Viện Kiểm sát đề nghị một án chung thân, hai án hơn 20 năm tù
Các Website khác - 14/10/2005
Các bị cáo trước phiên tòa.
Đại diện VKS đề nghị HÐXX tuyên phạt Dương Quốc Hà phạm tội tham ô tài sản với mức án từ 18 đến 20 năm tù; Nguyễn Quang Thường tổng hợp hai tội cố ý làm trái và tham ô mức án 24 đến 25 năm tù; Trần Quang bị đề nghị mức án tù chung thân cho cả hai tội tham ô và cố ý làm trái; Trần Ngọc Giao 25 đến 28 năm tù cho cả hai tội danh.
Tuyên phạt bị cáo Cao Duy Chính tội tham ô tài sản với mức án 3 đến 4 năm tù; Nguyễn Mạnh Hùng tội cố ý làm trái với mức án 6 đến 8 năm tù và Trần Ngọc Long 4 đến 6 năm tù tội cố ý làm trái. Ðồng thời, đại diện VKS cũng đề nghị tịch thu sung công quỹ toàn bộ số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt trong hai dự án.

Lỗ hổng lớn trong công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Ngày làm việc thứ bảy của phiên toà xét xử vụ án Nguyễn Quang Thường và đồng bọn đã bước sang phần tranh luận. Mở đầu phần này, đại diện VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thừa ủy quyền của VKSND Tối cao giữ quyền thực hành công tố tại phiên toà đã đọc bản luận tội dài hơn 20 trang, nhận định về hành vi phạm tội của các bị cáo.

Theo đại diện VKS, đây là vụ án đầu tiên được phát hiện xảy ra trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành Dầu khí với số tiền các bị cáo tham ô và làm thất thoát đặc biệt lớn (hơn 2,1 triệu USD, tương đương 33 tỷ đồng). Điều đáng quan tâm ở đây là vụ án chỉ được phát hiện khi việc đầu tư xây dựng đã xong, có mâu thuẫn nội bộ ăn chia không sòng phẳng, lúc đó cơ quan pháp luật mới biết. Nguyên nhân quan trọng của những hành vi vi phạm pháp luật do các bị cáo thực hiện, theo VKS là xuất phát từ công tác quản lý đối với việc đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình có tính đặc thù và kinh phí lớn chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, kiểm soát.

Việc phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo trong vụ án này đã giúp cho các cơ quan tố tụng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tổ chức rút kinh nghiệm trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng. Đặc biệt là tham mưu cho Chính phủ về cơ chế kiểm tra giám sát và kiểm soát trước, trong và sau khi đầu tư xây dựng cơ bản đối với các công trình có vốn đầu tư lớn ở những ngành kinh tế đặc thù như dầu khí.

Ngoài ra, đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ hoạt động của các công ty nước ngoài tại Việt Nam nhằm kịp thời phát hiện, xử lý đối với những doanh nghiệp hoạt động bất hợp pháp. Một điều không thể bỏ qua trong vụ án này chính là việc xem xét trách nhiệm và có biện pháp xử lý những người đứng đầu ngành Dầu khí Việt Nam và Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt Xô đã để xảy ra thất thoát, lãng phí theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, Công chức và các quy định pháp luật có liên quan.

"Không chức vụ, nhưng Trần Quang có vai trò đặc biệt quan trọng trong vụ án này"

Đó là nhận định của đại diện VKS về vai trò của Trần Quang trong vụ án này. Theo VKS, Dương Quốc Hà (Phó Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng xét thầu Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt Xô - VSP), khi biết được liên danh PTSC/Corall trúng thầu dự án block 140 chỗ đã chủ động đến gặp Nguyễn Quang Thường (nguyên Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - PTSC) thông qua Trần Quang (Xưởng trưởng Xưởng điện lạnh PTSC) để bàn nhau cách rút tiền vốn xây dựng cơ bản.

Thủ đoạn mà các bị cáo thực hiện chính là việc lôi kéo Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Thương mại PTSC), Cao Duy Chính (Tổ trưởng Tổ giám sát PTSC), Trần Ngọc Giao (Chủ tịch HĐQT Công ty Interpet Việt Nam), Trần Ngọc Long (nhân viên xưởng điện lạnh PTSC) thay đổi hợp đồng nguyên tắc liên danh dự thầu, lập hợp đồng giả, sửa chữa các bảng kê khai hàng hóa, hóa đơn bán hàng, tờ khai hải quan mang tên Corall với giá cao hơn giá trị thực... gấp hàng chục lần.

Điều này được thể hiện, giá thực mua thiết bị vật tư 32 hạng mục công trình chỉ là 4,2 triệu USD (lấy tròn số) nhưng được nâng lên để thanh toán là 6,1 triệu USD. Hành vi phạm tội tham ô của các bị cáo là có sự bàn bạc với nhau rất chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm cụ thể của từng người.

Trong hành vi tham ô tiền dự án block 140 chỗ, Hà là người chủ mưu đề xuất việc thực hiện tội phạm, Thường tiếp nhận ý kiến và chỉ đạo cho một số cán bộ thuộc quyền giúp sức cho việc thực hiện tội phạm được trót lọt.

Riêng Trần Quang, dù không phải là người có chức vụ cao (so với Hà và Thường) nhưng đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng - vừa là con thoi, vừa là người trực tiếp tổ chức thực hiện tội phạm đắc lực nhất. Trong dự án block 140 chỗ, theo VKS đã có đủ cơ sở xác định Hà tham ô số tiền 535 ngàn USD, Thường 400 ngàn USD, Giao 70 nghìn USD, Chính 20 nghìn USD, số còn lại Trần Quang chiếm hưởng. Hành vi này của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Tương tự, đối với dự án sửa chữa giàn ballast Đại Hùng 1, vì lợi ích cục bộ (được hưởng số tiền 273 nghìn USD), Thường đã "bật đèn xanh" cho Trần Quang đứng ra bán thầu sau khi ký hợp đồng với VSP. Hành vi của bị cáo Thường cùng với sự giúp sức của Trần Ngọc Giao trong việc làm giả hóa đơn chứng từ đã gây thất thoát vốn xây dựng cơ bản lên đến 1,17 triệu USD, tạo điều kiện cho Quang chiếm đoạt số tiền hơn 902 nghìn USD đối với dự án này.

Ngày14-10, phiên tòa được tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Theo (Pháp luật Việt Nam)