Đồng bọn của Nguyễn Trọng Trường gồm Lê Thị Tuyết (sinh 1967, nghề buôn bán tự do ở TX Móng Cái) và Hứa Thị Múi (sinh 1952, nghề buôn bán tự do ở huyện Tiên Yên) bảo kê cho buôn lậu. Theo tội danh truy tố, các bị cáo phạm tội đưa, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Trọng Trường lộng hành gây thanh thế, làm việc vô nguyên tắc, quan hệ bảo kê với các đối tượng buôn lậu, can thiệp sâu vào công việc của các đội quản lý thị trường, bắt giữ và xử lý hàng lậu bằng mọi hình thức như điện thoại yêu cầu phải thả khi xe buôn lậu bị bắt hoặc thông báo một số xe mà Trường bảo kê cho các đội quản lý thị trường khác không bắt giữ.
Từ tháng 9-2003 đến 4-2004, Nguyễn Trọng Trường lúc đó với cương vị là Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, kiêm Đội trưởng Đội QLTT số 8 (khu vực Tiên Yên - Ba Chẽ) đã nhận 84 triệu đồng, 5.000 USD và dùng quyền hạn, ảnh hưởng của mình bảo kê cho các xe tô 14L-0926, 14L 4896, 14L-8589 của các ông Trịnh Khắc Hải, Trịnh Khắc Hòa và Nguyễn Văn Thanh (đều trú tại khu 2 thị trấn Đông Triều) chở hàng buôn lậu tuyến Móng Cái - Đông Triều.
Từ tháng 10-2003 đến 9-2004, Hứa Thị Múi và Lê Thị Tuyết móc nối với các chủ xe để đưa hối lộ cho Trường, mỗi xe là 500.000đồng/tháng, sau tăng lên 1.000.000đồng/tháng (tổng cộng 61 triệu đồng). Đổi lại, Nguyễn Trọng Trường đã chỉ đạo không kiểm tra, bắt giữ các xe ô-tô của họ chở hàng lậu chạy tuyến Bình Liêu - Tiên Yên.
Hành vi thu tô "bảo kê" buôn lậu của Nguyễn Trọng Trường đã gây cản trở, giảm hiệu lực đến nhiệm vụ kiểm tra chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với toàn Chi cục QLTT trong suốt một thời gian dài. Chỉ đến khi các ông Trịnh Khắc Hải, Trịnh Khắc Hòa, Nguyễn Văn Thanh quá bức xúc vì đã nộp tiền "làm luật" mà xe vẫn bị bắt nên đã làm đơn tố cáo.
Cùng thời gian này, hàng loạt đơn thư tố giác khác, các cơ quan báo chí liên tục phản ánh những sai phạm nghiêm trọng về nhiều mặt của Nguyễn Trọng Trường. Tháng 9-2004, UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh kiểm tra, xem xét; qua đó xét thấy hành vi của Nguyễn Trọng Trường có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Thanh tra tỉnh đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xử lý.
Qua tài liệu điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành bắt tạm giam đối với Nguyễn Trọng Trường về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và tội "Nhận hối lộ" quy định tại các điều 281 và 279 Bộ luật Hình sự.
Trước tòa, trong suốt quá trình điều tra cũng như xét hỏi, Nguyễn Trọng Trường một mực phủ nhận tất cả những lời tố cáo, buộc tội. Cũng như Trường, Lê Thị Tuyết luôn chối tội. Bản thân là một đối tượng thường xuyên buôn lậu trên tuyến Móng Cái qua QL18, nhưng do có mối quan hệ mật thiết với Nguyễn Trọng Trường nên các đầu xe của Tuyết không hề bị kiểm tra.
Hứa Thị Múi khai: Do bản thân có hai xe khách chạy tuyến ngắn Bình Liêu-Tiên Yên, đã từng bị Đội QLTT số 8 do Trường phụ trách bắt giữ nên rất lo sợ. Sau đó Tuyết đến gặp và bảo là phải chi tiền "chè thuốc" hằng tháng cho Đội thì mới yên ổn làm ăn.
Tuyết giao nhiệm vụ cho Múi vận động được chín chủ xe chạy tuyến này chấp nhận "làm luật" ở mức một triệu đồng/tháng/xe (thu gộp nhiều tháng một đợt, riêng tháng đầu chi có 500 nghìn đồng). Tiền thu được gói trong tờ giấy có ghi rõ số xe và các ký hiệu (nhằm phân biệt xe nào không chịu nộp) sẽ được Tuyết giao lại cho Nguyễn Trọng Trường. Sự điều hành của đường dây môi giới hối lộ chỉ đơn giản có vậy, không hề có văn bản cam kết nào. Gần một năm ròng, những ai đóng tiền "chè thuốc" đầy đủ đều không bị Đội QLTT số 8 kiểm tra hay bắt hàng.
Đại diện VKSND tỉnh đã đưa ra những chứng cứ xác đáng, chứng minh rõ hành vi phạm tội của các bị cáo này và đề nghị HĐXX áp dụng Điều 279 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Trường từ 15 năm tới 16 năm tù về tội nhận hối lộ; xử phạt bị cáo Tuyết từ 5-6 năm tù về tội làm môi giới hối lộ; xử phạt bị cáo Múi từ 36 tháng tới 42 tháng tù về tội làm môi giới hối lộ.
|