Phòng, chống ma túy trong trường học
Các Website khác - 14/11/2005
Những năm  gần đây, tệ nạn ma túy học đường có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành xây dựng và tổ chức thực hiện Ðề án "Tổ chức phòng, chống ma túy trong trường học", đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy (PCMT) trong học sinh, sinh viên giai đoạn 2001-2005.
Theo thống kê từ năm 2001 đến 2004, trên địa bàn toàn quốc, số học sinh, sinh viên và giáo viên nghiện và có liên quan ma túy giảm dần, tuy nhiên năm 2005 có tới 1.234 học sinh, sinh viên, giáo viên nghiện ma túy; trong đó riêng tỉnh Sơn La đã có 189 học sinh và 132 giáo viên nghiện, phạm tội ma túy. Số học sinh, sinh viên nghiện ma túy ở các trường thuộc địa bàn thành phố, thị xã giảm, nhưng có chiều hướng chuyển sang sử dụng thuốc lắc, còn số học sinh, sinh viên, giáo viên nghiện ma túy ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có xu hướng gia tăng. Từ nghiện ma túy, có học sinh, sinh viên, giáo viên đã tham gia buôn bán ma túy.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên chủ yếu nhiều thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên nhà khá giả thiếu sự quản lý của gia đình đã bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa phỉnh vào con đường nghiện ngập, sử dụng và buôn bán ma túy; ở một số địa bàn thiếu sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, phong trào quần chúng, nhất là mối quan hệ phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội thiếu chặt chẽ; công tác quản lý học sinh, sinh viên ngoại trú còn nhiều bất cập.

Trong năm năm qua, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giáo dục PCMT trong trường học bằng nhiều giải pháp và hình thức phong phú, hiệu quả, như kiện toàn Ban chỉ đạo giáo dục PCMT trong các sở giáo dục và đào tạo và các trường; ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về PCMT nhằm làm tốt công tác giáo dục, quản lý học sinh, sinh viên.

Trên cơ sở kế hoạch liên ngành 1413/LN về phối hợp phòng ngừa và đấu tranh chống nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên và thanh niên, thiếu niên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã phối hợp Bộ Công an ban hành thực hiện các kế hoạch liên Bộ số 01, 02, 03, 07/LB về làm trong sạch môi trường chung quanh trường học, đẩy mạnh việc phối hợp PCMT trong học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú, phối hợp kiểm tra công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong trường học. Ðồng thời hằng năm, Bộ Công an - Bộ Giáo dục và Ðào tạo, thường trực là Cục CSÐTTPMT và Vụ Công tác Học sinh, sinh viên, đều tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá thực trạng tình hình và chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị ở các địa phương, trường học thực hiện tốt công tác này.

Quán triệt phương châm "Phòng ngừa là cơ bản", để tất cả học sinh, sinh viên có hiểu biết cơ bản về ma túy, Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Bộ Công an đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng khắp để phòng ngừa ma túy. Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã nghiên cứu, biên soạn các giáo trình, tài liệu, tổ chức tập huấn cho giáo viên, triển khai giảng dạy cho học sinh, sinh viên về những vấn đề cơ bản trong PCMT; sản xuất băng hình, tăng cường tuyên truyền trên báo, đài phản ánh sát thực công tác PCMT trong trường học.

Ðối với từng cấp học, bậc học, giáo dục PCMT được tích hợp vào từng môn học phù hợp, giúp các em hiểu biết sâu sắc về tác hại của ma túy, từ đó chủ động phòng ngừa và tích cực tuyên truyền PCMT trong trường học và toàn xã hội. Các hoạt động ngoại khóa ở các cấp học, bậc học như câu lạc bộ PCMT, thi tìm hiểu PCMT, hội thảo, giao lưu, diễn đàn, tọa đàm, trao đổi, biểu diễn văn nghệ về PCMT; mít-tinh, diễu hành PCMT, rèn luyện thể dục - thể thao nhằm đẩy lùi ma túy... lôi cuốn đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, tạo dựng sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, bài trừ tệ nạn xã hội. Trong tuần sinh hoạt đầu năm học, các trường đều tổ chức phổ biến, tuyên truyền về PCMT trong học sinh, sinh viên, tổ chức ký cam kết không vi phạm liên quan ma túy.

