Trường hợp nào được giao lại nhà đất?
Các Website khác - 14/10/2005
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa 11 về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1-7-1991(Nghị quyết 23).
Nghị định này cũng hướng dẫn việc thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1-7-1991 (nghị quyết 755).

Theo đó, đến trước ngày 1-7-2009, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương có trách nhiệm hoàn thành thủ tục pháp lý xác lập sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng theo các chính sách quy định tại nghị quyết 23 và tổ chức thực hiện theo nghị quyết 755.

Cụ thể, nếu nhà đất thuộc diện phải thực hiện các chính sách quy định của nghị quyết 23 nhưng đến ngày nghị quyết 755 có hiệu lực thi hành mà chưa có văn bản quản lý, bố trí sử dụng thì Nhà nước không tiếp tục thực hiện quản lý.

Việc công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định: người đang trực tiếp sử dụng nhà đất là chủ sở hữu phải có giấy tờ hợp lệ chứng minh là chủ sở hữu nhà đất đó (nếu người sử dụng không đứng tên trong các giấy tờ về sở hữu nhà thì phải kèm theo giấy tờ về mua bán, tặng cho, đổi hoặc nhận thừa kế); người đang sử dụng nhà đất không có giấy tờ như trường hợp nói trên phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch (đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết); trường hợp nhà đất có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài thì việc giải quyết được thực hiện theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở có yếu tố nước ngoài được xác lập trước ngày 1-7-1991; trường hợp nhà đất thuộc diện phải giải tỏa thì người được công nhận chủ sở hữu được bồi thường theo quy định hiện hành.

Đối với nhà đất mà Nhà nước đã có văn bản quản lý nhưng trên thực tế chưa quản lý, chưa bố trí sử dụng thì được giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất theo quy định: người đang sử dụng nhà đất là chủ sở hữu thì phải có giấy tờ chứng minh là chủ sở hữu tại thời điểm Nhà nước có văn bản quản lý; người sử dụng nhà đất đã được cấp giấy chứng nhận thì không phải thực hiện cấp lại giấy chứng nhận; người sử dụng nhà đất có giấy tờ chứng minh việc mua bán, chuyển đổi hoặc tặng cho và nhà đất đó hiện không có tranh chấp; người sử dụng nhà đất là người thừa kế thì phải có di chúc hợp pháp hoặc biên bản phân chia di sản hoặc có bản án, quyết định của tòa án; người sử dụng nhà đất là người được ủy quyền quản lý hợp pháp thì áp dụng các quy định của nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết; trường hợp nhà đất thuộc diện phải giải tỏa thì người được công nhận chủ sở hữu được bồi thường theo quy định; trường hợp người sử dụng không thuộc các diện trên thì áp dụng quy định tại khoản 2, điều 5 của nghị quyết 755 để giải quyết.

Đối với nhà ở mà Nhà nước đã trưng dụng có thời hạn của hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp tỉnh phải kiểm tra hiện trạng nhà ở đã trưng dụng. Nếu nhà đất đó không thuộc diện được giao lại thì phải thông báo cho đương sự biết lý do.

Nếu thuộc diện giao lại nhưng nhà ở đó thuộc một trong số các trường hợp quy định tại điều 9 nghị định 755 (nhà ở đã được sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế; đã bị phá dỡ xây dựng lại; đã được Nhà nước bố trí cho người khác sử dụng ổn định, đã được xác lập sở hữu toàn dân; đã chuyển quyền sở hữu cho người khác hoặc nhà đất đó thuộc diện phải giải tỏa theo quy hoạch để chỉnh trang đô thị) thì lập phương án bồi thường.

Nếu nhà ở không thuộc một trong số các trường hợp quy định tại điều 9 của nghị định 755 thì phải ra quyết định giao lại cho chủ sở hữu. Trường hợp nhà Nhà nước trưng dụng có thời hạn nhưng các cơ quan trung ương đang sử dụng làm trụ sở làm việc thì UBND cấp tỉnh phải phối hợp với các cơ quan này để lập báo cáo cụ thể đối tượng được bồi thường và số tiền bồi thường gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Đối với nhà đất mà Nhà nước đã trưng mua nhưng chưa thanh toán tiền hoặc đã thanh toán một phần thì thực hiện định giá theo nguyên tắc lấy giá xây mới của nhà ở cấp 2 (nếu là biệt thự thì lấy giá xây dựng mới của biệt thự hạng 2) do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm thanh toán nhân với diện tích sử dụng nhà khi Nhà nước trưng mua để tính tiền làm cơ sở thanh toán. Trong trường hợp Nhà nước đã thanh toán một phần tiền thì phần tiền còn lại được thanh toán cho chủ sở hữu hoặc người thừa kế hợp pháp.

Theo (Tuổi trẻ)