![]() |
Không nên thả rông chó trong mùa hè. |
Dại là một bệnh do siêu vi gây ra, gây viêm não và dẫn đến tử vong cho người và nhiều động vật có vú khác. Đa số trường hợp dại lây truyền từ các chất tiết nhiễm trùng, thường là nước bọt qua vết cắn.
Một số ít trường hợp có thể lây qua đường hô hấp như hít phải siêu vi trùng dại trong các hang dơi hay phòng thí nghiệm. Bệnh còn có thể lây qua ghép mô, vì thế không được ghép mô của người chết vì bệnh thần kinh chưa rõ nguyên nhân.
Bệnh dại có 2 thể dịch tễ: Thể thành thị do các thú nuôi như lừa, ngựa, bò, cừu, heo và nhất là chó và mèo; Thể hoang dã do dơi, chồn, cáo, gấu, chó sói.
Siêu vi trùng dại thuộc họ Rhabdoviridae, gồm hơn 200 loại. Loại gây bệnh cho người và động vật có 2 dòng là Lyssa virus và Vesiculo virus. Siêu vi trùng dại bị bất hoạt bởi sức nóng 56 độ C trong 1 giờ, sự khô ráo, ánh sáng mặt trời, tia cực tím, tia X và xà phòng. Trong cơ thể bệnh nhân, siêu vi trùng dại có ở nước bọt, nước tiểu, dịch não - tủy, mô não, cơ vân, thận, tụy.
Biểu hiện của bệnh dại ở chó
Có 2 thể lâm sàng:
Thể hung dữ: Chiếm 25%, chó thay đổi tính tình, ăn khó, tiếng sủa thay đổi, dần dần trở nên như rú, thường thè lưỡi và chảy nước dãi, dáng vẻ lừ đừ, sau đó bồn chồn, chạy cuống cuồng dù không bị đuổi bắt, bạ đâu cắn đó rồi chết trong cơn vật vã.
Thể bại liệt: Chó há mõm do liệt hàm dưới, chảy nước dãi, không chạy, không đứng được, khó thở dần rồi chết trong bệnh cảnh liệt.
Chó thường chết trong vòng 3 - 7 ngày từ khi có triệu chứng đầu tiên.
Biểu hiện của bệnh dại ở ngườiCơ chế lây truyền virus dại từ động vật hoang dại qua chó
Sau khi nhiễm siêu vi trùng dại, nếu không có đủ kháng thể bảo vệ, bệnh sẽ tiến triển qua 3 thời kỳ:
+ Thời kỳ ủ bệnh: có thể từ 4 ngày đến nhiều năm sau. Thời kỳ ủ bệnh càng ngắn nếu vết cắn ở mặt.
+ Thời kỳ khởi phát: khoảng 1- 4 ngày với các triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau cơ, tê và co cứng cơ ở vùng có vết cắn.
+ Thời kỳ toàn phát: có 2 thể lâm sàng:
Thể hung dữ: Chiếm 80% trường hợp. Ngược với thể hung dữ ở chó vì người thường nhiễm siêu vi trùng dại từ chó dại thể hung dữ, còn chó dại thể liệt không cắn nên đường lây truyền bệnh do tiếp xúc với chất tiết. Bệnh nhân có vẻ hoảng hốt, đặc biệt đối với gió và nước (có thể thử bằng cách quạt hoặc cho bệnh nhân uống nước). Cơn co thắt thanh quản có thể xảy ra đột ngột làm bệnh nhân ngưng thở, tím tái. Bệnh nhân có ảo giác, mất định hướng, hành vi bất thường, trốn chạy hoặc gây gổ với người xung quanh, vật vã, cắn xé, rú lên từng hồi như chó sủa, khạc nhổ lung tung và sùi bọt mép do tăng tiết nước bọt, có thể tiêu ra máu, hạ huyết áp, cương dương vật và phóng tinh tự phát. Giữa 2 cơn, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, có thể hợp tác tốt. Thời gian giữa các cơn ngày càng ngắn lại và bệnh nhân nhanh chóng rơi vào hôn mê rồi tử vong trong vòng 2 - 4 ngày sau khi khởi bệnh.
Thể bại liệt: Chiếm khoảng 20%. Bệnh nhân có cảm giác bất thường nơi vết cắn, mất phản xạ gân xương, liệt 2 chân, rối loạn cơ vòng, rối loạn tiểu và đại tiện, liệt cơ hô hấp, liệt các cơ vùng cổ và đầu, nuốt sặc, khó thở và tử vong trong vòng 2-20 ngày sau khi khởi bệnh.
Chẩn đoán bệnh dại thường dễ khi có các biểu hiện trên và tiền sử bị chó cắn.
Tuy nhiên, cần chẩn đoán phân biệt bệnh dại với một số bệnh khác như hysterie, sốt bại liệt, hội chứng Landry Guillain Barré, viêm não dị ứng sau tiêm ngừa dại (xuất hiện 2 - 4 tuần sau tiêm ngừa).
Một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh dại
- Phân lập siêu vi trùng dại từ nước bọt, dịch não tủy, nước tiểu, tổ chức não.
- Các phản ứng huyết thanh: Tìm kháng thể miễn dịch huỳnh quang, kháng thể trung hòa, miễn dịch men, trong đó kháng thể miễn dịch huỳnh quang đáng tin cậy nhất.