Hằng năm, Bộ Giáo dục và Ðào tạo còn mở đợt tuyên truyền cao điểm trong "Tháng hành động PCMT" bằng nhiều hình thức phong phú từ Trung ương đến các địa phương, các trường học. Bộ Công an cũng không ngừng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phát động toàn dân, các em học sinh, sinh viên tích cực tham gia PCMT và PCMT trong trường học. Lực lượng công an thường xuyên tới các trường tuyên truyền cho học sinh, sinh viên những kiến thức về ma túy, cách phòng tránh, và những nội dung cơ bản của Luật PCMT.

Công tác phối hợp PCMT trong học đường được thực hiện thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Bộ Công an đã đẩy mạnh công tác triệt phá các tụ điểm ma túy, tập trung vào các đường dây ma túy lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma túy; nhờ vậy hiệu quả đấu tranh không ngừng được nâng cao. Ngay khi tình hình sử dụng, buôn bán thuốc lắc có dấu hiệu gia tăng mạnh, nhất là trong giới trẻ, công an các địa phương liên tục mở đợt cao điểm tiến công tội phạm nói chung, đặc biệt là triệt phá các đường dây mua bán, tổ chức sử dụng thuốc lắc gắn với các hoạt động ăn chơi đồi trụy trong các vũ trường, khách sạn, quán Bar karaoke, lực lượng CSÐTTPMT đã phối hợp các lực lượng chức năng ra quân quyết liệt tiến công mạnh vào các tụ điểm ăn chơi thác loạn; đã triệt xóa hơn 30 tụ điểm sử dụng thuốc lắc, bắt giữ gần 1.500 đối tượng tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương, Ðồng Nai, trong đó có nhiều đối tượng là học sinh, sinh viên con nhà khá giả, thích ăn chơi đua đòi "sành điệu", sử dụng thuốc lắc như "mốt thời thượng".

Cục CSÐTTPMT đã phối hợp Vụ Công tác Học sinh, sinh viên tham mưu cho hai bộ chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo, công an cơ sở phối hợp chặt chẽ với Ðoàn thanh niên, Hội sinh viên, Công đoàn, gia đình học sinh, giáo viên chủ nhiệm phân loại, xử lý những học sinh, sinh viên sử dụng ma túy để có biện pháp giúp các em sửa chữa, tiếp tục trở lại học tập. Nhằm kiềm chế, không để tệ nạn ma túy học đường phát sinh phức tạp, các trường đã có nhiều biện pháp cụ thể để phát giác, răn đe, kiểm tra, giám sát; tổ chức hàng nghìn hòm thư phát hiện học sinh, sinh viên nghiện ma túy, phối hợp chặt chẽ gia đình trong quản lý, giáo dục; xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên phạm tội ma túy, tạo điều kiện cho sinh viên, giáo viên nghiện có điều kiện cai nghiện và trở lại học tập, giảng dạy, tích cực phối hợp chính quyền, công an địa phương làm trong sạch môi trường quanh trường học.

Nhìn chung, do được quan tâm, chỉ đạo sát sao kịp thời của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Bộ Công an, sự ủng hộ của các ngành, các cấp, sự hưởng ứng của đông đảo học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh, công tác PCMT trong trường học giai đoạn 2001-2005 đã có bước tiến khả quan, bước đầu thực hiện được các mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi tệ nghiện ma túy trong trường học, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, số học sinh, sinh viên nghiện ma túy giảm, nhưng chưa cơ bản, chưa vững chắc; một số trường thiếu các biện pháp kiên quyết về việc làm trong sạch môi trường, không còn nguy cơ về ma túy; công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn yếu và đáng lo ngại tình trạng giáo viên nghiện và phạm tội ma túy trong một số trường ở vùng cao, miền núi tăng nhanh.

Nhằm khắc phục tình hình này, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Công an tiếp tục thực hiện hiệu quả các kế hoạch PCMT đã ký kết; tăng cường công tác quản lý học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú, từ đó kịp thời nắm bắt tình hình, xử lý dứt điểm những vụ việc vi phạm liên quan ma túy; đẩy mạnh giáo dục PCMT và xây dựng nếp sống văn hóa trong trường học, nhằm thu hút học sinh, sinh viên sinh hoạt, học tập, rèn luyện, sống khỏe, sống đẹp. Hiện nay, tổng số học sinh, sinh viên chiếm một phần ba số dân, do vậy làm tốt công tác PCMT trong học sinh, sinh viên và thanh niên, thiếu niên sẽ góp phần quan trọng xây dựng môi trường xã hội lành mạnh không ma túy.

TUẤN ANH