![]() |
Xử lý san hô. |
Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP HCM sắp tiến hành phẫu thuật ghép xương bằng san hô. Kỹ thuật này loại bỏ được những nhược điểm của phương pháp ghép xương tự thân hoặc ghép xương đồng loại hiện nay, đồng thời có thể áp dụng cho nhiều bệnh nhân với chi phí thấp.
Tiến sĩ Trần Công Toại, Phó chủ nhiệm bộ môn Mô phôi, Trung tâm đào tạo cán bộ y tế TP HCM, cho biết số người bị thiếu hụt xương do tai nạn hay bệnh lý bẩm sinh (các chi bị cong, ngắn) rất nhiều. Ở Mỹ với dân số 250 triệu dân thì có khoảng 500.000 đơn vị xương được ghép mỗi năm. Ở Việt Nam chưa có thống kê chính thức nhưng con số là không nhỏ.
Trước kia, để điều trị cho những ca bệnh như vậy, người ta dùng kỹ thuật ghép xương tự thân (lấy một đoạn xương khác trên chính cơ thể người bệnh để ghép). Tuy nhiên, kỹ thuật này có những nhược điểm như bệnh nhân phải chịu thêm vết mổ lớn, mất máu, nếu khối xương mất quá lớn thì không đủ để ghép. Còn trong kỹ thuật ghép xương đồng loại (ghép xương của người khác) thì người nhận có thể bị các bệnh lý lây truyền từ người cho như HIV, viêm gan siêu vi..., đồng thời còn phải đối phó với phản ứng miễn dịch thải loại mảnh ghép. Hơn nữa đặc thù tại các nước phương Đông thường quan niệm người chết phải được trọn vẹn thân xác, do đó người hiến xác cũng không nhiều, không đủ xương để ghép.
![]() |
San hô được mài thành hình bi để đưa vào hốc mắt. |
Trên thế giới người ta có khuynh hướng tìm ra những vật liệu khác thay thế như vật liệu tổng hợp; sợi thuỷ tinh; kim loại; san hô. Năm 1996, được sự gợi ý của giáo sư Rouvillain, người Pháp, về việc Việt Nam có rất nhiều san hô, có thể nghiên cứu dùng nó để ghép xương, các bác sĩ và những nhà khoa học tại TP HCM đã hợp đồng với Viện Hải dương học Nha Trang để định danh, bảo quản tạm và vận chuyển san hô về thành phố.
Năm 1997 các sinh viên đã thực tập dùng san hô thử ghép xương trên thỏ và đoạt giải nhất khoa học trẻ toàn quốc. Năm 1998 ghép thử trên chó. Năm 1999 đề tài này được đưa đi báo cáo ở các nước Malaysia, Indonesia. Tại đây, với sự góp ý của tiến sĩ M.Strong, các bác sĩ Việt Nam đã quyết định chọn loại san hô Porites Lutea là loại phù hợp nhất cho người. Từ 1999 đến 2001, vật liệu này bắt đầu được nghiên cứu ứng dụng ở chuyên khoa mắt và răng hàm mặt, cột sống.
Theo ông Toại, để san hô có thể ghép vào cơ thể người, các bác sĩ phải làm sạch chất hữu cơ tồn đọng bên trong (xác vi sinh vật...), bảo quản bằng dung dịch đặc biệt và khi đưa ra sử dụng sẽ được xử lý bằng tia gamma để khử trùng. Kỹ thuật này đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân như: San hô là loại vật liệu sẵn có, những chế phẩm tạo ra tiện dụng, có thể tạo những hình dáng như mong muốn. Ngoài ra, chi phí cho ca ghép xương bằng san hô trong nước cũng thấp hơn nhiều so với khi ghép bằng vật liệu đắt tiền nhập nội. Ví dụ như hốc mắt bằng san hô ở nước ngoài giá 5 triệu đồng, ở Việt Nam nếu được bán và không tính thuế chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng.
Cũng theo ông Toại, khi kỹ thuật này phổ biến rộng rãi, trong tương lai sẽ tiến hành cấy tế bào (nguyên bào sợi) vào san hô để chất lượng ghép được tốt hơn; làm ra xi măng sinh học để tạo hình tại chỗ trong các ca phẫu thuật xương khớp.
▪ "Phải tập trung chống AIDS như chống SARS" (05/05/2003)
▪ UNDP và Australia giúp đỡ Việt Nam phòng chống HIV/ AIDS (03/04/2002)
▪ E-vonne, trang web đầu tiên cho người đồng tính (09/02/2002)
▪ Xa đi, sida (17/06/2001)
▪ Xa đi, siđa! (03/05/2001)
▪ Anh và Thụy Điển hỗ trợ Việt Nam 25 triệu USD để phòng lây nhiễm HIV (10/05/2003)
▪ Thêm 60.000 USD cho kế hoạch hóa gia đình năm 2004 (28/07/2003)
▪ Ông Lee Jong-wook nhậm chức Tổng giám đốc WHO (22/07/2003)
▪ Nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản cho công nhân (19/07/2003)
▪ Nên hiểu thế nào về khái niệm ''phù hợp'' trong quảng cáo? (17/07/2003)