Phát hiện, xử lý “cỏ Mỹ”, “lá Khat”: Khó chồng khó
Báo Tiếng chuông - 25/07/2016
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang gặp khó khăn vì chưa có chất chuẩn XLR-11 nên mới chỉ giám định được định tính chất XLR-11, cũng như chưa giám định được hàm lượng và định lượng chất XLR-11 trong các mẫu giám định. Do đó, không xác định được trọng lượng chất ma túy làm căn cứ để xử lý hình sự đối với các đối tượng bị bắt giữ.

 

Chất XLR-11 “cỏ Mỹ” thường được tẩm ướp trong thảo mộc khô, cắt nhỏ và đóng gói, gán mác là “trà giảm cân”, “spice”,…

 

Bùng phát cỏ Mỹ, lá Khat

Theo cơ quan công an, hiện nay, việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất ma túy XLR-11 (Cỏ Mỹ) đang trở thành trào lưu trong giới trẻ và hoạt động mang tính công khai, đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Cà Mau, Đà Nẵng… Điển hình như Công an Đà Nẵng bắt 2 vụ thu trên 100 kg; Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện trên 10 vụ liên quan đến việc mua bán “cỏ Mỹ”.

Thậm chí, các đối tượng còn lập trang web, mở tài khoản cá nhân trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… mua bán công khai trên mạng Internet. Có nhiều tài khoản cá nhân kinh doanh mua bán ma túy tổng hợp, cỏ Mỹ, thu hút nhiều sự quan tâm của người dùng Facebook. Những nhóm này thường xuyên thay tên, đổi họ để tránh sự chú ý của các cơ quan chức năng, thuê người đi giao hàng, khách hàng chỉ để lại địa chỉ, ma túy sẽ được giao tận nhà. Các đại lý này thường tổ chức các chương trình giảm giá, khuyến mại, tổ chức sự kiện có thưởng giành cho “khách hàng”. Nếu khách mua nhiều sẽ được miễn phí vận chuyển trên toàn quốc và được giảm giá so với mua lẻ. Các đối tượng quảng cáo đấy là các hương liệu, được dùng hợp pháp, tạo niềm tin cho những người tham gia mua bán, vận chuyển, tàng trữ không vi phạm pháp luật.

Chất XLR-11 “cỏ Mỹ” thường được tẩm ướp trong thảo mộc khô, cắt nhỏ và đóng gói, gán mác là “trà giảm cân”, “spice”,… Ảnh hưởng của “cỏ Mỹ” đối với người sử dụng giống như cần sa nhưng mạnh hơn nhiều lần. Đó là, ảo giác mãnh liệt, hôn mê sâu, nhiều trường hợp dẫn đến chết não, rối loạn tiêu hóa, mất trí nhớ, loạn thần, giãn đồng tử, kích động, căng thẳng, lo lắng, tư tưởng cực đoan, dễ hành động gây hại cho mình và cho người khác.

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) đã phối hợp với Cục Hải quan TPHCM, Cục Hải quan Hà Nội phát hiện, thu giữ hàng tấn lá cây “khat” được gửi qua đường hàng không, đường bưu điện từ nước ngoài vào Việt Nam để chuyển đi nước thứ 3. Thủ đoạn của chúng là nhập khẩu thảo mộc sấy khô từ Ethiopia, Kennya, Nam Phi tập kết về Việt Nam sau đó tìm cách chuyển sang các nước khác (Úc, Hà Lan, Mỹ) qua đường hàng không, bưu chính quốc tế, hoặc dưới dạng quà biếu để chuyển vào Việt Nam. Các đối tượng dùng thủ đoạn lợi dụng các công ty có chức năng xuất, nhập khẩu để tạm nhập, tái xuất số lượng lớn lá cây Khat. Quá trình nhập – xuất khẩu lá cây Khat được khai báo là chè xanh, chè đen hoặc “lá henna” đã sấy khô dùng chế tạo mỹ phẩm, “mực xăm henna”… để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Theo kết quả giám định thì trong cây lá “Khat” có thành phần chất ma túy Cathinone, một chất kích thích giống MTTH Amphetamine nhưng có tác dụng nhanh hơn (khoảng 15 phút sau khi nhai, so với 30 phút nếu dùng Amphetamine), có mức độ nguy hiểm hơn ma túy đá gấp nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp trăm lần. Chất này khi sử dụng dẫn tới ảo giác, hoang tưởng, rối loạn, tâm thần, có hành vi bất thường, cực đoan, bạo lực, muốn tự tử…

Như vậy, việc điều tra, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các chất ma túy này đã gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên việc xử lý hình sự các vụ việc hiện vẫn còn đang “rối ren”.

