Phối hợp hành động ngăn chặn và đẩy lùi bệnh HIV/AIDS
Các Website khác - 16/06/2004
Trải qua hơn 20 năm đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS, các quốc gia trên thế giới đang phải đương đầu với một đại dịch hết sức nguy hiểm. Nó không chỉ ảnh hưởng sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng an ninh, sự phát triển và nòi giống của loài người.

Dù đã có những thành công nhất định, nhưng ở bình diện chung và cấp độ toàn cầu cho thấy, nhân loại chưa có khả năng ngăn chặn được tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS; không những thế, dịch bệnh tiếp tục gia tăng và tàn phá nặng nề ở nhiều nước, nhất là những nước nghèo, đang phát triển.
Ở nước ta, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, đến nay cả nước đã có hơn 80 nghìn người nhiễm HIV, số chuyển sang AIDS lên đến gần 12 nghìn người; và đã có hơn bảy nghìn người chết.

Với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước; sự nỗ lực tham gia của các cấp, các ngành, địa phương; đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội..., công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã có những tiến bộ rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, qua 13 năm đương đầu với dịch HIV/AIDS, chúng ta chưa có chiến lược quốc gia tổng thể với sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành; đồng thời chưa có những bước đi, các giải pháp và chương trình hành động cụ thể, vì vậy hiệu quả phòng, chống căn bệnh này chưa cao.

Ðể hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đạt kết quả, khống chế sự lây lan của đại dịch, giảm tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ngày 17-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2004/QÐ-TTg, phê duyệt "Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020". Tinh thần cơ bản của chiến lược này được phát triển đưa trên các tuyên bố chung của Liên hợp quốc, tuyên bố thượng đỉnh của khóa họp đặc biệt của Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2001; các cam kết của Chính phủ và đường lối của Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội; đưa ra các định hướng, các ưu tiên và giải pháp phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2004-2010 và tầm nhìn 2020.

Trên cơ sở nắm chắc mục tiêu, giải pháp thực hiện có sự kết hợp chặt chẽ cả ba yếu tố: xã hội, chuyên môn kỹ thuật; về nguồn lực và hợp tác quốc tế; đồng thời, lấy xã, phường, thôn bản là trọng điểm cho việc triển khai thực hiện nội dung "Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020", các địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện nội dung và các chương trình hành động của chiến lược trên địa bàn được phân công.

Cần xác lập các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp tình hình cụ thể ở mỗi địa phương. Ngoài nguồn ngân sách trung ương cấp, các địa phương chủ động cân đối đầu tư ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp can thiệp giảm tới mức thấp nhất tác hại bao gồm chương trình bơm kim tiêm sạch, chương trình bao cao-su dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức tốt việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm bệnh. Ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan như: Văn hóa - Thông tin; Giáo dục và Ðào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Ðầu tư; Tài chính; các cơ quan thông tin đại chúng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức, chỉ đạo, triển khai các nội dung của chiến lược này, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức; cũng như phối hợp hành động nhất quán thông suốt từ hệ thống ngành dọc đến mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đưa thông tin đến từng người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; vào trong chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; đến các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao... nhằm thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Khẩn trương nghiên cứu xây dựng các chế độ, chính sách phù hợp phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời tích cực huy động các nguồn tài trợ trong nước và ngoài nước đầu tư cho công tác phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này.

Tác động của HIV/AIDS đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2010-2020 phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả của việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn trước mắt (2004-2010). Do đó, việc phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài của mỗi ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, và mỗi người. Ðẩy mạnh việc huy động toàn xã hội tham gia tích cực hoạt động này sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

N.D