* Thưa Bộ trưởng, thanh tra của Bộ Nội vụ sẽ là nòng cốt để Thanh tra công chức. Liệu có khó không khi kiểm tra công vụ ở các bộ, ngành khác?
- Đó là những cái vướng mà bây giờ đang giải quyết và phải làm cho rõ thẩm quyền trách nhiệm. Khi có nghị định của Chính phủ giao rạch ròi việc này thì lúc đó sẽ rõ chức năng, thẩm quyền.
TTCV chính là thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ của CBCC, kích thích họ làm việc. Phụ trách việc này chính là thủ trưởng hành chính của cơ quan. Đây cũng là người chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc CBCC thực thi công vụ.
* Có thể hiểu là lâu nay ông thủ trưởng này không quán xuyến được hiệu quả công việc của CBCC cấp dưới nên mới dẫn đến việc thanh tra công vụ. Bây giờ lại giao nhiệm vụ thanh tra công vụ cho ông ấy thì sẽ như thế nào?
- Ở đây còn có vấn đề nhận thức. Việc TTCV sẽ tác động đến ý thức, nhận thức của đội ngũ trong đơn vị. Không ít trường hợp anh sử dụng bộ máy nhưng chưa chú ý kiểm tra việc thực thi công việc của bộ máy ấy.
* Để TTCV có hiệu quả thì ít nhất phải có quyền xử lý được cán bộ. Vậy TTCV có được quyền ấy không, thưa Bộ trưởng?
- Việc xử lý cán bộ được quy định ở nhiều luật khác như Luật phòng chống tham nhũng, pháp lệnh CBCC. Còn thẩm quyền xử lý thì theo cấp quản lý công chức chứ không phải cơ quan thanh tra xử lý. Thanh tra chỉ có chức năng phát hiện và kiến nghị.
* Có thêm một lực lượng thanh tra nữa liệu có thêm cồng kềnh cho bộ máy nhà nước?
- Cái gì cũng có hai mặt. Nhưng ta chọn mặt có tác dụng tích cực hơn. Thí dụ như giữa chuyện học và thi: khi có thi thì việc học sẽ khác. Công việc cũng thế: có kiểm tra, thúc đẩy, kích thích thì công việc trôi chảy hơn.
* Lâu nay chúng ta coi cải cách hành chính (CCHC) như là một khâu tạo đột phá, thế nhưng luôn luôn làm chậm. Ngay chương trình thanh tra công vụ này cũng làm chậm. Vì sao như vậy?
- Nói CCHC chậm thì đúng. Nhưng chậm so với yêu cầu. Nếu chúng ta làm CCHC tốt hơn thì xã hội phát triển nhanh hơn, GDP năm nay sẽ không phải chỉ tăng 8,4%.
Tuy nhiên chậm không có nghĩa là không làm cái gì. Chúng ta đã làm rất nhiều việc về CCHC. Ngay trong kỳ họp này việc Quốc hội đẩy nhanh tốc độ làm luật cũng chính là làm CCHC.
CCHC phải làm từ trên xuống, từ trong ra. Chúng ta muốn xây dựng nhà nước pháp quyền, muốn có một thị trường hoàn chỉnh thì phải hoàn thiện luật. Có luật mới quản lý theo luật, làm theo luật. Đó là bước cải cách lớn nhất mà QH đang tập trung.
Đối với CCHC thì cái rất lớn là thể chế. Nhưng không chỉ là cải cách thể chế mà là gồm cả tổ chức bộ máy, CBCC, tài chính công. Chính xác là phải làm đồng bộ cả bốn nội dung trên.
* Cá nhân Bộ trưởng đã làm CCHC từ mười năm nay. Ở kỳ họp nào đại biểu Quốc hội cũng “kêu” về CCHC. Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào?
- Đó là người dân đòi hỏi ở tôi, tôi đã cố gắng nhưng chưa làm tốt được, chưa thỏa mãn được. Tôi không trốn tránh trách nhiệm nhưng đúng đây là công việc không hề đơn giản chút nào. CCHC luôn ở phía trước và luôn đòi hỏi.
|