Công ty cổ phần Thiên Nam nói một đằng, làm một nẻo
Các Website khác - 11/03/2006
Mặc dù Dự án "trồng rừng, nuôi tôm cá" của Công ty cổ phần Thiên Nam được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt nhưng lại tổ chức khai thác than. Việc làm của Công ty này vi phạm nghiêm trọng Luật Ðất đai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên. Vì thế, đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Tính từ ngày 3-11-2004, ngày UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt địa điểm "sản xuất, kinh doanh chế biến và nuôi trồng, lâm, thủy sản" cho Công ty cổ phần Thiên Nam (đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội) tại khu H12 phường Mông Dương, thị xã Cẩm Phả đến nay (tháng 3-2006), UBND tỉnh Quảng Ninh đã mất quá nhiều công sức, tiền, của, giấy tờ vào dự án này.

Dự án "trồng rừng, nuôi tôm cá" của Công ty cổ phần Thiên Nam đặt ra nhiều câu hỏi. Trồng cây gì? nuôi con gì? trong ranh giới mỏ đã được Bộ Công nghiệp giao cho Tổng công ty Than (nay là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) quản lý, bảo vệ và tổ chức thăm dò, khai thác than (QÐ 481 QÐ/QLTN ngày 8-6-1995). Quanh khu vực này, dưới lòng đất, Công ty than Mông Dương đang làm lò giếng ở mức - 100. Công ty than Mông Dương đã khai thác ở dưới giếng đứng mỗi năm gần một triệu tấn than. Vì thế, người trong cuộc đọc dự án và xem địa điểm "trồng cây nuôi con" đều hiểu ngay rằng: mục đích lập dự án là kiếm cớ để khai thác than.

Nhưng rất tiếc, một dự án kiểu "treo đầu dê" như thế đã "qua mặt" được UBND tỉnh Quảng Ninh. Phê duyệt, cho thuê đất, tổ chức bàn giao đất được làm khẩn trương. Bàn giao đất đợt 1 ngày 10-3-2005 thì 14 ngày sau, 24-3-2005, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản (588/UB) cho phép Công ty cổ phần Thiên Nam tận thu than. Bàn giao đất đợt 2 vào ngày 8-4-2005. Theo các cán bộ địa chính ở thị xã Cẩm Phả, thì Công ty cổ phần Thiên Nam khai thác trước khi nhận đất. Việc cho phép của UBND tỉnh Quảng Ninh đã thêm cớ để công ty làm nhanh hơn việc khai thác.

Công ty đã khai thác than tại hai vỉa G9 và H1, huy động máy xúc, máy gạt và 15 xe ô-tô có sức chở từ 8 tấn đến 32 tấn vào việc chuyên chở than, bốc đất đá; sử dụng khoảng 12,5 ha đất để hạ moong, làm đầu đường, bãi thải và kho chứa than. Công ty cổ phần Thiên Nam đã bán được hơn một vạn tấn than cho Xí nghiệp chế biến kinh doanh than (chỉ tính số than thống kê được). Ngoài ra, còn khoảng hơn bốn vạn tấn than trong kho chứa.

Kiếm cớ làm dự án, Công ty cổ phần Thiên Nam đã đào bới than ở vùng đất do ngành than quản lý mà không có thiết kế thi công; không được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lập vị trí khai thác than, đổ thải đất đá bừa bãi, không có báo cáo tác động và giải pháp bảo vệ môi trường. Việc làm của Công ty cổ phần Thiên Nam vi phạm nghiêm trọng Luật Ðất đai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên. Vì thế, đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Qua nhiều lần kiểm tra, UBND tỉnh Quảng Ninh phải ra lệnh đình chỉ từ ngày 20-1-2006.

Việc đình chỉ là cần thiết, không chỉ là giữ gìn, bảo vệ kỷ cương phép nước, mà còn bảo vệ an toàn tính mạng hàng nghìn công nhân Công ty than Mông Dương ngày đêm làm việc dưới lòng đất ở khu vực này.

Qua vụ việc, nhiều người ở vùng than thấm thía và rút ra bài học "tạo cớ". Người lập dự án "tạo cớ" trồng rừng, nuôi tôm, cá để đạt mục đích khai thác than. Người phê duyệt, lấy cớ trồng rừng, nuôi hải sản là cần thiết để phê duyệt. "Tạo cớ" dù phải đi đường vòng, nhưng có được bình phong để che đậy một sự thật mà cả hai bên đều ngầm biết, ngầm hiểu.

Ðến bây giờ cớ ấy để lại "hậu đình chỉ" mà tháo gỡ cũng không phải dễ. Về việc này có người cho rằng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã "bôi mỡ vào mình cho kiến đốt". Tại sao lại bôi mỡ vào mình? Người phê duyệt dự án giải thích rằng, vì sức ép, vì công việc đã rồi, vì cấp dưới đã làm... Song đó thực chất là trốn tránh trách nhiệm. Vì thế, cần thiết phải làm rõ trách nhiệm cá nhân ảnh hưởng danh dự, uy tín của UBND tỉnh. Không nên chỉ phê bình chung: "Các tổ chức, cá nhân được phép tận thu than đã không tuân thủ quy định của pháp luật, các ngành chức năng của tỉnh, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, đặc biệt là UBND thị xã Cẩm Phả thiếu sự kiểm tra, đôn đốc". (Thông báo UBND tỉnh 19-1-2006).

Với Công ty cổ phần Thiên Nam, việc nói một đằng làm một nẻo, treo biển "dự án trồng rừng, nuôi tôm, cá", nhưng lại tổ chức khai thác than, thì công ty phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải gánh chịu hậu quả về đầu tư. Trung thực và nghiêm túc trong thực thi luật pháp là điều hết sức cần thiết cho mọi tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lừa đảo, chụp giật hoặc dựa dẫm vào "cây đa, cây đề" đều dẫn đến hậu họa khôn lường.

VŨ ĐIỀU