Trên 4.000 người bị phạt tù nhưng vẫn còn ở ngoài xã hội
Các Website khác - 20/10/2005
Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Trong ảnh: Sồng A Gia- một trùm ma túy ở Sơn La bị bắt và đã bị tử hình
Theo báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Hà Mạnh Trí, vấn đề đáng lưu ý là hiện còn trên 4.000 trường hợp chưa thi hành án trên tổng số 49.600 vụ phải thi hành án trong 1 năm qua do người phải thi hành án bỏ trốn, kháng nghị...

Sáng qua (19-10), Quốc hội đã nghe lãnh đạo các cơ quan tư pháp báo cáo về công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Theo báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Hà Mạnh Trí, vấn đề đáng lưu ý là hiện còn trên 4.000 trường hợp chưa thi hành án trên tổng số 49.600 vụ phải thi hành án trong 1 năm qua do người phải thi hành án bỏ trốn, kháng nghị...

Đồng tình với nhận định đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu nói rằng số vụ thi hành án còn tồn đọng hoặc bị trì hoãn còn nhiều. Bên cạnh đó, ông Uông Chu Lưu cũng cho hay việc thi hành án dân sự đã có một số kết quả tiến bộ. Số vụ việc đã thi hành án là 177.000, đạt 61% với số tiền thu được khoảng trên 1.000 tỷ đồng, qua đó trả lại cho công dân trên 500 tỷ đồng; cho các tổ chức kinh tế, xã hội hàng trăm tỷ đồng ...

Báo cáo về tình hình tội phạm, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh nhận định: mức độ gia tăng tội phạm đã được kìm chế, số vụ phạm pháp nghiêm trọng có giảm đi so với năm 2004. Cụ thể, ông Lê Hồng Anh đưa ra con số trong 60.545 vụ vi phạm hình sự (giảm trên 4.000 vụ so với năm 2004) có khoảng trên 42.000 vụ về trật tự xã hội, khoảng 8000 vụ phạm tội về chức vụ, còn lại là các vụ án ma túy.

Ông Lê Hồng Anh cũng lưu ý về tình hình tội phạm ma túy với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn. Nhiều vụ bọn tội phạm thuê người nghiện, nhiễm HIV tấn công cảnh sát (có 10 người bị bọn tội phạm đâm xi lanh, cắn... để truyền bệnh HIV).

Ông Lê Hồng Anh cũng thông báo, đối với lực lượng cán bộ, chiến sĩ trong ngành, Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương. Vừa qua Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra đặc biệt, qua đó đã phát hiện và xử lý những cán bộ, chiến sĩ nhận mãi lộ trong lực lượng cảnh sát giao thông.

“Tình hình vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng gây bức xúc dư luận, nhất là các vụ tham nhũng ...và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có những cố gắng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử”- ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nhận định như vậy trong bản báo cáo thẩm tra các bản báo cáo nói trên.

Tuy nhiên, ông Khiển cũng nói rõ rằng các báo cáo chưa bám sát các nghị quyết (nhất là nghị quyết 08/NQ-TƯ). Xét về yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác điều tra, đảm bảo không truy tố oan, bỏ lọt tội phạm...thì tình hình tội phạm phức tạp có trách nhiệm của công tác quản lý và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là trong các cơ quan tư pháp, còn phạm tội...

Ông Khiển yêu cầu các cơ quan tư pháp cần phân tích rõ nguyên nhân này và có giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ: chất lượng công tác điều tra chưa cao. Năm qua đã không phê chuẩn tạm giam đối với 248 trường hợp đã chứng minh cho nhận định này.

Ông Vũ Đức Khiển nhận xét báo cáo của ngành toà án còn quá chung chung, chưa thông qua hoạt động xét xử để phân tích rõ tình hình gia tăng tội phạm và số vụ khiếu kiện hành chính; chưa nêu được bao nhiêu bị cáo bị giam quá hạn; không đánh giá được hiệu quả hoạt động của toà án các cấp...

Ông Khiển cũng tỏ rõ sự lo ngại trước việc số người phải chấp hành án phạt tù còn ở ngoài xã hội lớn (trên 4.000 người). “Đây là vấn đề nghiêm trọng, rất nguy hiểm phải có biện pháp khắc phục”- ông Khiển cảnh báo.

Theo Tiền Phong