Thủ tục đầu tư sẽ “một cửa, một giấy”
Các Website khác - 14/09/2005
Ông Phạm Mạnh Dũng
Dự án Luật Đầu tư chung vẫn đang tiếp tục được hoàn chỉnh. Còn nhiều ý kiến băn khoăn ở các quy định về thủ tục đầu tư. Ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có ý kiến trao đổi dưới đây.
- Thưa ông, đối với những quy định về thủ tục đầu tư, có những thay đổi nào mới trong những lần chỉnh sửa vừa qua so với các bản dự thảo đã được công bố trước đây không?

- Có nhiều thay đổi. Tất nhiên, nguyên tắc chung và nhất quản vẫn là thủ tục đầu tư phải bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính trong quản lý hoạt động đầu tư, đó là phân cấp và đơn giản hoá thủ tục, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm tính hiệu quả, kế thừa và thống nhất trong quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư.

Cụ thể, thủ tục đầu tư sẽ là “một cửa, một giấy” đối với tất cả các nhà đầu tư. Các dự án trong nước có quy mô vốn dưới 15 tỷ đồng (ngoại trừ các dự án thuộc Danh mục đầu tư có điều kiện) sẽ chỉ cần đăng ký, thậm chí là đăng ký qua mạng. Các dự án trong nước từ 15 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài với quy mô đến 300 tỷ đồng thuộc diện đăng ký chứng nhận đầu tư sẽ đăng ký theo mẫu tại cơ quan quản lý đầu tư cấp tỉnh để xác nhận nội dung đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh -đầu tư. Các dự án trên 300 tỷ đồng và các dự án thuộc Danh mục đầu tư có điều kiện sẽ phải được thẩm tra các điều kiện trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư.

- Ông có đề cập đến Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư và thủ tục “một cửa, một giấy”. Ông có thể làm rõ hơn vấn đề này, vì thực tế các nhà đầu tư dường như đang rất “nhạy cảm” với sự xuất hiện của những loại giấy mới?

Tôi phải khẳng định ngay, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư là giấy hợp nhất các nội dung đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư trước đây. Có nghĩa là, sẽ chỉ có một giấy cho các hoạt động liên quan đến đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư và chỉ có một cửa chính là cơ quan quản lý đầu tư.

Giấy chứng nhận này cũng sẽ là tài liệu cung cấp mọi thông tin về sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh và đầu tư của các nhà đầu tư. Nhờ vậy, tình trạng mù mờ thông tin trong hoạt động của các nhà đầu tư sẽ được cải thiện. Tôi cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, vì trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sự minh bạch và công khai trong thông tin về doanh nghiệp trước hết bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, đồng thời tạo ra một hệ thống thông tin về doanh nghiệp Việt Nam. Các nhà đầu tư đều hưởng lợi từ hệ thống thông tin này. Đương nhiên, quản lý nhà nước cũng sẽ nắm bắt được đầy đủ các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư để có thể thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, đánh giá sau đầu tư, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà đầu tư về thông tin và cơ hội đầu tư.

- Như vậy, băn khoăn về việc mọi hoạt động đầu tư đều phải đăng ký vẫn còn?

- Như tôi đã phân tích, việc đăng ký là để bảo đảm thông tin phục vụ thị trường, phục vụ chính các nhà đầu tư. Nếu như hiện nay, việc tìm kiếm thông tin để quyết định đầu tư vào một lĩnh vực nào đó đối với các nhà đầu tư là rất khó vì hoàn toàn chưa có cơ sở dữ liệu.

Thêm nữa, với việc mở rộng các dự án đăng ký lên 15 tỷ đồng thì 98% số dự án trong nước hiện nay sẽ thuộc diện này. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp gắn với dự án đầu tư cụ thể thì mọi hoạt động liên quan được thực hiện đồng thời với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư tại cơ quan quản lý đầu tư.

Còn đối với các dự án có điều kiện, việc thẩm tra điều kiện là bắt buộc và theo đúng thông lệ quốc tế. Nguyên tắc là lĩnh vực đòi hỏi điều kiện gì thì thẩm tra khả năng đáp ứng điều kiện đó.

Đầu tư