Thi lấy giấy phép lái xe ô tô ở TP Hồ Chí Minh: Trượt sẽ nhiều hơn đậu!
Các Website khác - 21/10/2005
Từ ngày 1-11, giám khảo
chỉ làm nhiệm vụ
giám sát ...máy tính.
Đó là dự báo của ông Dương Tự Lực, Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) Sở Giao thông - Công chính (GTCC) TP Hồ Chí Minh, về kết quả thi lấy GPLX ô tô trên địa bàn từ sau ngày 1-11-2005. Trước đây, tỷ lệ thí sinh thi đậu thường vào khoảng 75-80%.
Quá tải các trường dạy lái xe

Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 25 cơ sở dạy lái xe ô tô, năng lực tiếp nhận khoảng 8.800 người/khóa. Theo quy định, từ khi đăng ký học đến khi thi, thí sinh phải mất ba tháng (học lý thuyết, thực hành). Tuy nhiên, những tháng gần đây, thời gian này thường phải kéo dài đến sáu tháng vì lượng người đăng ký học thi GPLX tăng vọt. "Chưa có thống kê về mức tăng cụ thể nhưng trường nào cũng quá tải, lượng thí sinh đăng ký luôn cao gấp nhiều lần năng lực tiếp nhận" - ông Lực nói.

Có nhiều nguyên nhân gây quá tải: kinh tế phát triển dẫn đến nhu cầu lấy GPLX ô tô tăng cao trong khi hạ tầng và nhân lực của các cơ sở chưa được đầu tư kịp thời đáp ứng nhu cầu..., nhưng tác động mạnh nhất là tình trạng đổ xô đi thi lấy GPLX ô tô để tránh quy trình sát hạch đồng bộ cả lý thuyết và thực hành bằng máy tính từ ngày 1-11-2005. Do quá nhiều người cùng tránh nên thời gian chờ để được thi kéo dài gấp đôi. Hậu quả là nhiều người đăng ký từ 3-4 tháng trước vẫn phải thi sau ngày 1-11.

Quá nửa sẽ trượt!

Vì sao nhiều người lại phải "tránh" quy trình sát hạch bằng máy tính? Một cán bộ sát hạch của Sở GTCC cho rằng chủ yếu những người này tránh sự vô tư của máy móc. Trước đây, khi học viên thi phần thực hành luôn có một giám khảo ngồi trên xe và người này sẽ trực tiếp chấm thi cùng ban giám khảo quan sát bên ngoài. Vì quan sát nên việc đánh giá lỗi hay không lỗi khó tránh khỏi có tác động chủ quan của người chấm thi, ngoại trừ những lỗi thể hiện rõ như lấn vạch sơn, chết máy...

Nay tất cả các công đoạn đều được vi tính hóa, lượng hóa từng chút nên thí sinh chỉ phạm một sơ suất nhỏ cũng bị máy trừ ít nhất 5 điểm, và sau 5 lần trừ sẽ bị loại. Chẳng hạn, khi xe xuất phát mà thí sinh không bật đèn xi-nhan hoặc sau khi vượt qua vạch xuất phát quá 5m mà không tắt đèn xi-nhan, máy sẽ trừ ngay 5 điểm. Khi xe đến vạch dừng mà dừng quá xa vạch (hơn 50 cm) hoặc chạm vạch cũng sẽ bị trừ 5 điểm... Đáng lưu ý, có những lỗi trước đây không tính được thì nay qua các thiết bị cảm biến trên đường thi, trên ô tô, máy tính sẽ "thẳng tay" trừ điểm học viên, như: xe vượt quá tốc độ động cơ (trừ 5 điểm), xe chạy quá tốc độ cho phép (trừ 1 điểm), không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe (trừ 5 điểm)...

Tại TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1-11 chỉ có ba trung tâm sát hạch lấy bằng lái xe ô tô nằm trong khuôn viên các Trường dạy lái xe Tiến Bộ (Củ Chi), Trung học Giao thông vận tải trung ương 3 và Trung học GTCC (đều ở quận12). Vốn đầu tư mỗi trung tâm khoảng 20-25 tỷ đồng, công nghệ nhập từ Hàn Quốc. Theo ông Dương Tự Lực, với công nghệ này áp dụng tại Hàn Quốc, tỷ lệ thí sinh lần đầu đi thi đậu thực hành chỉ đạt khoảng 10-15%.

Không chỉ quy trình chấm thi mà cả quy định mới nhất về sát hạch cũng ngặt hơn. Trước đây, thí sinh thi đậu lý thuyết nhưng trượt thực hành sẽ được bảo lưu kết quả lý thuyết đến khi nào thi đậu thực hành. Còn bây giờ, thí sinh chỉ được bảo lưu một lần, nếu kỳ sát hạch thực hành lần thứ hai vẫn không đạt thì phải thi lại cả lý thuyết và thực hành. Trường hợp thí sinh đạt thực hành trong hình nhưng không đạt thực hành ngoài đường, trước đây được bảo lưu kết quả trong hình, nay thì trượt luôn. Tương tự, thí sinh không đạt thực hành trên đường coi như trượt luôn phần thi thực hành...

"Với những quy định hiện hành và quy trình chấm thi qua máy tính, tôi cho rằng sẽ có quá nửa thí sinh bị "nốc-ao" phần thực hành thậm chí nhiều tài xế chuyên nghiệp vào chạy trong hình cũng trượt như thường" - ông Dương Tự Lực nhận định. Một điểm mới nữa là việc đậu hay trượt phần thực hành, thí sinh không cần phải chờ "công bố điểm" mà có thể biết ngay sau khi thi. Theo thiết kế, các xe để sát hạch luôn có dàn đèn ba mầu: xanh, vàng, đỏ gắn trên nóc xe và tín hiệu đèn được truyền xuống màn hình trong xe. Khi xe khởi động, đèn xanh bật sáng. Chạy vào trong hình thì đèn vàng bật sáng cho đến khi ra khỏi hình mà vẫn là đèn vàng sáng thì thí sinh biết là mình đậu phần thi trong hình còn nếu trong quá trình chạy mà đèn chuyển qua màu đỏ thì biết ngay là... trượt.

Thanh niên