![]() |
Nguyễn Thị Phương Dung, áo vàng. (Thanh Niên) |
Một nhóm thanh niên nam nữ giả danh là phóng viên, biên tập viên của một số đài truyền hình đến liên hệ với doanh nghiệp để làm phóng sự, rồi... xin tiền. Họ vừa bị bắt quả tang khi đang "làm tiền" tại một cơ quan thuộc Bộ Công an.
Chiều 9/3, Công an quận 1, TP HCM bắt quả tang một nhóm 3 người giả danh phóng viên, biên tập viên Đài truyền hình TP HCM (HTV). Vài giờ sau, công an tiếp tục bắt 9 người khác trong nhóm này.
Nhóm trên liên hệ với Công ty bảo vệ Thăng Long qua điện thoại, xưng là phóng viên HTV, đề nghị được làm phóng sự phát trên truyền hình với giá 4,5 triệu đồng. Ngày 8/3, 3 người tới tác nghiệp. Đại diện công ty dẫn "nhóm phóng viên đến Đài truyền hình TP HCM" để quay một hạng mục công trình mà công ty đang thực hiện cho đài. Nhóm "nhà báo HTV" khi vào trụ sở HTV lại... không rành lối đi. Công ty nghi ngờ, hỏi giấy tờ thì họ không xuất trình được. Vụ việc được báo công an.
Qua điều tra sơ bộ, nhóm "nhà báo" này hoạt động khá chuyên nghiệp và có 12 người, gồm 7 nam và 5 nữ, hầu hết đều dưới 30 tuổi, do Nguyễn Thị Phương Dung, 24 tuổi, cầm đầu. Họ thông qua các mối quan hệ hoặc tìm điện thoại trên niên giám, gọi đến các doanh nghiệp đề nghị đến làm phóng sự phát trên truyền hình. Khi đối tác đồng ý, họ liền đi thuê xe hơi đời mới, dán logo HTV, BTV... tùy theo danh xưng khi quan hệ với đối tác, rồi vác máy đến quay phim, phỏng vấn. Sau khi tác nghiệp xong, nhóm này đề nghị được nhận tiền bồi dưỡng, cũng có phi vụ tiền bồi dưỡng được đề xuất ngay từ đầu.
Trước khi bị bắt tại Công ty bảo vệ Thăng Long, từ đầu tuần đến nay nhóm "nhà báo" lừa đảo đã tổ chức "quay phim làm phóng sự" cho 2 công ty khác trên địa bàn quận Thủ Đức.
Cuối năm 2005, tung tích của nhóm đối tượng này từng bị bại lộ. Khi ấy, "nạn nhân" là Công ty Cổ phần Địa ốc Togi. Nhóm này gạ gẫm quay hình để phát sóng như một hình thức quảng cáo, giới thiệu về hoạt động Togi trên HTV. Nghi ngờ về trình độ tác nghiệp của những người này, một thành viên lãnh đạo Togi đã kiểm tra và phát hiện việc thiếu trung thực này. Sau đó chính phóng viên HTV mời Công an quận Phú Nhuận vào cuộc. Nhưng cơ quan chức năng không lấy được bằng chứng, đành phải trả tự do cho nhóm này.
Ngày 10/3, Công an quận 1 cho biết, khi lấy lời khai, Nguyễn Thị Phương Dung và "cộng sự" tích cực Nguyễn Trọng Phương cho rằng không có “chủ trương” đi lừa đảo mà chỉ hoạt động “không có pháp nhân”. Theo đó, một số phim quảng cáo đã được phát trên đài truyền hình theo đúng như hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Nam (Giám đốc Đài truyền hình TP HCM) cho biết: “Nhóm người này có cộng tác với đài, thỉnh thoảng đưa tin kinh tế dưới dạng giới thiệu cửa hàng, sản phẩm. Sau khi coi lại nội dung thì thấy một số tin có phát trên Đài truyền hình TP HCM. Chúng tôi đang kiểm tra để xem bị lọt ở khâu nào”.
Giám đốc Đài phát thanh truyền hình Bình Dương Nguyễn Đức Trường cho biết, nhóm này từng cộng tác với đài cách đây 2 năm cũng với thể loại tin kinh tế, tự giới thiệu. Tuy nhiên, do đi đâu cũng xưng danh phóng viên truyền hình Bình Dương nên đài đã cắt quan hệ và đã gửi thông báo đến nhiều cơ quan chức năng, trong đó có công an.
Cơ quan điều tra đang xác minh, củng cố chứng cứ. Nếu có dấu hiệu phạm tội sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong)
▪ Dùng gần 120 ảnh khoả thân để tống tiền (11/03/2006)
▪ Sớm giải quyết những vi phạm hành lang lưới điện ở Hải Dương (10/03/2006)
▪ Giảm đáng kể hình phạt cho các bị cáo (10/03/2006)
▪ Cần làm rõ sai phạm của ban giám đốc Công ty dịch vụ XKLĐ & chuyên gia Thanh Hóa (10/03/2006)
▪ Bắt quả tang nhóm người giả danh nhà báo đi lừa đảo (10/03/2006)
▪ Toà 'xoáy' vụ hối lộ cán bộ Cục cảnh sát kinh tế (10/03/2006)
▪ Sẽ khởi tố sai phạm ở Lạng Sơn nếu không khắc phục hậu quả (10/03/2006)
▪ Chưa áp dụng mô hình “chính quyền đô thị” (11/03/2006)
▪ Một cán bộ nhà nước cướp tiệm vàng (10/03/2006)
▪ Dịch vụ đòi nợ thuê sẽ được pháp luật thừa nhận (10/03/2006)