(ANTĐ) - Bắt đầu từ 1-7-2009, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chính thức có hiệu lực. Theo Bộ Y tế, Luật BHYT có rất nhiều điểm mới, đặc biệt là việc mở rộng quyền lợi của người bệnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều khoản trong luật có thể chưa được áp dụng ngay vì hiện chưa có thông tư và nghị định hướng dẫn.
![]() |
Tham gia BHYT để được chia sẻ khó khăn khi bệnh tật |
Luật BHYT có nhiều điểm mới
Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố có chủ đề “BHYT - chất lượng và sự hài lòng của người bệnh” do Bộ Y tế tổ chức ngày 27-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, Luật BHYT chính thức có hiệu lực sẽ thể hiện tính ưu việt của BHYT trong công tác chăm sóc và khám chữa bệnh cho người dân. Hiện số cán bộ y tế mới chỉ đạt 32 người/1 vạn dân; số giường bệnh đạt thấp 17,5 giường bệnh/1 vạn dân; mức chi cho y tế là 45USD/người... như vậy là quá ít. Nếu không có sự đóng góp của BHYT thì số người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế sẽ còn ít hơn nhiều, đặc biệt tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
Theo thống kê của Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 19.000 cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, khoảng 80% trạm y tế xã, phường khám chữa bệnh BHYT. Trong khi đó, sau gần 17 năm thực hiện, có 46% người dân cả nước (gần 40 triệu dân) hiện đã tham gia BHYT. Khi Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, dự kiến đến năm 2010, sẽ có thêm 10 triệu trẻ em và 15 triệu học sinh, sinh viên mua BHYT bắt buộc, số người tham gia BHYT sẽ tăng cao.
Vấn đề tồn tại nhiều năm qua là nhận thức của người dân, thậm chí cả đội ngũ y bác sỹ về tham gia và khám chữa bệnh BHYT còn hạn chế. Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT thừa nhận, thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại hầu hết các cơ sở y tế đều rườm rà, có sự phân biệt đối xử giữa người khám BHYT với người khám dịch vụ, tinh thần, thái độ phục vụ của các y bác sĩ chưa chu đáo dẫn đến giảm lòng tin đối với tham gia BHYT. Mặt khác, cung cấp dịch vụ BHYT tại tuyến xã chưa phù hợp với cơ cấu bệnh tật của người dân; việc xây dựng bảng giá viện phí tại một số cơ sở khám chữa bệnh còn chậm, sự phối hợp giữa BHYT và cơ sở khám chữa bệnh chưa chặt chẽ khiến người được hưởng BHYT còn phải chờ đợi lâu...
Luật BHYT sắp có hiệu lực có nhiều điểm mới như đối tượng của BHYT mở rộng lên 25 nhóm, Nhà nước đảm bảo chi phí mua thẻ BHYT cho người nghèo, người có công, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi. Quyền lợi của người bệnh cũng được mở rộng: Quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí khám, chẩn đoán sớm một số bệnh nhưng trước mắt chỉ thực hiện thí điểm ở một số BV Trung ương; chi phí vận chuyển bệnh nhân là trẻ em dưới 6 tuổi, người có công từ tuyến huyện trở lên trong trường hợp cấp cứu hoặc chuyển tuyến; chi trả bảo hiểm cho nạn nhân tai nạn giao thông; người bị dị tật bẩm sinh, người nhiễm HIV cũng sẽ được BHYT chi trả khi khám chữa bệnh…Tuy nhiên, do chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật này nên có thể từ 1-7, chính sách cho bệnh nhân BHYT vẫn thực hiện theo quy định cũ, mặc dù đã có luật mới.
![]() |
Chất lượng khám chữa bệnh theo BHYT sẽ được nâng cao |
Có phục vụ người bệnh tốt hơn?
Điều khiến người tham gia BHYT bức xúc nhất khi đi khám bệnh là thời gian chờ đợi quá lâu vì thủ tục rườm rà và thái độ phân biệt người bệnh BHYT của nhân viên y tế. Ngoài ra, việc không thống nhất kết quả xét nghiệm, lạm dụng kỹ thuật cũng là nguyên nhân kéo dài thời gian chờ đợi của bệnh nhân.
Ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, trong số 10.000 tỷ đồng đã chi cho bệnh nhân BHYT năm 2008 thì chi phí xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng chiếm đến 30%. Nguyên nhân là do các bệnh viện không công nhận xét nghiệm lẫn nhau nên khi chuyển viện, người bệnh phải xét nghiệm lại, gây lãng phí.
Để khắc phục, khi Luật BHYT có hiệu lực, Bộ Y tế đã quyết định xây dựng chương trình “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT”.
Chương trình sẽ được triển khai thí điểm tại 10 bệnh viện lớn, chú trọng vào những giải pháp như chống lạm dụng thuốc, kỹ thuật, xét nghiệm nhằm tiết kiệm nguồn lực y tế và chi phí khám chữa bệnh; triển khai hẹn khám bệnh theo giờ qua điện thoại, áp dụng quy trình phát số khám tự động có kiểm soát...
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đưa ra tại buổi trực tuyến, các khẩu hiệu trong giải pháp nói trên vẫn còn rất chung chung, chưa có hình thức xử lý cụ thể đối với những y, bác sĩ có thái độ phân biệt với bệnh nhân BHYT; và mặc dù Bộ Y tế cũng công nhận có sự lãng phí trong xét nghiệm nhưng quy trình xét nghiệm chuẩn vẫn chưa được ban hành. Thêm nữa, tình trạng quá tải BV vẫn chưa khắc phục được...
Ông Đào Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, việc nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ tuyến y tế cơ sở ban đầu là giải pháp quan trọng để nâng cao sự hài lòng của người bệnh tham gia BHYT. Ngay tại Hà Nội, khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế đạt 100%, tuy nhiên nguồn kinh phí chi cho khám chữa bệnh tuyến xã còn thấp (20% tổng quỹ), chất lượng chưa cao.
Tiến Hưng
▪ Người có HIV nên công khai danh tính khi cần sự hỗ trợ (18/08/2008)
▪ Cuộc đời của nữ bị cáo mang căn bệnh thế kỷ (08/06/2009)
▪ Tội lỗi của thiếu niên mồ côi (16/05/2009)
▪ Bi kịch những 'chân dài' vùi tuổi xuân sau song sắt (04/05/2009)
▪ Giết người để chiếm đoạt ma túy (29/04/2009)
▪ Môi giới mại dâm ở cửa hàng ăn uống (28/04/2009)
▪ “Người có HIV bị 'tước' nhiều quyền làm người” (20/04/2009)
▪ Nam Định: 300.637 gia đình hội viên, phụ nữ cam kết thực hiện “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” (10/04/2009)
▪ Bắt đối tượng nhiễm HIV buôn bán 11 tép heroin (02/04/2009)
▪ 5 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm: Triệt phá nhiều, giảm ít (16/03/2009)