2005)
▪ Những giấy tờ cần có trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng (13/10/2005)
▪ Một thiếu tá công an chết tại cơ quan (13/10/2005)
▪ Dùng sổ đỏ giả thế chấp vay vốn ngân hàng (13/10/2005)
▪ Chỉ đạo đấu tranh chống các loại tội phạm (12/10/2005)
▪ Bóc trần thủ đoạn nâng giá đấu thầu và làm giả hợp đồng để lấy tiền chia nhau (12/10/2005)
▪ Vững vàng đương đầu với tội phạm ma túy (12/10/2005)
▪ Người bắt giữ trùm ma túy Hải "luận" (12/10/2005)