Cột điện giữa nhà
Có thể có người cho đó là chuyện hài hước. Sự thật, nhiều người dân ở thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc) không nhớ nổi đã bao năm phải sống chung cùng cột điện trong nhà và né tránh đường dây điện cao thế trên mái. Hộ đơn giản thì đắp vữa, quét vôi cho cột điện. Hộ cầu kỳ thì ốp đá hoa, gương kính, vừa khỏa lấp cái vật thể chình ình, bất đắc dĩ, vừa quy ước để cảnh báo sự nguy hiểm theo cách riêng của mình. Nhưng dù sao, họ vẫn không thể tránh được tai nạn báo trước. Ðã có vài người dân chết, bị thương và một thợ điện chết vì điện.
Ngành điện lực cho biết, do buông lỏng quy hoạch và khâu cấp phép, quản lý xây dựng, cho nên người dân cứ tùy ý sáng tạo chỗ ở theo hoàn cảnh kinh tế, miễn sao không chạm vào dây điện là được. Vì vậy, có đoạn cột điện bị giam giữa nhà, có đoạn dây điện cao thế đung đưa giữa hai hàng mái tôn, lọt thỏm trong khu dân cư. Cực chẳng đã như nhà chị Nguyễn Thị Hương ở gần cột số 141, bị đường dây cắt chéo khu đất, "làm nhà đằng trước cũng vướng, làm đằng sau cũng vướng", chỉ còn cách cho điện lưới 35 kV áp sát lan can tầng hai để "sống" tạm.
Trưởng Chi nhánh điện Gia Lộc Hồ Quang Ánh, than phiền: Gia Lộc là huyện có
309 điểm vi phạm hành lang lưới điện, nhiều nhất tỉnh Hải Dương. Trong đó, thị trấn Gia trấn. Hơn chục năm nay, rất nhiều cuộc họp để giải quyết nhưng đều bế tắc trong việc tìm phương án giải tỏa vi phạm. Bởi lẽ, nhiều đoạn không còn hành lang, thậm chí không thể kiếm một chỗ chôn cột để chuyển đường điện. Ðã thế, năm 1986, UBND thị trấn không hiểu sao lại tiếp tục cấp đất cho 40 hộ phía đầu thị trấn, cho đến nay vẫn nguyên cảnh "nhà không số, phố không tên".
Vào thăm nhà ông Ðoàn Văn Ðiều, vị trí cột số 123 lọt thỏm trong nhà bếp tranh tối tranh sáng, tôi hỏi:
- Sao bác không làm tránh cột để khỏi vi phạm hành lang điện?
Ông Ðiều trả lời với "cái lý" cầm chắc:
- Chả biết quy định về hành lang thế nào. Ðất UBND cấp, chúng tôi cứ làm. Giờ 5 triệu đồng một m2, chẳng lẽ để phí?
Ðất mặt tiền giá trị thế, cho nên hở ra là người ta thi nhau xây cất. Cũng vì vậy mới có chuyện dở khóc, dở cười ở khu dân cư thuộc xã Gia Tân, ngay ngã ba rẽ vào thị trấn Gia Lộc. Một hộ dân làm nhà, cầu thang lộ thiên lên tầng chỉ cách đường điện cao thế 1,5 m theo chiều thẳng đứng. Oái oăm thay lại đúng căn nhà Hội người mù thuê làm địa điểm kinh doanh tẩm quất gia truyền. Nguy hiểm, nhưng biết làm sao được. Và để phòng ngừa tai nạn, ngành điện chỉ còn cách khóa cứng cửa lên cầu thang.
Cấp đất không theo quy hoạch
Theo thống kê của Ðiện lực Hải Dương, trong số hơn 1.400 điểm vi phạm hành lang lưới điện toàn tỉnh, có đến gần 700 điểm vi phạm do cấp đất, còn lại do quản lý không nghiêm để người dân cơi nới, lấn chiếm. Huyện cấp đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vi phạm hành lang lưới điện nặng nhất là huyện Thanh Miện. Giải quyết vi phạm chậm và gây nhiều phức tạp nhất là các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng. Cấp phép xây dựng dẫn đến vi phạm nguy hiểm nhất là TP Hải Dương, điển hình như các đường phố Chi Lăng, An Ninh, Trần Hưng Ðạo... Một số địa chỉ do cấp phép xây dựng vi phạm hành lang lưới điện cao áp đã từng gây tai nạn điện nghiêm trọng như: số nhà 32 Lê Chân, 225 Ðiện Biên Phủ...
Hầu hết những vi phạm nêu trên không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người dân. Trước tiên là do chính những người và cơ quan có thẩm quyền cấp, quản lý đất đai đã không làm tốt chức trách, phận sự của mình.
