Nhiều quy định của pháp luật gần như đều dừng ở cửa ngõ các gia đình
Các Website khác - 21/10/2005
Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình đang được Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2006 của Quốc hội. Bà Trần Thị Minh Chánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi ý kiến chung quanh dự án luật này.
- Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức của cả nước về tình hình bạo lực gia đình, song qua các nghiên cứu khác nhau của Chính phủ về kết quả thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Việt Nam đã nhận xét: "...Nạn ngược đãi phụ nữ trong gia đình vẫn tồn tại và tập trung chủ yếu ở nông thôn, nơi tư tưởng của người dân vẫn còn, lạc hậu và phụ nữ còn thiếu hiểu biết về quyền lợi của mình.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, 80% phụ nữ được hỏi cho biết đã từng trải qua một số hình thức ngược đãi, hơn 15% cho biết đã từng bị chồng đánh đập. Vẫn còn có quan niệm cho rằng đây là lĩnh vực riêng tư, thuộc nội bộ gia đình. Chính vì vậy mà nỗ lực của các cơ quan chức năng, đoàn thể chưa mang lại hiệu quả giải quyết thỏa đáng tệ ngược đãi phụ nữ".

Báo cáo của chính phủ Việt Nam về thực hiện Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước CEDAW) cũng được Liên hợp quốc đánh giá cao, song tổ chức này vẫn nhận xét: "Liên hợp quốc bày tỏ sự quan ngại về tình trạng bạo lực với phụ nữ trong gia đình. Ủy ban thực hiện Công ước CEDAW bày tỏ mối quan tâm lo lắng do việc thiếu các biện pháp mang tính pháp lý và các biện pháp xã hội khác nhằm ngăn ngừa và giải quyết tệ nạn bạo lực gia đình Việt Nam quá thiên về hòa giải đối với các trường hợp gia đình mâu thuẫn, do vậy làm xuất hiện vấn đề bạo lực gia đình".

* Như vậy, các quy định của pháp luật hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa có hiệu quả thưa bà?

- Đối với các văn bản mang tính pháp quy trong nước hiện nay, chúng ta đã có Chỉ thị số 49/CT-T.Ư ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã nhận định: "Bạo hành trong gia đình có chiều hướng phát triển, nguyên nhân có phần do nhận thức của xã hội về vị trí vai trò của gia đình, công tác quản lý nhà nước về gia đình chưa theo kịp sự phát triển của đất nước, nhiều vấn đề bức xúc của gia đình chưa được xử lý kịp thời. Sự phân hóa giàu nghèo sẽ tác động vào số đông các gia đình Việt Nam. Trong thời gian tới nếu không quan tâm củng cố, ổn định xây dựng gia đình thì khó khăn, thách thức nêu trên sẽ làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Bên cạnh đó, ngày 24-5-2005, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 48/NQ-T.Ư về Chiến lược xây dựng và hoàn chỉnh pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Một trong những chỉ đạo là: "Xây dựng và hoàn chỉnh pháp luật về quyền con người, về quyền tự do, dân chủ của công dân... Xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân số, gia đình và trẻ em và chính sách xã hội".

Hiến pháp đã quy định quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo vệ khỏi các hành vi phân biệt đối xử và xúc phạm, nhất là đối với phụ nữ. Bộ Luật Hình sự, Luật Hôn nhân gia đình, Bộ Luật dân sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã có một số quy định để xử lý các hành vi bạo lực. Song vẫn rất cần ban hành luật này vì các quy định này nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau và chưa được chế định chi tiết nên khó áp dụng trong thực tế.

Mặt khác, việc thực thi các quy định này ít hiệu quả, mặc dù những quyền này được thực thi tốt ngoài xã hội, song gần như đều dừng lại ở cửa ngõ của các gia đình. Ví như cùng một hành vi cố ý gây thương tích (đánh người), nếu xảy ra ở bên ngoài thì hành vi này bị nghiêm trị, nhưng nếu xảy ra trong các gia đình thì hành động này thường bị bỏ qua, để gia đình "tự giải quyết". Điều đó rất nguy hiểm những người yếu thế như phụ nữ, người già, trẻ em, người tàn tật... .

Đối với Quốc hội, khi thảo luận về chức năng quản lý nhà nước về gia đình của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em chưa xác định rõ các quy định pháp lý về vấn đề gia đình như thế nào.

Do đó, dự án Luật phòng chống bạo lực trong gia chính sẽ là văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng, vừa thể chế quan điểm bình đẳng trong gia đình, một vấn đề vẫn còn ý kiến băn khoăn.

* Vậy thưa bà, một số quan điểm, nội dung, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Phòng chống bạo lực trong gia đình này là gia đình?

- Dự án luật xác định bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật, đồng thời bảo đảm tôn trọng các quyền công dân khi xử lý các hành vi vi phạm trong bạo lực gia đình. Phải coi phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình là chính, kết hợp với các giải pháp bảo vệ nạn nhân để tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bảo đảm xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững. Dự án Luật cũng nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về vấn đề gia đình.

Về đối tượng điều chỉnh, dự án Luật tập trung các quan hệ xã hội liên quan đến phòng chống bạo lực trong gia đình Việt Nam.

Dự án luật cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực trong gia đình như giáo dục, tuyên truyền vận dộng nâng cao ý thức pháp luật có liên quan đến gia đình. Bên cạnh đó, sẽ áp dụng các biện pháp về kinh tế, y tế giáo dục. Đặc biệt dự luật cũng sẽ đưa ra các chế tài mạnh để răn đe như xử lý hình sự và bồi thường trách nhiệm dân sự, đưa ra các quy định bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình. Quy định bảo đảm thực hiện qua hệ thống thiết chế, tổ chức bộ máy nhà nước như các cơ quan bảo vệ pháp luật hiện nay.

Dự luật cũng sẽ quy định trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức hữu trách. Tập trung vào các cơ quan, tổ chức như Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ ngành như Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, UBND các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường có vai trù đặc biệt quan trọng. Các cơ quan tố tụng như Tòa án, Viện Kiểm sát có trách nhiệm xét xử những vụ việc nghiêm trọng để giáo dục, răn đe trong toàn dân. Các cơ quan đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các Hội Cựu chiến binh, Nông dân, Người cao tuổi... có trách nhiệm to lớn trong hoạt động này. Các cơ quan giám sát thực thi sẽ là Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.

* Tiến độ soạn thảo dự luật này hiện nay như thế nào, thưa bà?

- Để bảo đảm quá trình soạn thảo được nhanh chóng, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội là cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép đưa dự án Luật Phòng chống bạo lực trong gia đình vào Chương trình xây đựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XI. Dự kiến Ủy ban sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2006, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp đầu năm 2007.

* Xin cảm ơn bà!

Theo báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Luật Hôn nhân & Gia đình của ngành tòa án nhân dân các tỉnh cho thấy: Ở Hà Nội, có 7.273 vụ ly hôn do phụ nữ bị đánh đập, hành hạ, chiếm 32% nguyên nhân ly hôn. Tại Hải Phòng, có 2.359 trong số 7.700 vụ ly hôn do hậu quả của bạo lực gia định. Thống kê tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, 10% số vụ ly hôn do người chồng nghiện ngập rượu chè dẫn đến đánh đập vợ con.

Trong 4 năm (1997-2000) tại huyện Xuân Trường, Nam Định, bệnh viện huyện tiếp nhận 102 ca cấp cứu vì tử tự, trong đó có 90 người do bị ngược đãi, đối xử tệ bạc (trong đó 90% là phụ nữ bị chồng ngược đãi).


Theo Gia đình và Xã hội