- Khảo sát mô học, tìm thể Negri trên súc vật dại. Thể Negri là một thương tổn cơ thể bệnh lý đặc hiệu của bệnh dại, hiện diện nhiều ở sừng Ammon, vỏ não, cuống não, tiểu não, hạch sống lưng. Đó là một thể bầu dục, có đường kính khoảng 10nm, cấu tạo bởi những sợi fibrin cuốn quanh siêu vi trùng dại.
Điều trịLouis Pasteur, người đầu tiên phát minh ra văcxin phòng dại
Không có điều trị đặc hiệu. Một số nghiên cứu đã thử dùng Interferon, Ribavirin, Cytosine arabinoside nhưng không hiệu quả.
Các thuốc ngừa dại
Có 2 loại chính: văcxin ngừa dại và huyết thanh kháng dại
Văcxin ngừa dại
Có rất nhiều loại, lần đầu do Pasteur tìm ra, sau đó có rất nhiều loại khác như: Semple, Fuenzalida, HDVC (Human Diploid Cell Văcxin), RVA (Rabies văcxin adsorbed), Verorab… Hai loại thường dùng ở nước ta là Fuenzalida và Verorab.
Fuenzalida được chế tạo từ não chuột, tiêm trong da 4 lần, cách nhau mỗi 2 ngày, mỗi lần tiêm 0,2ml đối với người lớn và 0,1ml đối với trẻ em, tỷ lệ viêm não sau tiêm ngừa khoảng 1/8.000 nên không khuyến khích dùng. Tuy nhiên kỹ thuật sản xuất thuốc này dễ và giá thành thấp.
Verorab được chế tạo từ môi trường cấy tế bào, ít gây tai biến hơn nhưng kỹ thuật sản xuất khó và giá thành cao. Verorab được tiêm bắp 1ml mỗi lần vào vùng cơ delta đối với người lớn và 2 bên phía trước ngoài đùi đối với trẻ em, tránh tiêm vào mông vì tác dụng có thể kém hơn. Verorab được dùng tiêm chủng dự phòng và tiêm chủng điều trị
Lịch tiêm chủng dự phòng (lịch a): Lần đầu 3 mũi cơ bản gồm 1 mũi tiêm vào các ngày 0, 7, 28; Tiêm nhắc lại sau đó 1 năm, rồi mỗi 10 năm. Sau khi tiêm lần đầu, nồng độ kháng thể sẽ tăng đến mức có hiệu quả bảo vệ là 0,5 đv/ml trong vòng từ 2 - 4 tuần.
Lịch tiêm chủng điều trị (lịch b):
+ Đối với người chưa từng được tiêm chủng: tiêm 1 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28.
+ Đối với người đã từng được tiêm chủng:
- Lần cuối dưới 3 năm: tiêm 1 mũi Verorab vào ngày 0 và ngày 3.
- Lần cuối trên 3 năm hay không nhớ rõ: tiêm như đối với người chưa từng được tiêm chủng.
Phản ứng đối với văcxin ngừa dại ít khi xảy ra và thường chỉ là nổi mề đay, sốt, nhức đầu, phù nề, đỏ và cứng ở vị trí tiêm.
Huyết thanh kháng dại Virus dại.
Là globulin miễn dịch được chế tạo từ huyết thanh ngựa hoặc huyết thanh người, có khả năng cung cấp ngay cho người bị nhiễm siêu vi trùng dại kháng thể chống dại, trong khi chờ đợi hiệu quả của văcxin ngừa dại. Huyết thanh dại được dùng cùng lúc với mũi tiêm Verorab đầu tiên của lịch b. Hai loại văcxin ngừa dại và huyết thanh kháng dại phải được tiêm bằng 2 ống tiêm khác nhau, 2 kim tiêm khác nhau vào 2 vị trí cơ thể khác nhau, huyết thanh kháng dại nên tiêm ở mông để tránh khả năng thuốc trung hòa lẫn nhau.
SAR (serum anti rabic) là huyết thanh ngừa dại có nguồn gốc từ ngựa, có thể gây sốc phản vệ nên luôn phải được tiêm theo phương pháp Besredka, gồm 3 lần cách nhau mỗi 15 phút với các liều 0,1 ml, 0,25 ml và phần còn lại. Liều dùng là 40 đv/kg cân nặng. Nếu dùng globulin miễn dịch của người thì liều dùng là 20 đv/kg cân nặng và an toàn hơn. Huyết thanh kháng dại được dùng theo đường tiêm bắp, nên tiêm 50% lượng thuốc vào quanh vết cắn, 50% vào mông. Chỉ định dùng huyết thanh kháng dại là: (1) Vết cắn ở đầu, cổ, bàn tay, bàn chân, cơ quan sinh dục vì những nơi này có nhiều tổ chức thần kinh, là nơi siêu vi trùng dại phát triển; (2) Vết cắn sâu; (3) Vết cắn vào niêm mạc; (4) Vết cắn nhiều chỗ.
Còn tiếp
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Massage để bé thêm yêu mẹ (21/05/2005)
▪ TP HCM cung cấp hơn 3/5 đơn vị máu cả nước (21/05/2005)
▪ Tự phát hiện ung thư hốc miệng (21/05/2005)
▪ Người già không nên dùng aspirin (20/05/2005)
▪ Hút thuốc lá nhiều sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ (20/05/2005)
▪ Các bệnh ngoài chương trình tiêm chủng đang tăng (21/05/2005)
▪ Vitamin E có thể chống bệnh Parkinson (19/05/2005)
▪ Bệnh viện nhi TP HCM chuẩn bị khám chữa miễn phí (19/05/2005)
▪ Giành sự sống từ tay tử thần H5N1 (19/05/2005)
▪ Cháo lá sen chống béo phì (20/05/2005)