(VietNamNet) - Từ nay, học viên tại các trung tâm cai nghiện, chữa bệnh sẽ có cơ hội học đại học. Một hướng mới mở ra con đường hòa nhập xã hội dễ dàng hơn cho các em.
Khảo sát trình độ văn hóa và nghề nghiệp của học viên trong giai đoạn hậu cai tại các trung tâm chữa bệnh, cai nghiện của Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TT GDTX) cho thấy tỷ lệ học viên tốt nghiệp trung học phổ thông có nhu cầu nâng cao trình độ học vấn khá cao. Vì vậy, TT GDTX Gia Định đã kết hợp với Trung tâm Đào tạo từ xa (TT ĐTTX) của ĐH Mở Bán công TP.HCM mở chương trình đại học từ xa, chuyên ngành Quản trị kinh doanh cho đối tượng học viên này. Ngày 23/7, hai bên đã chính thức ký bản hợp đồng liên kết đào tạo này. Lần đầu tiên trong cả nước, những người từng mắc vào vòng vây của “nàng tiên nâu” có điều kiện tiếp tục nâng cao trình độ học vấn của mình.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Văn Công, Giám đốc TT GDTX Gia Định cho biết, việc mở chương trình này xuất phát từ sự gợi ý của một thành viên thuộc một tổ chức xã hội ở nước ngoài. Người này từng nghiện ma túy, phải vào trung tâm cai nghiện và đã lấy được bằng tiến sĩ trong thời gian ở đây. Có thể thấy, nguyện vọng và cơ hội nâng cao kiến thức luôn tồn tại trong mỗi người. Hiện nay, đã có gần 40 học viên đăng ký, mặc dù chưa có thông báo tuyển sinh chính thức đến các trung tâm chữa bệnh, cai nghiện. Khóa học này dự kiến sẽ có khoảng 100 học viên tại các trung tâm thuộc Sở LĐTB&XH TP.HCM.
“Mặc dù có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về sự thành công của chương trình này, nhưng tôi và mọi người luôn lạc quan. Một chương trình lần đầu tiên thực hiện với đối tượng học viên khá đặc biệt nên chúng tôi biết sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi nghĩ, chúng tôi không làm vì nhu cầu nổi tiếng của bản thân mà theo nhu cầu của xã hội, của các em, vì vậy sẽ thành công. Thật ra, lần này, tôi muốn âm thầm làm, làm thử để rút kinh nghiệm cho những lần sau…”, ông Công tâm sự.
Chuyên ngành Quản trị kinh doanh: |
- Học phí thu trọn gói 7 -7,5 triệu đồng, hoặc 50.000 đồng/đơn vị học trình. - Thời gian: 8 học kỳ. - Hình thức: Học viên tiếp thu bài qua đài truyền hình và phát thanh, 3 lần trong ngày. Mỗi môn sẽ có 15 tiết học trực tiếp với giảng viên. - Bằng do ĐH Quốc gia cấp |
Theo kế hoạch chương trình, học phí toàn bộ khóa học sẽ do gia đình học viên đóng. Hiện nay, UBND TP và Sở LĐTB&XH chưa có ý kiến cho biết sẽ có sự hỗ trợ nào cho các học viên theo học hay không. Vì vậy, ngoài học phí, gia đình học viên có thể sẽ phải đóng tiền ăn, ở cho con em mình. Vì theo quy định, học viên giai đoạn sau cai phải lao động trong khi việc theo học này đòi hỏi các em phải tập trung theo dõi chương trình học phát sóng trên truyền hình và phát thanh. Điều này sẽ gây trở ngại cho những học viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Đồng thời, một đơn vị tổ chức đủ điều kiện cũng là điều mà TT GDTX Gia Định băn khoăn. Theo ông Công, việc thành bại của chương trình này phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý của cán bộ tại đơn vị tổ chức, bởi học viên sẽ tập trung tại các nơi này để theo học. Một điều kiện học tập tốt, kỷ luật chặt chẽ, cán bộ thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở…là điều không thể thiếu để tạo không khí học tập cho học viên, bởi tinh thần tự học là chính. TT Giáo dục Dạy nghề Thanh thiếu niên 2 và TT Chữa bệnh Đức Hạnh là hai đơn vị được chọn để tập trung cho học viên trong khóa học này. Cán bộ tại các đơn vị này sẽ là nguồn quản lý chính học viên, với sự tăng cường hỗ trợ của TT Gia Định.
Về phía đối tác, ông Hứa Văn Đức, Phó giám đốc TT ĐTTX, ĐH Mở Bán công cho biết các giảng viên cũng đã lường trước những khó khăn khi tham gia vào chương trình này. Bởi đối với hình thức học từ xa, không riêng gì học viên cai nghiện mà các đối tượng khác cũng phải cố gắng rất nhiều vì không được học tập trung thường xuyên với giảng viên. Vì vậy, đòi hỏi ý chí, sự kiên nhẫn của học viên rất nhiều. Trong khi đó, học viên cai nghiện lại thiếu điều kiện để tham khảo kiến thức từ thư viện, internet…Ngoài ra còn yếu tố sức khỏe, tinh thần của các em. Chúng tôi lường trước khả năng nhiều học viên sẽ bỏ giữa chừng nhưng vì ý nghĩa xã hội, mong muốn một cơ hội tốt hơn cho các em sau khi tái hòa nhập cộng đồng nên đã xác định trước những điều có thể xảy ra để khắc phục…
Sau khi trao đổi với nhau, hai trung tâm đã thống nhất chọn ngành Quản trị kinh doanh cho chương trình học này. Với ngành học này, các em sẽ có những kiến thức tổng quát về nghề nghiệp, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và lao động, những kỹ năng trong công việc, mối quan hệ giao tiếp với xã hội, kiến thức luật… vì vậy các em sẽ dễ dàng hòa nhập cộng đồng hơn…
“Mục đích và mong muốn lớn nhất của chúng tôi khi thực hiện chương trình này là không muốn các em bỏ phí thời gian trong khi cai nghiện. Mở ra cho các em một cơ hội tiếp cận, trang bị cho mình một kiến thức đủ để tự tin bước vào cuộc sống và làm việc sau khi hòa nhập cộng đồng, đồng thời, thu hẹp khoảng cách sự tự tin với mọi người. Hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp và khóa học đầu tiên sẽ khai giảng đúng vào tháng 9 tới, cùng với mùa khai trường của cả nước…”, cả ông Đức và ông Công cùng cho biết.
▪ Cơ sở dạy nghề không được từ chối người cai nghiện (22/07/2004)
▪ Qui định đưa vào cơ sở dạy nghề người sau cai nghiện (21/07/2004)
▪ Khai giảng lớp tập huấn phóng viên tuyên truyền về AIDS (21/07/2004)
▪ Thuốc điều trị cho 13.000 bệnh nhân ADIS tại VN (17/07/2004)
▪ Hãy gõ, cửa sẽ mở... (17/07/2004)
▪ Illinois cho phép bệnh nhân HIV hiến nội tạng (17/07/2004)
▪ Trung Quốc: Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non (19/07/2004)
▪ Mở lớp đại học từ xa cho học viên cai nghiện (19/07/2004)
▪ Đà Nẵng sẽ đưa người nghiện ma tuý ra đảo (17/07/2004)
▪ Sáu nước hợp tác sản xuất thuốc và vaccine chống AIDS (18/07/2004)