Thủ tục hồi hương thế nào?
Các Website khác - 13/01/2006
Hỏi: Tôi là Việt kiều Pháp, nay đã lớn tuổi muốn hồi hương về Việt Nam sinh sống. Xin hỏi thủ tục ra sao? Nếu hồi hương thì chúng tôi có còn được giữ quốc tịch Pháp hay không? Hoặc nếu tôi đầu tư lâu dài ở Việt Nam, dù không hồi hương, có được mua bất động sản ở Việt Nam không?
Trả lời: Theo quyết định 875 ngày 21-11-1996 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư liên tịch số 04 ngày 28-11-2005 của liên bộ Ngoại giao - Công an về việc hồi hương, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin hồi hương về Việt Nam phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có quốc tịch Việt Nam và mang hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ giá trị thay hộ chiếu còn giá trị do Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp. Nếu không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam thì phải có giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp;

- Thái độ chính trị rõ ràng;

- Có khả năng đảm bảo cuộc sống ở Việt Nam sau khi hồi hương;

- Có một cơ quan bảo lãnh hoặc thân nhân bảo lãnh.

Hồ sơ xin hồi hương nộp tại một trong hai nơi sau: 1. Tại nước ngoài: là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước đó (đại sứ quán Việt Nam); 2. Tại Việt Nam: Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) hoặc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bà có thể đến các cơ quan này để được hướng dẫn cụ thể về thủ tục hồi hương.

Về việc bà muốn giữ lại quốc tịch Pháp, Luật quốc tịch Việt Nam đã qui định “nguyên tắc một quốc tịch”, tức Nhà nước Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Như vậy sau khi hồi hương bà còn giữ được quốc tịch Pháp hay không là tùy thuộc pháp luật Pháp, còn tại Việt Nam bà chỉ được công nhận quốc tịch Việt Nam.

Trong trường hợp không hồi hương, bà cũng được phép sở hữu một căn nhà ở tại Việt Nam.

---------------------

Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu

Hỏi: Ðề nghị quý báo cho biết, hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu gồm những thủ tục gì?

Trả lời: Ðối với người là cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân (kể cả người làm công theo chế độ hợp đồng từ một năm trở lên và những người được cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cử sang làm việc tại các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam), hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu gồm:

- Một tờ khai để cấp hộ chiếu, có dán ảnh đóng dấu giáp lai và xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý (theo mẫu do Bộ Công an quy định);

- Văn bản cử đi nước ngoài về việc công hoặc cho phép đi nước ngoài về việc riêng của người có thẩm quyền cử hoặc cho phép người đi nước ngoài

Nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu gồm:

- Một tờ khai để cấp hộ chiếu, có dán ảnh đóng dấu giáp lai và xác nhận của Trưởng Công an phường, xã, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn (theo mẫu do Bộ Công an quy định);

- Văn bản cử đi nước ngoài về việc công hoặc cho phép đi nước ngoài về việc riêng của thủ trưởng doanh nghiệp.

Ðối với người không thuộc diện kể trên, hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu gồm: Hai tờ khai để cấp hộ chiếu, có dán ảnh đóng dấu giáp lai và xác nhận của Trưởng Công an phường, xã, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn (theo mẫu do Bộ Công an quy định).

Trẻ em dưới 16 tuổi đi ra nước ngoài cùng cha, mẹ hoặc người đỡ đầu, nếu cha, mẹ hoặc người đỡ đầu có yêu cầu được cấp chung hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai để cấp hộ chiếu của mình.

---------------------

Cơ sở sản xuất được ưu đãi gì khi di dời theo quy hoạch?

Hỏi: Cơ sở sản xuất không phải của Nhà nước khi di chuyển theo quy hoạch có được hỗ trợ, ưu đãi gì không, nếu có thì cụ thể ra sao?

Trả lời: Thư của bạn không cho biết nguồn gốc và hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp nên khó trả lời chính xác. Xin trích dẫn sau đây một số quy định hiện hành có liên quan đến việc di dời cơ sở ô nhiễm đối với tổ chức kinh tế không phải của Nhà nước để bạn tham khảo:

Trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì theo khoản 1, Điều 2. Quyết định 14/ 2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất mà tiền đó không thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc đất đang sử dụng có nguồn gốc hợp pháp thì được bồi thường, hỗ trợ theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối với đất được Nhà nước cho thuê đất được giao có nộp tiền sử dụng đất, đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tiền sử dụng đất và tiền nhận chuyển nhượng đất đã nộp thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, đất được giao không phải nộp tiền sử dụng đất thì được hỗ trợ bằng tiền theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê quyệt; mức hỗ trợ tối đa không quá mức bồi thường cho đất bị thu hồi. Mức hỗ trợ từ 20-30% mức bồi thường cho đất bị thu hồi để di dời, xây dựng cơ sở mới, nhưng tối đa không quá 6 tỷ đồng.

Cụ thể tại Hà Nội, nếu doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất để sản xuất thì được ưu tiên thuê đất trong các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Nếu doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh tại cơ sở mới thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian 3 năm theo Điều 14 Nghị định số 1423/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

---------------------

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Hỏi: Tháng 1-2003, gia đình tôi bị UBND thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) lập biên bản vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, trong biên bản có ghi nội dung vi phạm là "dựng lều lán trái phép trên đất công, diện tích 170 m2, thời điểm vi phạm năm 1998. Tháng 12-2004, UBND huyện Từ Liêm ra quyết định số 2903/QĐ-UB thu hồi diện tích đất này. Tháng 12-2005, UBND thị trấn Cầu Diễn ký quyết định về việc cưỡng chế dỡ bỏ công trình của nhà tôi. Xin hỏi quyết định của UBND thị trấn Cầu Diễn có đúng không và quyết định này đến nay có còn hiệu lực thi hành hay không?

Trả lời: Căn cứ điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, thì thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng là 2 năm. Theo biên bản vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng do UBND thị trấn Cầu Diễn lập năm 2003 đã xác định thời điểm xây dựng công trình của gia đình ông là vào năm 1998, như vậy UBND thị trấn Cầu Diễn sẽ không áp dụng biện pháp xử phạt về vi phạm trật tự xây dựng do đã hết thời hiệu xử phạt.

Tuy nhiên, diện tích đất gia đình ông đang sử dụng được xác định là đất công và năm 2004, UBND huyện Từ Liêm đã có quyết định thu hồi, vì thế, theo điều 4 Quyết định số 19/2003/QĐ-UB của UBNDTP Hà Nội, UBND thị trấn Cầu Diễn được quyến ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra là buộc gia đình ông khôi phục lại tình trạng ban đầu (tự dỡ bỏ công trình trái phép). Nếu gia đình ông không thực hiện, UBND thị trấn Cầu Diễn có quyền ra quyết định cưỡng chế. Quyết định cưỡng chế phải được gửi cho người đại diện gia đình ông 5 ngày trước khi tiến hành cưỡng chế.

Trong khi đó, căn cứ khoản 1, điều 9 Nghị định số 37/2005/NĐ-CP (quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính) thì Quyết định cưỡng chế hành chính có hiệu lực thi hành trong thời hạn một năm. Khoản 3 điều này cũng xác định: đối với trường hợp cưỡng chế hành chính buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 điều này. Nghĩa là, quyết định cưỡng chế dỡ bỏ công trình của UBND thị trấn Cầu Diễn nếu chưa được thực hiện thì đến thời điểm này vẫn còn hiệu lực thi hành.

Tổng hợp