Một loại tội phạm cần nghiêm trị
Các Website khác - 11/08/2009

(ANTĐ) -Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội thì tình hình an ninh trật tự cũng có nhiều diễn biến phức tạp, với sự gia tăng của nhiều loại tội phạm, xuất hiện nhiều tội phạm mới hoặc có những loại tội phạm đã giảm thì nay gia tăng trở lại. Các lực lượng thi hành pháp luật gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống do phương thức, thủ đoạn hoạt động và che dấu tội phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tính chống đối ngày càng manh động, liều lĩnh. Tình trạng chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp cả về số vụ và tính chất phạm tội.

Kỳ 1: Nhức nhối tội phạm chống người thi hành công vụ

chống người thi hành công vụ

Đa số các vụ chống người thi hành công vụ nhằm vào lực lượng CAND

Các vụ chống đối người thi hành công vụ không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… mà còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương khác trên toàn quốc, trong đó có cả vùng thôn quê, vùng sâu, vùng xa, nhức nhối nhất là tại các địa phương đang đô thị hóa, xảy ra tranh chấp đất đai hoặc giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án lớn. Đối tượng chống người thi hành công vụ rất đa dạng, từ đối tượng phạm tội nguy hiểm, có tiền án, tiền sự, côn đồ, càn quấy đến đối tượng phạm tội lần đầu, thanh thiếu niên mới lớn, trong đó chủ yếu là nam giới độ tuổi từ 18-35 (chiếm khoảng 96%) và tập trung nhiều là loại đối tượng thích ăn chơi, không chịu lao động, hay tụ tập, lêu lổng, đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, đa số đối tượng có trình độ học vấn thấp, kém hiểu biết pháp luật.

Hành vi chống đối cũng đa dạng như không chấp hành mệnh lệnh, có lời nói xúc phạm, giật mũ, áo, tụ tập đông người kéo đến vây ráp, gây áp lực, ném đất đá, cản trở không cho lực lượng cảnh sát thực hiện nhiệm vụ, lôi kéo, kích động người khác tấn công cảnh sát, tấn công trụ sở làm việc đập phá tài sản, đánh tháo đối tượng, cướp phá phương tiện nghiệp vụ, lợi dụng đám đông kích động gây rối, tấn công cản trở không cho lực lượng công an làm nhiệm vụ.

Đáng quan tâm là thời gian gần đây, có nhiều vụ đối tượng manh động tấn công vào mục tiêu mà cảnh sát đang canh gác, bảo vệ, đập phá trụ sở cơ quan Nhà nước như vụ một số cổ động viên bóng đá của đội Xi măng Hải Phòng đã chống lại cảnh sát, ném đá vào một số cơ quan sau trận đấu với đội Thể Công trên sân Hàng Đẫy. Một số vụ tập trung đông người ngăn cản, chống đối khi chính quyền và công an địa phương tiến hành giải tỏa mặt bằng, gây rối trật tự tại một số phiên tòa xét xử ở các địa phương hoặc tấn công cảnh sát để tìm cách thoát thân. Nhiều đối tượng có HIV dùng dao, kim tiêm có dính máu đe dọa và tấn công cảnh sát. Có trường hợp mang vũ khí đến tận nhà công an xã đe dọa, kéo đông người đến vây cán bộ, đánh lại lực lượng cảnh sát ngay tại trụ sở làm việc.

Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an cho thấy từ năm 2003 đến nay trên toàn quốc trung bình mỗi năm xảy ra hơn 3.000 vụ chống người thi hành công vụ, làm chết và bị thương hàng trăm cán bộ hành pháp các cấp, hư hỏng nhiều tài sản, phương tiện công tác của lực lượng thi hành công vụ. Trong đó, trên 75% số vụ có hành vi chống người thi hành công vụ nhằm vào lực lượng CAND chủ yếu là chống lại lực lượng cảnh sát (đặc biệt là cảnh sát giao thông) và công an xã chiếm tỷ lệ rất cao bởi do đặc thù nghề nghiệp, lực lượng công an, nhất là cảnh sát thường xuyên trực tiếp giải quyết những vụ việc liên quan đến quyền lợi vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là trong trường hợp tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội (cũ) năm 2008 đã xảy ra 154 vụ (tăng 250%) so với năm 2007.

Trong số những người thi hành công vụ bị tấn công, chống trả thì đa số là lực lượng cảnh sát, trong đó nhiều nhất là cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát giao thông, cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an xã… Nghiên cứu cho thấy, số vụ chống lực lượng cảnh sát giao thông khi thi hành công vụ luôn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60% tổng số vụ chống lực lượng cảnh sát khi thi hành công vụ), hành vi của các đối tượng cũng rất đa dạng như: khi bị cảnh sát giao thông xử lý lỗi vi phạm thường không xuất trình giấy tờ, chửi bới, mạt sát, kích động, thậm chí là phá xe, giật mũ, số hiệu, cầu vai hoặc tấn công gây thương tích cho lực lượng cảnh sát, nhiều trường hợp đối tượng lao thẳng xe vào cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, nhiều vụ lái xe ôtô cố tình lái xe lạng lách trên chặng đường hàng chục cây số nhằm hất chiến sỹ cảnh sát đang bám trên xe xuống, có trường hợp chèn thẳng xe qua người thi hành công vụ (vụ đồng chí thanh tra giao thông huyện Thanh Trì, Hà Nội hy sinh khi kiên quyết chặn xe vi phạm và bị đối tượng lái xe tải đâm thẳng, chèn qua người). Chống cảnh sát hình sự thường diễn ra ở những đối tượng phạm tội nghiêm trọng, có tiền án, tiền sự, côn đồ, hung hãn, đối tượng bị truy nã, các đối tượng này luôn chủ động chống đối quyết liệt chủ yếu bằng vũ khí nóng.