Khó chồng khó

Theo Đại tá Trần Như Nhận, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an), hiện nay, chất XLR-11 “cỏ Mỹ” đã được bổ sung vào danh mục các chất ma túy tại Nghị định số 126/2015/NĐ-CP, ngày 9/12/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2016, nhưng việc xử lý hình sự với các hành vi phạm tội về ma túy liên quan đến chất XLR-11 đang gặp khó khăn vì chưa có chất chuẩn XLR-11 nên mới chỉ giám định được định tính chất XLR-11, chưa giám định được hàm lượng và định lượng chất XLR-11 trong các mẫu giám định. Do đó, không xác định được trọng lượng chất ma túy làm căn cứ để xử lý hình sự đối với các đối tượng bị bắt giữ.

Trước tình hình này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì họp 3 ngành Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đề xuất hướng xử lý đối với các hành vi phạm tội về ma túy liên quan đến chất XLR-11. Cụ thể, đối với hành vi mua bán trái phép chất ma túy XLR-11 thì xử lý hình sự theo Khoản 1, Điều 194, BLHS 1999, nhưng lại phát sinh vấn đề không công bằng đối với những vụ mua bán số lượng nhiều và vụ số lượng ít; đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt trái phép chất XLR-11 thì xử lý hành chính, vì không giám định được hàm lượng nên không xác định được trọng lượng của chất XLR-11 để làm căn cứ truy tố. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của pháp luật thì thông tư liên ngành không được hướng dẫn những vấn đề liên quan đến chính sách hình sự mà phải báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Vì vậy, trong khi chờ ý kiến của UBTVQH, với những vụ nhỏ chưa xử lý bằng hình sự thì vẫn chỉ đang xử lý bằng hành chính thật nghiêm.

Còn đối với lá Khat, chất Cathinone nằm trong danh mục I “Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong Y học và đời sống xã hội”, quy định tại Nghị định 82/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất. Tuy nhiên, hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép cây Khát có chứa chất Cathinone không quy định trong BLHS năm 1999 và 2015 nên cũng chưa xử lý hình sự được đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cây lá “Khat”.

Trước tình hình đó, C47 đề nghị Viện Khoa học hình sự Bộ Công an sớm báo cáo với Bộ để nhập mẫu chất XLR-11 để phục vụ công tác giám định, từ đó mới xử lý triệt để, đúng người, đúng tội đối với hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ đối với chất ma túy XLR-11. Trong khi chờ nhập mẫu chuẩn, ba ngành tư pháp trung ương cần báo cáo sớm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến chất XLR-11; đồng thời, đưa cây “Khat” vào các điều luật quy định về các tội phạm về ma túy tại Chương 20 của Bộ Luật Hình sự năm 2015. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng cần nghiên cứu, tham khảo ở các nước có tình hình phức tạp về sản xuất, mua bán, sử dụng các loại cần sa tổng hợp, từ đó chủ động đưa các loại chất này bổ sung vào các danh mục chất ma túy.

Theo Đại tá Trần Như Nhận, để chủ động phát hiện, điều tra xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến các chất ma túy này, Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao qua theo dõi, kịp thời cung cấp các thông tin có liên quan đến hoạt động mua bán các chất ma túy trên mạng internet cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy để có biện pháp phòng ngừa đấu tranh; lực lượng Hải quan cần kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thảo mộc nhập khẩu về Việt Nam hoặc tạm nhập về Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ 3…

Hơn nữa, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và các ngành chức năng tổ chức tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân, nhất là lớp trẻ biết được hậu quả, tác hại, cách thức nhận biết, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy nói chung và với các hành vi liên quan đến “Cỏ Mỹ”, cây Khat nói riêng, tập trung vào lứa tuổi học sinh, sinh viên, và các bậc phụ huynh để có biện pháp quản lý, giáo dục.