Xử lý nghiêm cán bộ thanh tra có hành vi nhũng nhiễu
Các Website khác - 15/10/2005
Doanh nghiệp (DN) sai sẽ bị xử lý nghiêm, vậy khi cán bộ thanh tra sai thì ai xử và có gì bảo đảm người làm sai sẽ bị xử đúng tội? Ông Phạm Bá Dục, Chi cục trưởng QLTT Hà Nội, một trong những cơ quan có hoạt động thanh tra, kiểm tra sôi động nhất trả lời những câu hỏi này.
* Nhiều doanh nghiệp phản ánh, vấn đề thanh tra, kiểm tra quá nhiều của các ngành chức năng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Thời gian qua, cũng đã xảy ra không ít vụ việc một vài cán bộ, công chức thuộc các ngành chức năng: thuế, quản lý thị trường... "đòi tiền" doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Ông bình luận thế nào về vấn đề này ?

+ Chỉ đạo của chúng tôi là nghiêm cấm tùy tiện kiểm tra đối với các DN, cơ sở kinh doanh. Trước khi tiến hành kiểm tra, phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, trinh sát. Nếu có đầy đủ các dấu hiệu nghi vấn về vi phạm pháp luật và kinh doanh thương mại của các cơ sở thì mới tổ chức kiểm tra. Phấn đấu đều nhau giữa số vụ kiểm tra và số vụ xử lý. Chi cục QLTT Hà Nội coi tỷ lệ này là một tiêu chuẩn thi đua.

* Theo như phản ánh, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, cơ sở sẵn sàng hợp tác. Tuy nhiên, cơ sở cũng mong muốn được "kiểm tra" lại người kiểm tra mình?

* Có hai loại kiểm tra: kiểm tra theo chuyên đề và kiểm tra đột xuất. Với kiểm tra theo chuyên đề, có thể do Bộ Thương mại, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương ra quyết định hay cũng có thể do UBND thành phố chỉ đạo triển khai đồng loạt. Ngoài việc phát hiện, xử lý vỉ phạm còn nhằm đánh giá, đưa ra những kiến nghị cho thành phố, cho Trung ương về một lĩnh vực, một mặt hàng nào đó. Kiểm tra này có báo trước.

Còn về kiểm tra đột xuất: sau khi làm công tác trinh sát, phát hiện có hành vi vi phạm; báo cáo với lãnh đạo Chi cục và được phê duyệt, ra quyết định kiểm tra mới được tiến hành kiểm tra. Do đó sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng kiểm tra mà không phát hiện sai phạm. Tất nhiên, nếu DN cố tình kinh doanh sai phạm thì chúng tôi không chỉ kiểm tra một lần.

Tiêu chí để nhận biết kiểm tra đúng Luật là: đoàn kiểm tra phải có ít nhất hai người trở lên, bắt buộc phải mặc đồng phục và phải có thẻ kiểm tra, có quyết định kiểm tra do cơ quan thẩm quyền ra quyết định.

Tuy nhiên, với Chi cục QLTT Hà Nội, chưa bao giờ có chuyện đi kiểm tra hai người. Một tổ công tác thường có bốn, năm người thậm chí nhiều hơn nữa bởi vì những vụ việc kiểm tra ở đây phần nhiều là những vụ việc tương đối lớn.

* Đã từng xảy ra vụ việc cán bộ quản lý "đòi tiền" cơ sở. Xử lý và phòng ngừa những trường hợp này như thế nào?

- Nếu phát hiện công chức có hành vi tiêu cực trong quá trình kiểm tra, ngay lập tức Chi cục ra quyết định đình chỉ công tác cho đến khi xác minh làm rõ hành vi vi phạm. Nếu có sẽ bị xử lý từ hình thức kỷ luật hành chính, nếu nghiêm trọng sẽ xử lý theo luật hình sự. Còn về phòng ngừa, ngay trong quy định về tổ chức kiểm tra, QLTT Hà Nội đã đề phòng và ngăn chặn những dấu hiệu như thế.

Ngoài ra, chúng tôi còn giao nhiệm vụ cho các đội trưởng, đội phó phải làm tốt công tác quản lý công chức đơn vị mình, không để xảy ra hiện tượng công chức tùy tiện đi kiểm tra, công chức ra khỏi đơn vị mà không có nhiệm vụ cụ thể và có sổ nhật ký theo dõi quá trình kiểm tra. Bên cạnh đó, chúng tôi giao cho Phòng Thanh tra-pháp chế chuyên đi thanh tra kiểm tra nội bộ phát hiện, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực. Đồng thời thu thập thông qua các nguồn: dư luận của dân, báo chí và 17 hòm thư góp ý (được đặt tại trụ sở Chi cục QLTT và 16 đội QLTT). Thực tế, thanh tra đã phát hiện một số vụ thực hiện không đúng quy định, đã lập biên bản và xử lý nghiêm.

* Trong trường hợp có những hành vi, thái độ nhũng nhiễu của cán bộ khi thực hiện kiểm tra khiến cơ sở bất bình muốn phản ánh trực tiếp, họ sẽ gọi đến đâu, theo số điện thoại nào?

- Cơ sở có thể gọi thẳng đến số điện thoại đường dây nóng của Chi cục số ĐT: 04.5116136 hay có thể gọi trực tiếp cho tôi 04.5116139 - giờ hành chính hay số 0913.202948 vào bất kỳ giờ nào trong ngày.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Hà Nội mới tin chiều