"Phải tập trung chống AIDS như chống SARS"
Các Website khác - 05/05/2003

"Phải tập trung chống AIDS như chống SARS"

Thiêu huỷ ma tuý, một trong những
nguyên nhân dẫn tới bệnh AIDS.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Lao Động ngày 3.5, bà Hoài Thu nhận xét: Kinh phí cho phòng chống AIDS ở VN chỉ bằng 1/20 so với Campuchia, còn số người nhiễm vẫn đang tăng lên. Nếu không có đầu tư và chỉ đạo tập trung như "chiến dịch SARS", khó có thể dập tắt hoặc kiềm chế được đại dịch.

- Thưa bà, VN còn chưa bước vào giai đoạn bùng phát AIDS như Thái Lan, vậy có thể xảy ra tình trạng này không ?

- Nếu tập trung chỉ đạo như chống SARS, đại dịch hay thứ gì cũng có thể dừng lại được. Hiện nay con số các tỉnh có trên 1.000 người nhiễm HIV/AIDS đã lên đến 12, và có thể lên 15 tỉnh. Trong điều kiện kinh phí hiện nay, phải thực hiện các biện pháp tổng hợp để ngăn ngừa.

- Kinh phí cho phòng chống AIDS ở VN có phải là ít ?

- Tính tất cả các nguồn thì mỗi năm có khoảng 92 - 93 tỉ đồng, nhưng tính bình quân đầu người mới có hơn 1.000 đồng, chưa thấm vào đâu. Nếu muốn dập được dịch này, phải tập trung như giao thông hay SARS. Mặc dù ngân sách còn nhiều lĩnh vực cần đầu tư chứ không chỉ AIDS, nhưng hy vọng QH sẽ xem xét tăng ngân sách trong năm tới, trong đó ngân sách cho truyền thông là quan trọng (đây là kỳ họp giữa năm, Quốc hội không soát lại chỉ tiêu phân bổ ngân sách, nhưng các địa phương có thể quan tâm điều chỉnh phân bổ ngân sách địa phương). Uỷ ban có dẫn chứng một số nước như Thái Lan hoặc Campuchia, kinh phí của họ gấp 20 lần mình. Thái Lan ở thời kỳ dịch bùng phát cũng phải tập trung rất dữ, nay đã chặn đứng được và giảm dần hàng năm. Ở VN, TPHCM đã dám đầu tư hơn 300 tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện ma tuý, HN kêu gọi mỗi doanh nghiệp góp 1 triệu đồng... Để có thêm kinh phí, Nhà nước phải tăng ngân sách và huy động các tổ chức phi chính phủ (NGO) cả trong và ngoài nước. VN mới chỉ kêu gọi các NGO nước ngoài, chưa có cơ chế tập hợp và tạo điều kiện cho các tổ chức NGO VN, mặc dù đây là những người rất nhiệt tình. Mỗi năm công tác phòng chống AIDS ở VN có nhu cầu 2.000 tỉ đồng thì ngân sách không bao giờ đáp ứng được. Hiện chỉ có 60 tỉ đồng từ kinh phí Nhà nước.

- Chúng ta coi AIDS không phải là tệ nạn xã hội, nhưng nó có quan hệ rất trực tiếp với tệ nạn xã hội ?

- Đúng, nó không phải là tệ nạn xã hội, nhưng phần lớn bắt nguồn từ tệ nạn xã hội (trừ một số trường hợp rủi ro). Chúng ta phải làm cho dư luận hiểu được HIV/AIDS không phải là tệ nạn xã hội mà là bệnh do virus gây ra. Là bệnh nhưng không trị được nên không thể y tế hoá, mà phải được sự quan tâm của xã hội, cộng đồng.

- Khi nào VN có thể sản xuất thương mại và bán thuốc AIDS trong nước?

- Có 1 doanh nghiệp tư nhân đã trúng thầu sản xuất thuốc cho Hàn Quốc. Vấn đề là cơ chế sử dụng thuốc đó như thế nào. Nếu mình không bán thuốc ra nước ngoài thì không vi phạm hiệp định nào cả. Không có lý nào dân mình bị bệnh, mình có khả năng sản xuất mà lại không làm, trong khi thuốc ngoại rất đắt. Uỷ ban sẽ đề nghị với Chính phủ cho phép sản xuất thuốc giá rẻ bán trong nước. Nhưng thời gian chưa thể nói trước.

- Uỷ ban có kiến nghị giảm giá thuốc trong nước nữa không?

- Nếu thuốc trong nước giá thấp hơn thuốc ngoại phân nửa là tốt lắm rồi, làm sao kiến nghị giảm thêm nữa? Giá như vậy còn chưa có thuốc mà mua nữa. Ngay như cán bộ phơi nhiễm còn chưa có thuốc điều trị dự phòng.

- Pháp lệnh Phòng chống HIV/AIDS khi nào sẽ được sửa đổi? Vì sao không ban hành thành luật, thưa bà ?

- Pháp lệnh này do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Về thời hạn sửa đổi chắc chắn nhất là vào đầu năm 2004. Từ nay tới đó các cơ quan còn 6 tháng để soát xét lại xem còn gì phải sửa. Uỷ ban sẽ thu thập ý kiến, kể cả của những người bị nhiễm bệnh để sửa đổi cho thích hợp với tình hình hiện nay. Vấn đề này chưa có trong chương trình xây dựng luật của QH khoá 11. Tuy đây là đại dịch thế giới nhưng ở VN đã từng bước ngăn chặn được, chưa phải là báo động đỏ, chưa cần xây dựng thành luật mà trong phạm vi Pháp lệnh có thể điều chỉnh được các hành vi.

- Xin cảm ơn bà!

Quảng Hà thực hiện

Số người nhiễm HIV/AIDS trong toàn quốc được báo cáo đến 31.3.2003 là hơn 63.000, tăng gấp 5 lần so với năm 1996. Tuy nhiên số người được phát hiện và quản lý chỉ chiếm khoảng 45% - 60%. Tỉ lệ tăng ở một số tỉnh là hàng trăm lần. Dự đoán đến cuối năm 2003 sẽ có 20 tỉnh thành có trên 1.000 ca nhiễm. Trong số người nhiễm, nhóm trẻ (tới 29 tuổi) chiếm tới 61%. Về thuốc điều trị: Kinh phí Nhà nước mỗi năm chỉ đủ điều trị cho 30 bệnh nhân theo giá thuốc nhập khẩu và 210 bệnh nhân theo giá thuốc trong nước. (Nguồn: Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội)