Tài liệu "lởm khởm"
Báo GĐ&XH số 16, ra ngày 6/2 đăng bài phản ánh những sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Cửu Long (Cty Cửu Long) liên quan đến việc bán thanh lý dây chuyền thiết bị sản xuất bao xi măng và dây chuyền thiết bị sản xuất các mặt hàng văn phòng phẩm với tổng số tiền là 405 triệu đồng (làm tròn).
Cụ thể, việc thanh lý 2 thiết bị này không được tiến hành đấu giá theo đúng quy định, mà được ông Đảng - Giám đốc Công ty Văn phòng phẩm Cửu Long (nay là Chủ tịch HĐQT Công ty Cửu Long) ký quyết định bán thanh lý cho tập thể cán bộ, công nhân viên phân xưởng nhựa (PP) và tổ VPP. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện có dấu hiệu ông Đảng đã chỉ đạo dựng hồ sơ mua bán thanh lý thiết bị từ nguồn tiền quỹ lương của cán bộ, nhân viên công ty.
Sau khi công ty được cổ phần hoá, những thiết bị này được định giá lại thành 534 triệu đồng để đóng góp vào công ty dưới danh nghĩa tài sản góp vốn của phân xưởng PP và tổ VPP. Từ những dấu hiệu trên, những người tố cáo cho rằng, tài sản của nhà nước đã bị chiếm đoạt.
Tại buổi làm việc với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Công ty Cửu Long cho rằng, đơn tố cáo cán bộ công ty bán thanh lý 2 dây chuyền trên đã gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước là không chính xác, thiếu xây dựng. Ông Tùng nói: "Không phải công nhân nào cũng biết việc thanh lý 2 dây chuyền này, vì nó đã xảy ra 7 - 8 năm rồi".

|
Ông Nguyễn Khánh Tùng (áo trắng) và ông Nguyễn Đức Đảng (bên phải) đang trao đổi với PV Báo GĐ&XH. |
Ông Tùng đưa cho chúng tôi cuốn tài liệu dày trên 100 trang và đề nghị sao chụp lại. Qua nghiên cứu 2 biên bản trong cuốn tài liệu mà ông Tùng cung cấp là: "Biên bản họp ban đánh giá tài sản công ty" và "Biên bản về việc xem xét nhượng bán thiết bị dây chuyền sản xuất bao PP", thì xuất hiện một số dấu hiệu đáng ngờ.
Cụ thể: Tại Biên bản họp ban đánh giá tài sản công ty phía trên đề thời gian "Hà Nội, ngày 28/2/2001", nhưng ngay phía dưới văn bản lại ghi "Hôm nay, ngày 29/1/2001". Còn tại "Biên bản về việc xem xét nhượng bán thiết bị dây chuyền sản xuất bao PP", phía trên đề ngày 25/2/2001, nhưng phía dưới thì ghi "Hôm nay, ngày 25/1/2001".
Hai văn bản này đều có độ chênh lệch thời gian một tháng và theo tố cáo thì đây là những tài liệu nhằm hợp thức hoá các thủ tục thanh lý 2 dây chuyền trên.
Ông Đảng bị oan?
Trở lại với vụ án cách đây hơn 10 năm mà ông Đảng là bị can chính, ngày 15/11/1997, CQĐT Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cửu Long (thời điểm Cty chưa cổ phần hoá - PV).
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã chứng minh ông Đảng đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, tùy tiện cho một số cá nhân vay tổng số tiền lên đến hơn 500 triệu đồng, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, ông Đảng còn phải chịu trách nhiệm trong việc ký hợp đồng không đúng quy định, gây thất thoát của Công ty Cửu Long trên 1 tỉ đồng.
Ngày 25/11/1997, CQĐT đã ký quyết định khởi tố bị can đối với ông Đảng về tội "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng". Ngày 12/3/1998, CQĐT đã có kết luận điều tra và chuyển VKSND TP Hà Nội đề nghị truy tố bị can Đảng ra tòa với tội danh trên.
Tuy nhiên, với lý do một bị can khác bỏ trốn, VKSND TP Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra với bị can Nguyễn Đức Đảng và vụ án này bị "lãng quên" tới ngày hôm nay. Về việc này, ông Đảng cho rằng, cơ quan Công an Hà Nội đã hình sự hoá một vụ án kinh tế. Nguyên nhân là do tính nóng nảy, thẳng tính của mình.
Ông Đảng nói: "Đến nay đã gần 12 năm, vụ án vẫn giẫm chân tại chỗ, tôi chỉ mới được "tạm đình chỉ điều tra bị can" chứ chưa được đình chỉ điều tra. Việc nhiều năm qua tôi không có khiếu nại là do bạn bè khuyên là mình không có tội, nên không cần kiện cáo gì cả. Chính vì vậy mà tôi bỏ mặc nhiều năm qua. Đây chính là những thiếu sót của cá nhân và tôi sẽ có những khiếu nại lên VKSND Hà Nội trong thời gian tới".
Theo Giadinh.net