Hành vi chống lực lượng cảnh sát ma túy thường mang tính chất quyết liệt, gây hậu quả rất nghiêm trọng vì hình phạt đối với tội phạm buôn bán trái phép chất ma túy rất nặng với khung hình phạt cao nhất là tử hình, đồng thời ma túy có giá trị rất lớn nên các đối tượng khi bị vây bắt thường, sử dụng vũ khí chống trả quyết liệt để thoát thân hoặc dùng bơm kim tiêm dính máu, đe dọa lây nhiễm HIV tấn công lực lượng thi hành công vụ. Đối với cảnh sát kinh tế thường phải đối mặt với các đối tượng có hành vi buôn lâu, buôn bán hàng cấm, dễ bị chúng chống trả bằng mọi giá, thậm chí lôi kéo những người khác cùng chống trả để tẩu tán tang vật, đặc biệt là tại các khu vực biên giới hiểm trở hoặc trên biển.

Lực lượng công an ở cơ sở thường xuyên tiếp xúc với dân, kiến thức về nghiệp vụ, trang bị công cụ hỗ trợ còn thiếu và chưa đồng bộ, thường bị các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật tấn công, chống đối… Hậu quả của việc chống người thi hành công vụ xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ, thể hiện thái độ coi thường phép nước, gây mất trị an xã hội, làm giảm hiệu lực quản lý  của cơ quan Nhà nước, hành vi chống đối của các đối tượng đã làm cho hàng trăm cán bộ chiến sỹ bị thương, hy sinh, nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân bị xâm hại.

Đây là tội phạm nguy hiểm bởi nó không chỉ ngăn cản quá trình thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến ANTT. Tiêu biểu là các vụ lợi dụng danh nghĩa thương binh để gây rối ở khu vực cáp treo Chùa Hương hoặc một số thương binh bị kẻ xấu lợi dụng tham gia buôn lậu hàng hóa qua biên giới từ Lạng Sơn về Hà Nội khi bị cưỡng chế hoặc bắt giữ thì chống đối quyết liệt, lôi kéo các thương binh khác kéo đến các cơ quan công quyền gây náo loạn, ra yêu sách...

Nguyên nhân của tình trạng trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đó là khi thi hành công vụ, người thực thi công vụ còn chủ quan, thiếu cảnh giác, chưa chủ động xây dựng các phương án phòng chống hành vi chống người thi hành công vụ. Việc thực hiện quy trình, quy chế công tác chưa nghiêm, tác phong công tác còn nhiều hạn chế (nhất là số cán bộ tạm tuyển, chiến sỹ nghĩa vụ, cán bộ trẻ mới ra trường…). Một số người thi hành công vụ khi tiếp xúc với dân thường có thái độ coi thường, hách dịch, thậm chí nhũng nhiễu, vòi vĩnh hoặc năng lực yếu cả về chuyên môn và kiến thức pháp luật, không đủ sức giải quyết tình huống phức tạp cộng với cách làm việc thiếu sự công tâm cho nên dễ gây ra tình trạng ức chế, phản ứng, chống lại của người dân.

 Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư tố giác, khiếu kiện của nhân dân tại nhiều địa phương không được kịp thời, triệt để dẫn đến kiếu kiện kéo dài, vượt cấp, phức tạp, hình thành tâm lý ức chế và cái nhìn sai lệch của người dân, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, kích động và sẽ bùng phát mạnh thành hành vi chống người thi hành công vụ khi chính quyền can thiệp thiếu thận trọng.

Trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng thi hành công vụ chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Trong khi đó, một số đối tượng phạm tội muốn trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật nên tìm mọi cách chống đối quyết liệt lực lượng thi hành công vụ khi bị phát hiện, vây bắt, nhiều người dân do thiếu hiểu biết pháp luật, bị ảnh hưởng của văn hóa bạo lực, công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn yếu nên nhân dân chưa hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật.

Chính phủ đã có những quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ nhưng tình hình để thất thoát, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ trái phép vẫn xảy ra, các cơ sở sản xuất, mua bán các loại vũ khí nguy hiểm như côn, dao, mác, kiếm… vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, việc buôn bán các hung khí nguy hiểm từ Trung Quốc mang vào Việt Nam sử dụng vẫn chưa được kiểm soát nên bọn tội phạm có điều kiện để sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để thực hiện tội phạm và chống lại người thi hành công vụ. Các chế tài pháp luật hiện hành còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm nên vẫn tồn tại tình trạng coi thường pháp luật của nhiều người dân.

Tại một số nước, đặc biệt là Mỹ, nếu cảnh sát yêu cầu kiểm tra mà đối tượng không chấp hành, có biểu hiện chống đối, gây nguy hiểm, cảnh sát có quyền nổ súng tiêu diệt ngay nhưng ở Việt Nam, trong nhiều trường hợp, người thi hành công vụ dù có vũ khí, công cụ hỗ trợ trong tay nhưng không dám sử dụng hoặc sử dụng rất hạn chế vì sợ trách nhiệm hình sự nên không kịp thời ngăn chặn được hành vi chống đối, các đối tượng vi phạm lại thách thức, lấn tới, thậm chí trong một số vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm bọn chúng còn hô nhau “đánh chết kiểm lâm đi, chúng nó không dám bắn đâu…”. Do vậy số lượng vụ chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra nhiều, năm sau cao hơn năm trước và có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Nhóm phóng viên Ban Cuối tuần

Kỳ 2: Tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, phòng ngừa