Hỏi: Đề nghị cho biết điều kiện để người lao động ở nông thôn được hỗ trợ dạy nghề. Mức hỗ trợ cụ thể?
Trả lời: Theo Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19-1-2006 của Liên Bộ Tài chính, Lao động, Thương binh-Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, lao động nông thôn trong độ tuổi lao động chưa qua học nghề, có nhu cầu học nghề và đủ điều kiện xét tuyển thì được hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn. Người lao động được xét tuyển theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất canh tác do đô thị hóa hoặc do xây dựng các công trình công cộng, khu công nghiệp, khu chế xuất và các dự án khác về an ninh quốc phòng vì lợi ích quốc gia có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp.
- Lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật.
- Lao động thuộc các dân tộc thiểu số; các xã đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Lao động nữ chưa có việc làm.
- Lao động thuộc các làng nghề nằm trong dự án khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống mà dự án không có khoản kinh phí riêng cho dạy nghề.
- Lao động thuộc vùng chuyên canh có nhu cầu chuyển đổi nghề.
- Lao động khác, ở nông thôn có nhu cầu học nghề.
Học viên được tham gia các khóa học đã được ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) phê duyệt trong kế hoạch hỗ trợ hàng năm và có thời gian dạy nghề từ một tháng trở lên. Học viên hoàn thành khóa học được kiểm tra và đánh giá, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ nghề.
Việc tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn do các cơ sở dạy nghề và cơ sở đào tạo khác có chức năng dạy nghề của địa phương và Trung ương trên địa bàn thực hiện. Khuyến khích các hình thức dạy nghề lưu động để tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho người học nghề.
Mức hỗ trợ dạy nghề tính theo số lượng học viên thực tế tốt nghiệp khóa học, nhưng tối đa không quá 300.000 đồng /người/tháng và không quá 1.500.000 đồng /người/khóa học nghề. Mức hỗ trợ cụ thể cho từng khóa học do UBND cấp tỉnh quy định phù hợp với điều kiện của địa phương. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng khóa học, của từng đối tượng học nghề, khả năng ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác mà UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc chi hỗ trợ thêm về tiền ăn, ở, đi lại cho người học.
--------------------
Xác định ngày nghỉ hàng năm
Hỏi: Xin giải thích ý nghĩa của từ “hàng năm” trong Khoản 3 Điều 76 của Bộ luật Lao động “Người lao động do thôi việc hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hàng năm thì được trả lương những ngày chưa nghỉ”. Vậy “hàng năm” có nghĩa là tính cho năm hiện tại, tính từ đầu năm cho đến khi người lao động thôi việc hay là tính gộp lại tất cả những ngày phép mà người lao động không nghỉ từ khi mới được tuyển dụng cho đến khi thôi việc?
Trả lời: Nghỉ hàng năm là một cụm danh từ dùng thống nhất trong Bộ luật Lao động được hiểu như nhau từ Điều 74 đến Điều 77, dùng để chỉ số ngày nghỉ (được hưởng lương như ngày làm việc bình thường) ngay trong năm hiện tại. Về nguyên tắc, ngày nghỉ hàng năm của năm nào thì phải bố trí ngay trong năm đó, không để sang năm tiếp theo, trừ trường hợp gộp ngày nghỉ được quy định tại khoản 2, Điều 76 của Bộ luật lao động.
Khái niệm “năm” ở đây là “đủ 12 tháng liên tục”, không nhất thiết phải bắt đầu vào ngày 1-1 và kết thúc vào ngày 31-12 dương lịch. Vì vậy, trường hợp được nêu tại khoản 3 Điều 76 của Bộ luật Lao động được tính ngay cho năm hiện tại.
Để tính số ngày nghỉ hàng năm phải thanh toán này, đề nghị tham khảo quy định tại Điều 10, Điều 11 Nghị định số 195/CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
---------------
Chi phí đền bù hỗ trợ
Hỏi: Trong năm 2004 công ty có phát sinh chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp nhưng cụm công nghiệp chưa có liên quan gì đến hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2004 của công ty thì công ty có được phân bổ khoản chi phí này để tính vào chi phí hợp lý không?
Trả lời: Căn cứ quy định tại Điểm 6 Mục IV Phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22-12-2003 của Bộ tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22-12-2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì: “Các khoản chi không được tính vào chi phí hợp lý: các khoản chi không liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế như: chi về đầu tư xây dựng cơ bản, chi ủng hộ các đoàn thể, tổ chức xã hội và ủng hộ địa phương; chi từ thiện và các khoản chi khác không liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế”.
Căn cứ quy định trên trong năm 2004 công ty có phát sinh chi phí liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp nhưng cụm công nghiệp chưa có liên quan gì đến hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2004 của công ty thì công ty không được phân bổ khoản chi phí này để tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2004.
-----------------
Ưu đãi thuế với doanh nghiệp phần mềm
Hỏi: Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ phần mềm mới thành lập sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào?
Trả lời: Tại Điểm 1 Điểm 2 Mục I Phần B Thông tư số 123/2004/TT-BTC ngày 22-12-2004 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp phần mềm có quy định:
“Doanh nghiệp phần mềm mới thành lập được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, kể từ khi doanh nghiệp phần mềm mới thành lập bắt đầu hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp phần mềm mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo”.
Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, nếu công ty được coi là doanh nghiệp phần mềm mới thành lập, có thu nhập chịu thuế từ năm 2004 thì công ty sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ năm 2004 và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Công ty sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm kể từ khi mới thành lập, bắt đầu hoạt động kinh doanh.
|