![]() |
Với quyết định này, có thể nói chưa bao giờ cơ hội được tiếp cận với thuốc điều trị của bệnh nhân HIV/AIDS ở VN đến gần như vậy. Gần như cùng thời điểm, đại diện Quĩ Bill Clinton cũng đến VN bàn về tài trợ thuốc điều trị cho bệnh nhân và hàng loạt tổ chức quốc tế cũng tuyên bố ưu tiên tài trợ thuốc điều trị, giúp VN phòng chống đại dịch thế kỷ.
“Chúng tôi lựa chọn VN tham gia chương trình hành động khẩn cấp (cùng 14 nước châu Phi và Caribe, được Chính phủ Mỹ tài trợ 15 tỉ USD trong vòng năm năm - PV) vì dự tính số người nhiễm HIV ở VN sẽ tăng gấp tám lần hiện nay (khoảng 130.000 người) vào năm 2010, trong khi cùng thời gian, số người nhiễm ở Ân Độ tăng ba lần, Nga tăng bốn lần và Trung Quốc tăng 7,5 lần”- ông Tobias giải thích trong cuộc họp báo tại Hà Nội.
Nhưng điều quan trọng, theo ông Tobias, yếu tố làm Chính phủ Mỹ quan tâm là mức độ cam kết của VN. Hiện nay, mức chi trung bình cho một bệnh nhân AIDS ở VN là 36 USD, trong khi Ân Độ chỉ chi 6 USD. Với chương trình tài trợ nói trên, dự kiến sẽ có tới 13.000 người nhiễm AIDS ở VN được tiếp cận thuốc điều trị, đồng nghĩa với việc họ có hi vọng tiếp tục được sống.
Do giá thuốc điều trị HIV/AIDS quá cao (2.000 - 5.000 USD/ bệnh nhân/ năm) nên số người được tiếp cận thuốc điều trị ở VN trong những năm qua rất ít ỏi. Năm 2003, với khoản tiền dành cho điều trị 10 tỉ đồng từ ngân sách quốc gia, chỉ có vỏn vẹn 90 người (còn các năm trước chỉ có 50 người) được tiếp cận thuốc kháng virus ARV, trong khi VN đang có 12.000 bệnh nhân cần có thuốc điều trị.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ cuối tuần trước tại hội thảo về dự phòng, chăm sóc và điều trị bệnh nhân AIDS trong điều kiện hạn hẹp nguồn lực, cục trưởng Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Trịnh Quân Huấn đã tỏ ra rất lạc quan trước những cơ hội cho bệnh nhân HIV ở VN. Theo ông Huấn, VN đang cố gắng khống chế số người nhiễm dưới mức 0,3% vào 2010. Nhưng vấn đề điều trị cho bệnh nhân là điều bức xúc hiện nay ở VN bởi thiếu cơ sở y tế chuyên khoa và thuốc điều trị.
Ông Tobias cho biết các năm tiếp theo của kế hoạch năm năm, phần tài trợ cho VN sẽ tương đương với 14 nước còn lại (năm 2004, 15 nước tham gia được tài trợ tổng cộng 365 triệu USD). Ngoài 13.000 người được cấp thuốc điều trị (bằng các thuốc kháng virus đặc hiệu, các thuốc do VN sản xuất cũng có thể tham gia chương trình bằng cách gửi cho Cơ quan quản lý thuốc - thực phẩm của Mỹ xem xét về chất lượng), sẽ có 65.000 người nhiễm và bị ảnh hưởng được chăm sóc, đồng thời ngăn ngừa 660.000 ca lây nhiễm mới.
Về phía VN, ông Trịnh Quân Huấn cho biết phần ngân sách của chính phủ dành cho điều trị HIV/AIDS cũng sẽ tiếp tục tăng lên (có thể lên đến 15 tỉ đồng trong năm 2005). Tháng tám tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ trình chính phủ một đề án về tăng cường tiếp cận thuốc cho bệnh nhân AIDS, với những khoản chi từ ngân sách quốc gia cho thuốc điều trị. Như vậy, hàng chục ngàn người nhiễm HIV/AIDS ở VN sẽ có cơ hội được điều trị, được sống.
LAN ANH
▪ Hãy gõ, cửa sẽ mở... (17/07/2004)
▪ Illinois cho phép bệnh nhân HIV hiến nội tạng (17/07/2004)
▪ Những thách thức trong phòng, chống bệnh lao (15/07/2004)
▪ Phát bao cao su cho lái xe đường dài (14/07/2004)
▪ Tổng thư ký LHQ kêu gọi Mỹ đóng góp nhiều hơn cho phòng chống AIDS (14/07/2004)
▪ Kofi Annan: “Chống AIDS như chống khủng bố” (13/07/2004)
▪ Lào tăng cường phòng chống HIV/AIDS trong thanh niên (13/07/2004)
▪ Hãy để người nhiễm HIV được sống! (12/07/2004)
▪ Lào nỗ lực triệt phá cây thuốc phiện (12/07/2004)
▪ Châu Á-TBD cam kết hợp tác chống HIV/AIDS (12/07/2004)