Pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống mại dâm và ma túy: Cần sớm giải quyết mâu thuẫn
Các Website khác - 08/04/2010
pháp luật về HIV/AIDS
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hiện có 120 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có nội dung quy định trực tiếp hoặc gián tiếp điều chỉnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Hệ thống văn bản này được chia thành các nhóm vấn đề chính: Nhóm các VBQPPL về các biện pháp xã hội phòng, chống HIV/AIDS (gồm 3 nhánh lớn: Nhánh thứ nhất gồm những văn bản điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Nhánh thứ hai gồm các văn bản điều chỉnh những vấn đề liên quan đến việc huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS. Nhánh thứ ba gồm các văn bản quy định về những biện pháp xã hội khác trong phòng, chống HIV/AIDS). Nhóm các VBQPPL về các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật trong phòng, chống HIV/AIDS. Nhóm các VBQPPL về các điều kiện bảo đảm trong việc thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.
 

ThS Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đánh giá: Điểm giao thoa giữa hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy và pháp luật về phòng, chống mại dâm chính là việc thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao như người nghiện ma túy, người mua, bán dâm.


Vào thời điểm trước khi Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS thì việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do vấp phải các rào cản về mặt pháp lý. Cụ thể, hoạt động can thiệp giảm tác hại bao gồm các biện pháp chính là cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho đối tượng là người nghiện chích ma túy và người mua dâm, bán dâm, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người nghiện ma túy. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 thì việc “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy” (khoản 4, Điều 3) được quy định là hành vi bất hợp pháp và bị nghiêm cấm. Luật cũng quy định: “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” (khoản 1, Điều 28). Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thì nghiêm cấm việc mua dâm, bán dâm và quy định: “Người bán dâm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh” (khoản 1, Điều 23).

Đồng thời, coi bao cao su như một loại tang vật, phương tiện sử dụng để mua dâm, bán dâm (Chương III - Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm của Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm). Do đó, khi triển khai các biện pháp này sẽ không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm. 
 

Để giải quyết mâu thuẫn về mặt pháp lý, Quốc hội đã đưa các quy định về can thiệp giảm tác hại vào nội dung của Luật Phòng, chống HIV/AIDS theo hướng quy định khung nhằm tạo cơ chế pháp lý và giao Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện. Theo đó, khoản 15, Điều 2 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định: “Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm tuyên truyền, vận động, khuyến khích sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và các biện pháp can thiệp giảm tác hại khác nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các hành vi an toàn để phòng ngừa lây nhiễm HIV”. Khoản 1, Điều 21 cũng nêu: Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao thông qua các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
 

Để hướng dẫn các quy định Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 trong đó quy định cụ thể về các vấn đề: Đối tượng áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV gồm người mua dâm, bán dâm, người nghiện chất dạng thuốc phiện, người nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục đồng giới, người thuộc nhóm người di biến động và người có quan hệ tình dục với các đối tượng nêu trên; cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su và bơm kim tiêm sạch; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; kiểm tra, giám sát các hoạt động biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
 

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, năm 2008, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008, trong đó bổ sung thêm Điều 34a về biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy.
 

“Mặc dù việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm đối tượng người mua dâm, bán dâm đang áp dụng các quy định tại Điều 83 của Luật Ban hành VBQPPL về nguyên tắc áp dụng pháp luật là “trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau” nhưng trên thực tế, mâu thuẫn pháp lý giữa hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm vẫn còn tồn tại”, ThS Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh và cho rằng “cần sớm được giải quyết trong thời gian tới để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong thực tế”.  

 

 

Hoàng Long

Thanh tra Online