Ngày 10-3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Đỗ Quý Doãn đã chủ trì cuộc họp giới thiệu dự thảo thông tư liên tịch quản lý trò chơi trực tuyến nhằm lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông.
Động thái nói trên của cơ quan quản lý cho thấy tầm quan trọng của việc thiết lập hàng rào pháp lý và hình dung hậu quả mà TCTT có thể tạo ra trong đời sống xã hội nếu không được quản lý phù hợp. Nó cũng cho thấy TCTT đã thâm nhập rất sâu vào lĩnh vực giải trí ở Việt Nam, nơi mà thời gian qua các nhà cung cấp dịch vụ tung ra thị trường những phiên bản TCTT được coi là rất hấp dẫn như MU, Võ lâm truyền kỳ, PTV - Giành lại miền đất hứa... Dù hiện nay, việc giải trí bằng TCTT đang chủ yếu diễn ra tại các cửa hàng internet công cộng nhưng người ta dự đoán chả bao lâu nữa, khi khả năng kinh tế nâng lên và việc phổ cập internet gia đình lan tới khu vực nông thôn, TCTT sẽ còn tạo ảnh hưởng mạnh hơn nữa.
Việc ban hành văn bản dưới luật quản lý TCTT, thậm chí là sửa đổi, bổ sung các điều luật trong tương lai, là việc làm cần thiết ở Việt Nam.
Dự thảo Thông tư liên tịch VHTT-BCVT-CA gồm 6 chương, 17 điều, sẽ được tu chỉnh lại lần cuối và dự kiến sẽ được các bên ký ban hành trong tháng 3 này. Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, tại cuộc gặp gỡ giữa đại diện ba Bộ và khối doanh nghiệp liên quan đến TCTT tổ chức vào sáng ngày 10-3 tại Hà Nội, về cơ bản thì nội dung bản dự thảo đã nhận được sự đồng tình của các bên. Thứ trưởng giải thích thêm về điều 15 - quy định không kinh doanh TCTT tại các địa điểm cách cổng ra vào của các trường học (từ mẫu giáo đến THPT) dưới 200m: "Đối với các hộ có giấy phép kinh doanh trước thời điểm NĐ 11/CP được ban hành mà địa điểm không bảo đảm khoảng cách với trường học theo quy định, cơ quan quản lý sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể. Có thể họ sẽ được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn có hiệu lực của giấy phép cũ, sau đó gia hạn thêm hoặc chuyển ngành nghề kinh doanh... Cụ thể như thế nào còn phải bàn tiếp".
Giao dịch giữa các "ghêm thủ" gần đây nảy sinh vấn đề tranh chấp trong mua - bán tài sản ảo (TSA). Thực tế cho thấy nhiều người đã bỏ công sức tiền bạc tích lũy giá trị nhất định và vấn đề bảo hộ quyền lợi hợp pháp của người chơi đã được đặt ra, dù khái niệm TSA chưa được đề cập trong các văn bản pháp quy, kể cả Luật Dân sự cũng chỉ đề cập đến khái niệm "tài sản" - bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá trị và các quyền tài sản - chứ không có khái niệm TSA.
Về vấn đề này, quan điểm của Bộ Văn hóa - Thông tin và Ban soạn thảo là thừa nhận TSA nhưng cho rằng không nên đưa TSA vào thông tư này, bởi sự vội vã trong quá trình xây dựng văn bản dưới luật có thể dẫn các nhà soạn thảo đến chỗ phạm luật.
Trước mắt cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu hình thức bảo vệ quyền lợi của người chơi, có thể các doanh nghiệp sẽ xây dựng quy chế - bao gồm những điều khoản cam kết bảo đảm quyền lợi của "ghêm thủ" thông qua thao tác kỹ thuật. "Về lâu dài phải nghiên cứu tiếp vấn đề bảo hộ TSA ở tầm văn bản cao hơn - với TSA nói chung chứ không chỉ là TSA trong TCTT" - Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhận định. Theo nghiên cứu của Ban soạn thảo, mua - bán TSA là vấn đề mới, chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp mà ngay các nước trên thế giới cũng chưa có văn bản điều chỉnh tối ưu.
Dự thảo thông tư còn đề xuất phương án yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp kỹ thuật để mỗi tài khoản chỉ được tính điểm thưởng khi chơi không quá ba giờ/ngày. Đó cũng là biện pháp phố biến hiện nay nhằm hạn chế tác hại của TCTT đối với vấn đề sức khỏe, lối sống, nếp sống...
Qua các phương tiện truyền thông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin bày tỏ mong muốn nhận được ý kiến đóng góp rộng rãi cho bản dự thảo. Ngoài các vấn đề liên quan đến TSA, khoảng cách giữa hộ kinh doanh với trường học như đã nói ở trên, Ban soạn thảo còn muốn tiếp nhận ý kiến về quy định số giờ chơi/ngày, vấn đề thuế, giấy phép cần có...
Một số điều khoản trong dự thảo 1. Các hành vi bị cấm (Điều 3): - Nhập khẩu, sản xuất cung cấp TCTT có nội dung kích động chống Nhà nước, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược...; kích động dâm ô, trụy lạc, tội ác; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự...; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân. - Cung cấp dịch vụ TCTT tại Việt Nam mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. - Làm đại lý cung cấp TCTT của các doanh nghiệp nước ngoài. - Lợi dụng trò chơi để thực hiện hành vi phạm luật. 2. Chỉ được phép kinh doanh TCTT từ 6 giờ đến 23 giờ hằng ngày (Điều 15) 3. Mức độ xử lý vi phạm: Phạt hành chính, ngừng cung cấp dịch vụ internet, thu hồi giấy phép hoặc đăng ký kinh doanh, truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 17).
|
|