Vụ lừa đảo gây chấn động ở Đác Lắc
Các Website khác - 02/03/2006
Từ trái qua: Phạm Thị Hoài Hương,
Nguyễn Hữu Thịnh, Đỗ Đắc Quý,
Trần Thị Thanh, Nguyễn Thị Mỹ,
Lê Thị Mai 
Tháng 1-2006, Công an tỉnh Đác Lắc đã kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước đối với một nhóm tội phạm nguyên là dược sĩ, cán bộ địa chính, giám đốc, thợ chụp ảnh... Chúng đã câu kết với nhau, dùng thủ đoạn tinh vi để làm ra hàng loạt sổ đỏ, sổ hồng (chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà), sau đó đem thế chấp ở các ngân hàng, doanh nghiệp để lấy gần 7 tỷ đồng. Nhiều cơ quan nhà nước cũng bị chúng lừa.
NHỮNG “ĐỊA CHỦ ẢO”

Phạm Thị Hoài Hương (SN 1959), Đỗ Đắc Quý (SN 1973, cán bộ địa chính xã), Nguyễn Hữu Thịnh (SN 1960, thợ chụp ảnh), Lê Thị Mai (SN 1961, dược sĩ), Nguyễn Thị Mỹ (SN 1970, nội trợ), Trần Thị Thanh (giám đốc chi nhánh Công ty N.T.D) và Tống Công Minh (SN 1942, đã bỏ trốn) câu kết với nhau lập một đường dây lừa đảo bằng “đất ảo”.

Phạm Thị Hoài Hương yêu cầu Đỗ Đắc Quý dùng kiến thức địa chính của y làm bốn sổ đỏ đứng tên Phạm Thị Hoài Hương. Hương dùng hai trong bốn sổ đỏ trên thế chấp cho chị Nguyễn Thị H.T ở TP. Buôn Ma Thuột vay hơn 90 triệu đồng. Thấy dễ ăn, chúng “sản xuất” thêm gần 20 sổ đỏ để lừa đảo hàng trăm triệu đồng. Hương mở thêm “dịch vụ” làm sáu sổ đỏ giả cho Trần Thị Thanh. Sau đó Thanh lại yêu cầu Hương làm cho mình năm sổ đỏ... đểu để trở thành bà chủ của các đồn điền cao su tại xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana mang tên con ruột và con rể mình.

Năm 2005, Hương còn nhận làm cho Lê Thị Mai bốn sổ đỏ giả trong đó có hai sổ cùng thửa đất tại số 87 Phan Chu Trinh, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột và hai sổ cùng thửa ở khối 7, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột. Hương lấy tiền công là 40 triệu đồng. “Tổ hợp” Hương - Quý còn làm rất nhiều sổ đỏ giả khác để bọn chúng trở thành chủ của vô số lô đất ảo ở TP Buôn Ma Thuột.

Để làm được như vậy, chúng phân công Đỗ Đắc Quý cung cấp sổ đỏ, in tên chủ sử dụng và vẽ sơ đồ trích lục; Nguyễn Hữu Thịnh (thợ chụp ảnh) được giao việc in dấu giả và ký giả chữ ký của những người có thẩm quyền. Đỗ Đắc Quý đã dùng các phôi bìa đỏ thật mà UBND huyện Krông Ana giao cho y giữ, đem đến UBND xã Ea Ktur, huyện Krông Ana mượn máy vi tính để in các nội dung có liên quan đến việc làm sổ đỏ (tên chủ sử dụng, địa chỉ, kích thước thửa đất...), sau đó đem về cho Nguyễn Hữu Thịnh đóng mộc, ký tên.

Riêng việc “thay mặt” các cấp lãnh đạo để cấp sổ đỏ, Thịnh đã lấy các văn bản có con dấu thật (UBND TP Buôn Ma Thuột, UBND huyện Krông Ana, Phòng địa chính...) sao chép lại để làm giả rất tinh vi đến nỗi nhiều cơ quan nhà nước không phát hiện, vẫn hoàn tất thủ tục cho vay mượn với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Khi Phạm Thị Hoài Hương đem bìa đỏ giả số K172651 mang tên Phạm Thị Mai đến UBND phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột xác nhận để làm thủ tục vay 200 triệu đồng tại Phòng giao dịch Tân An - chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Buôn Ma Thuột thì bị phát hiện. Cơ quan điều tra vào cuộc, đường dây chuyên làm bìa đỏ giả này mới bị bóc gỡ, nhiều đối tượng bị bắt.

GẦN 7 TỶ ĐỒNG TỪ CÁC SỔ ĐỎ GIẢ!

Nguyễn Thị Mỹ, Phạm Thị Hoài Hương đã dùng sổ đỏ giả đem thế chấp lừa đảo chiếm đoạt của nhiều cá nhân với số tiền gần 500 triệu đồng. Trần Thị Thanh cũng với thủ đoạn trên, dựa vào vỏ bọc giám đốc một chi nhánh công ty TNHH để thế chấp vay mượn tiền bằng sổ đỏ giả, trong đó có sổ chứng nhận quyền sử dụng đất trên 200ha cao su tại huyện Krông Ana, lừa đảo nhiều người lấy 755 triệu đồng; Nguyễn Thị Mỹ đã giúp cho Trần Thị Thanh và Phạm Thị Hoài Hương dùng sổ đỏ giả vay mượn tiền của nhiều người.

Riêng đối với Lê Thị Mai, số tiền mà Mai dùng sổ đỏ - sổ hồng giả (chứng nhận có nhiều nhà đất mặt tiền ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột) để vay các ngân hàng và một số cá nhân trên 5 tỷ đồng. Để các giấy tờ “ma” này “linh nghiệm”, chúng dùng thủ đoạn thế chấp vay số tiền nhỏ trước, trả sòng phẳng, đúng hẹn để tạo lòng tin. Sau đó chúng “quất” một cú thật lớn rồi... bỏ trốn.

Trước cơ quan điều tra, chúng khai vì làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất nên Phạm Thị Hoài Hương mới nảy sinh ý tưởng làm sổ đỏ giả vay lấy tiền trả nợ. Sau thấy quá dễ kiếm bạc tỷ nên chúng rủ nhau tập trung sản xuất hàng loạt “món hàng quý” này. Vì những vi phạm pháp luật như vậy, Phạm Thị Hoài Hương, Trần Thị Thanh, Lê Thị Mai, Nguyễn Thị Mỹ bị đề nghị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”; Nguyễn Hữu Thịnh, Đỗ Đắc Quý, Tống Công Minh (đã bỏ trốn) bị đề nghị truy tố về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Thời gian tới, TAND tỉnh Đác Lắc sẽ mở phiên tòa xét xử đối với các bị can trên. Dĩ nhiên người bị hại rất đau xót cho tài sản của mình đã mất, song từ đó cho thấy hoạt động cho vay ở một số ngân hàng, quỹ tín dụng dường như còn chủ quan, sơ hở. Có tiêu cực hay không khi hàng tỷ đồng bị lừa một cách dễ dàng như thế? Đó là điều cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ, xử lý.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh