Nguồn tài trợ cho cuộc chiến chống HIV/AIDS đang tăng
Các Website khác - 09/07/2004

Niu Yóoc (TTXVN) - Theo một nghiên cứu do Chương trình Phối hợp Phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tiến hành, các khoản tài trợ cho nỗ lực ngăn chặn căn bệnh thế kỷ AIDS trên toàn cầu đang tăng đáng kể, đạt mức 2,2 tỷ đô la trong năm 2002.

Đây là một tín hiệu đáng khích lệ đối với nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế sau khi Liên Hợp Quốc cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong năm 2003 đã ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Nghiên cứu này cho thấy các khoản viện trợ song phương đã tăng đều từ 822 triệu USD trong năm 2000 lên 1,1 tỷ USD vào năm 2001 và 1,35 tỷ USD vào năm 2002. Như vậy, trong vòng 3 năm, mức viện trợ song phương đã tăng 64%. Trong khi đó, viện trợ đa phương cũng tăng lên đáng kể từ 314 triệu USD vào năm 2000 lên 460 triệu USD năm 2002.

Theo các quan chức của UNAIDS, Mỹ là quốc gia có các khoản tài trợ song phương lớn nhất, trung bình hàng năm đạt 793 triệu USD. Trên phương diện đa phương, Hiệp hội Phát triển Quốc tế trực thuộc Ngân hàng Thế giới có mức đóng góp nhiều nhất với 237 triệu USD.

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới năm 2002, các đối tác quốc tế đã tiến hành viện trợ cho hơn 140 nước tập trung chủ yếu ở tiểu vùng Sa mạc Xahara thuộc châu Phi. Nigiêria là nước nhận viện trợ nhiều nhất (91 triệu USD/năm). Tiếp đó là Kênia (61 triệu USD), Uganđa (53 triệu USD) và Dămbia (43 triệu USD).

UNAIDS dự kiến sẽ trình bày báo cáo này trong hội nghị quốc tế phòng chống HIV/AIDS lần thứ 15 ở Băng Cốc (Thái Lan) từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 7 này.

Cũng liên quan tới căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, trong nghiên cứu chung công bố ngày 8/7, LHQ và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhấn mạnh các nước châu Á và Thái Bình Dương phải hành động khẩn cấp để đối phó với thảm họa HIV/AIDS.

Phó chủ tịch ADB Geert van der Linden đã cảnh báo các nước châu Á và Thái Bình Dương đang ở giai đoạn quyết liệt nhất trong cuộc chiến chống đại dịch thế kỷ AIDS. Vì vậy, các nước này cần tập trung các nguồn lực để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng HIV/AIDS trong toàn khu vực.

Nghiên cứu cho biết khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện có 7 triệu người nhiễm HIV. Con số này có thể tăng lên 10 triệu vào năm 2010. Thiệt hại kinh tế do nạn dịch này gây ra cho toàn khu vực lên tới 7,3 tỷ USD năm 2001 và dự báo sẽ lên tới 17,5 tỷ USD vào năm 2010. Tình trạng lây nhiễm nhanh chóng ở châu Á có thể xóa sạch những thành tựu xóa đói giảm nghèo mà các nước trong khu vực giành được trong suốt thập kỷ qua.

LHQ và ADB cũng nhấn mạnh các nhà lãnh đạo châu Á và Thái Bình Dương cần dành ưu tiên cao nhất cung cấp kinh phí cần thiết cho các chương trình phòng chống và chăm sóc bệnh nhân AIDS. Năm 2003, khu vực này cần 1,5 tỷ USD cho cuộc chiến phòng chống AIDS. Nhưng từ năm 2007 đến năm 2010, kinh phí cho cuộc chiến này có thể lên tới 5,1 tỷ USD./.