Thí dụ trường hợp vi phạm hành lang lưới điện của năm hộ dân ở thôn An Khoái, xã Tứ Cường (huyện Thanh Miện). Khi chúng tôi có mặt tại khu ruộng vừa chuyển đổi, khoảng cách an toàn (5 m) của đường dây 35 kV đã bị rút ngắn chỉ còn hơn 3 m. Nhưng người dân không hiểu họ đang sai phạm điều gì. Bởi thủ tục giấy tờ, quyết định của huyện, của xã đều đủ cả. Ðúng là lỗi không thuộc về họ, vì trong Quyết định cấp đất chuyển đổi mục đích sử dụng do Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện Bùi Trọng Hưng ký có "nhắc nhở" đến vấn đề điện đâu!? Họ nói "Việc này mong các bác hỏi chủ tịch UBND xã, chủ tịch UBND huyện. Hành lang chỗ nào, phải vạch ra bọn em mới rõ chứ?".
Trường hợp 28 căn nhà nằm ven đường 20 ở thôn My Cầu, xã Tân Hồng (huyện Bình Giang) cũng làm các cấp, ngành chức năng tỉnh Hải Dương đau đầu. Dư luận nhân dân đặt câu hỏi tại sao một vạt đất phía trước là hành lang giao thông, phía sau là hành lang đường thủy, giữa là hành lang lưới điện mà chính quyền huyện Bình Giang lại có thể cấp "sổ đỏ" không ngượng tay? Chúng tôi được biết, người ký quyết định lúc đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang Nguyễn Hữu Dương. Cùng thời gian, ông Dương còn ký quyết định cấp "sổ đỏ" cho 13 hộ ở khu dân cư Lữ đoàn 214 thuộc xã Vĩnh Tuy. Hiện cả hai nơi này đều đang là "điểm nóng" vi phạm hành lang lưới điện, mà tất cả phương án giải quyết đưa ra chưa thể thông được.
Hàng trăm điểm vi phạm hành lang lưới điện ở huyện Gia Lộc, 39 điểm ở làng nghề Ðông Giao, xã Lương Ðiền, huyện Cẩm Giàng... Ðối với các vụ việc phức tạp này, tiến trình giải quyết, xử lý vi phạm mà các cấp, ngành chức năng đùn đẩy có thể liệt kê đến trăm trang giấy chưa hết. Ðiều đáng nói là những "vi phạm tồn kho" quá lâu đang tác động tiêu cực, làm phát sinh nhiều điểm vi phạm mới, như ở Khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu (huyện Kim Thành), cụm công nghiệp phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) hay điểm vi phạm tại vị trí Công ty TNHH tổng hợp Huy Hà và Trạm Kiểm soát giao thông Ba Hàng (huyện Nam Sách)...
Lập lại trật tự bằng cách nào?
Lật lại những tập hồ sơ xử lý vi phạm hành lang lưới điện dày cộp tại Phòng An toàn bảo hộ lao động thuộc Công ty TNHH một thành viên Ðiện lực Hải Dương, chúng tôi nhận thấy số vụ vi phạm được giải quyết dứt điểm trong thời gian qua quá ít, chỉ vài vụ mỗi năm. Trưởng phòng Nguyễn Hồng Phú cho biết, có ba nguyên nhân chính:
Thứ nhất, việc triển khai các văn bản pháp quy đến các cấp chính quyền, cơ quan liên quan ở Hải Dương rất chậm. Thực tế cho thấy, từ khi Nghị định 54 của Chính phủ ban hành ngày 8-7-1999 quy định về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 106 ngày 17-8-2005, cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Hải Dương vẫn chưa triển khai thực hiện, chưa ban hành Quy chế xử lý vi phạm hành lang lưới điện cao áp. Trong hầu hết quyết định cấp đất của cơ quan có thẩm quyền, vấn đề hành lang lưới điện đều không được nhắc đến, coi như không đưa vào "tầm" quản lý.
Thứ hai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương có nhiều văn bản chỉ đạo: "Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn hành lang lưới điện và việc cấp đất, cấp phép xây dựng vi phạm quy hoạch phát triển điện lực" (Thông báo số 1062-TB-TU ngày 10-9-2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), nhưng việc thực hiện các "chỉ lệnh" đến nay vẫn chỉ có phần diễn giải (hàng chục cuộc họp với đầy đủ thành phần), mà chưa có kết luận thỏa đáng.
Thứ ba, theo chúng tôi, cần đặt thẳng vấn đề, phải chăng "chỉ đạo" của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương không đủ uy lực điều hành cấp dưới nghiêm túc thực hiện? Hay đây là điển hình của cách làm việc quan liêu, đánh trống bỏ dùi, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, không thưởng, phạt nghiêm minh?
Chúng tôi tin rằng, nếu làm việc sâu sát và vì dân hơn, thì việc giải quyết vi phạm hành lang lưới điện ở Hải Dương sẽ dứt điểm, chấm dứt những cuộc bàn bạc kéo dài.
|