Ấn Độ: Giáo hội Thiên Chúa làm phim về AIDS
Các Website khác - 21/02/2006

Một bộ phim của Bollywood kể về người mẹ độc thân và đứa con trai nhỏ cùng nhau nỗ lực chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS được trình chiếu trên nhiều rạp trên toàn Ấn Độ trong tuần qua đã đánh dấu bước đầu thâm nhập nền điện ảnh thương mạu của Giáo hội Thiên Chúa ở Ấn Độ.

Bộ phim bằng tiếng Hindi có tiêu đề Aisa Kyun Hota Hai (tiếng Anh có nghĩa là Tại sao điều này xảy ra?) được sản xuất bằng tiền của giáo hội. Làm bộ phim này, giáo hội mong muốn sẽ mở rộng tuyên truyền kiến thức về HIV/AIDS trong 1.1 tỉ dân Ấn Độ mà trong đó đã có hơn 5.1 triệu người nhiễm phải căn bệnh này.

Hiện trạng tồi tệ về đại dịch đã khiến Ấn Độ trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới bởi đại dịch AIDS chỉ sau Nam Phi.

Ông Reverend Dominic Emmanuel, nhà điều hành sản xuất đồng thời là phát ngôn viên cho giáo khu Thiên chúa ở New Delhi cho biết: "Bộ phim muốn chuyển tới các bạn trẻ ngày nay một thông điệp, đừng bắt đầu quan hệ tình dục quá sớm, hãy thực hiện tình dục an toàn, thuỷ chung trong quan hệ tình cảm và đừng bao giờ có thành kiến với những tín điều khác".

Với bộ phim này, giáo hội cũng tập trung vào vấn đề tạo nên sự hoà hợp tôn giáo ở một quốc gia đa nguyên như Ấn Độ.

Ông Emmanuel cho biết thêm: "Sở dĩ chúng tôi quyết định dùng rạp chiếu phim nổi tiếng Bollywood để làm nơi truyền tải thông điệp của mình là vì với cách đó, thông điệp sẽ tới được nhiều người hơn".

Tuy nhiên cho tới nay, bộ phim vẫn chưa được công chúng đón nhận nồng nhiệt là mấy, nhưng các nhà sản xuất hy vọng, bộ phim sẽ thu được chú ý hơn khi trình chiếu tại miền đông và đông bắc Ấn Độ vì đây là những vùng chiếm gần 2% dân số theo Cơ đốc giáo của Ấn Độ.

Trong phim có các bài hát, bản nhạc và hơi cường điệu kể về một đứa con trai ngỗ ngược tìm cách kiếm tiền nhưng sau đó vì có quan hệ tình dục với bạn gái mà làm lây nhiễm HIV cho bạn mình.

Cựu diễn viên lừng danh của Bollywood bà Rati Agnihotri đã thủ vai bà mẹ trong bộ phim trị giá 20 triệu rupee này (tương đương 440,000 đô la Mỹ).

Cha C.M.Paul, linh mục Thiên Chúa giáo ở thành phố miền đông Kolkata nói: "Có bao nhiêu người tham gia giáo hội? Để những thông điệp xã hội như thế tới được đông đảo quần chúng thì một môi trường như Bollywood cần phải được sử dụng hiệu quả".

Ông Paul cho biết, cho tới nay thì giáo hội ở Ấn Độ mới chỉ đưa được các hình ảnh tư liệu xã hội đến với một số nhỏ tín đồ siêng năng tới nhà thờ.

Những bộ phim gần đây của Bollywood như Anh trai tôi Nikhil (My Brother Nikhil), và Chúng ta sẽ gặp lại (Phir Milenge) cũng đều hướng tới giải quyết vấn đề HIV/AIDS theo một xu hướng mới mà các nhà phê bình gọi là chiến dịch phim ảnh.

Mặc dù gần đây đã bùng nổ phong trào điện ảnh bàn thẳng thắn về vấn đề tình dục, kể cả trong những mẩu quảng cáo hoặc đoạn băng nhạc ở Ấn Độ trong vòng 5 năm qua, song đa số người Ấn Độ vẫn chưa thể bàn bạc về tình dục cũng như những nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS một cách cởi mở như thế.

Nhà phê bình phim Deepa Gehlot phân tích: "Xu thế điện ảnh đương đại hầu như không muốn gắn phim ảnh với những thông điệp xã hội giản đơn vì một lượng khán giả lớn hơn muốn các hình thức giải trí và phim ảnh chỉ phản ánh những giấc mơ và khát vọng của họ mà thôi".

Đỗ Dương theo

http://news.yahoo.com/s/nm/20060219/film_nm/aids_india_church_dc_1