Bộ găng tay phòng chống dịch thế này đã được Sở Y tế Bạc Liêu mua với giá cao gấp đôi. (Tuổi Trẻ) |
Bằng việc nâng giá mua các loại trang thiết bị y tế, chỉ sau 4-5 lần mua hàng, Sở Y tế Bạc Liêu đã gây thất thoát gần 900 triệu đồng. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, lãnh đạo Sở này có dấu hiệu tiêu cực.
Tháng 2/2004, do nhu cầu phòng chống dịch cúm gia cầm, Sở Y tế Bạc Liêu đã thực hiện hai hợp đồng mua khẩu trang. Hợp đồng thứ nhất là mua khẩu trang N95 của cửa hàng kinh doanh trang thiết bị y khoa Bạc Liêu với số lượng 5.100 cái. Giá thị trường tại thời điểm trên chỉ 15.800 đồng/cái, nhưng Sở Y tế Bạc Liêu đã mua với giá 50.000 đồng/cái, số tiền dư lên đến 170 triệu đồng.
Một tuần sau, vào ngày 8/2 sở lại mua hàng với giá cao hơn thực tế đến 8 lần khi thực hiện mua 1.000 khẩu trang hoạt tính. Cụ thể, tại thời điểm tháng 2/2004, giá khẩu trang hoạt tính hiệu Bảo Thạch chỉ 5.000 đồng/cái, nhưng Sở Y tế Bạc Liêu đã mua với giá 40.000 đồng/cái, gây thất thoát 35 triệu đồng.
Ngày 16/2/2004, Sở Y tế Bạc Liêu mua tiếp bốn máy phun thuốc phòng chống dịch cúm gia cầm, giá bán trên thị trường mỗi máy là 5,3 triệu đồng nhưng Sở Y tế Bạc Liêu mua với giá 19 triệu. Ngày 1/7/2004, Sở Y tế Bạc Liêu mua 12 máy bơm tiêm tự động Infuitec 610A của Mỹ, giá thị trường loại máy này là 16.905.000 đồng, giá mua 20 triệu đồng/máy.
Điển hình nhất là vụ mua 12 máy bơm truyền dịch phòng chống sốt xuất huyết hiệu TOP 3300 (do Nhật sản xuất). Trong vụ này, cơ quan thanh tra phát hiện vào thời điểm tháng 7/2004 Sở Y tế Bạc Liêu mua lô hàng máy truyền dịch của Công ty TNHH thương mại & dịch vụ kỹ thuật Toàn Khoa (TP HCM), giá chào hàng của đơn vị cung cấp là 13,8 triệu đồng, nhưng Sở Y tế Bạc Liêu lại hợp đồng mua với giá 30 triệu đồng/máy.
Trước đó, vào tháng 7/2003, trong chuyện in ấn thẻ, sổ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh, cơ quan thanh tra cũng phát hiện Sở Y tế Bạc Liêu đã bị “sộ” lớn. Sở này hợp đồng với cơ sở in của tư nhân in gần 600 nghìn sổ và thẻ khám chữa bệnh với giá 1.160 đồng/thẻ, 935 đồng/sổ. Trong khi đó giá in ấn tại cả hai xí nghiệp in Cà Mau và Bạc Liêu chỉ khoảng 143 đồng/thẻ, 480 đồng/sổ.
Trong vụ mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ nhiệm vụ phòng chống dịch cúm gia cầm tháng 2/2004, cơ quan thanh tra phát hiện một hiện tượng không bình thường là tất cả các lô hàng (khẩu trang N95, khẩu trang than hoạt tính, ủng cao su, bộ trang phục chống dịch, máy phun chống dịch...) đều được Sở Y tế chỉ định thầu toàn bộ hoặc một phần cho cửa hàng kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ y khoa Bạc Liêu ở số 33 Bà Triệu, thị xã Bạc Liêu, của ông Huỳnh Văn Võ - Phó trưởng khoa dược Bệnh viện Bạc Liêu. Cửa hàng này thực chất không có hàng, mà toàn bộ phải mua của các đơn vị khác về bán lại để hưởng lợi.
Trong kết luận, đoàn thanh tra cho rằng các vụ việc ở Sở Y tế Bạc Liêu có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng nên kiến nghị chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp tục làm rõ.
Đoàn thanh tra cũng nêu rõ ba cá nhân chịu trách nhiệm chính trong các vụ mua sắm trang thiết bị y tế đầy “tai tiếng” là bà Hà Ngọc Chiến - Giám đốc sở, ông Nguyễn Hoàng Vũ - Trưởng phòng kế hoạch tài chính, ông Nguyễn Văn Nam - Kế toán trưởng Sở Y tế Bạc Liêu.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Dùng giấy đăng ký và bảo hiểm xe ô-tô giả thế chấp để vay 6,425 tỷ đồng (16/01/2006)
▪ Chi ‘đô’ cho cán bộ hải quan làm ngơ trước hàng lậu (16/01/2006)
▪ Vợ và bố thuê côn đồ hại chồng (16/01/2006)
▪ Xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (14/01/2006)
▪ Tội phạm hoàn thuế giá trị gia tăng: Trăm kế móc "hầu bao" nhà nước (14/01/2006)
▪ Cải cách hành chính tư pháp mạnh mẽ hơn trong năm 2006 (14/01/2006)
▪ Quy định về quốc tịch của con nuôi chưa thành niên (14/01/2006)
▪ Bắt thêm hai người trong vụ sản xuất bột ngọt giả (14/01/2006)
▪ Bắt kẻ lừa đảo 165.000 USD của người xuất khẩu lao động (14/01/2006)
▪ Giám đốc bắt công nhân phơi nắng (14/01/2006)