Theo thống kê của BV Nhi Đồng 1, nếu trong năm 2003 có 555 trẻ mắc bệnh quai bị thì đến năm 2004 con số này là 2.541 (tăng gấp 4,5 lần), và trong 4 tháng đầu năm nay là 1.310 trẻ. Tương tự, trong năm 2003, có 986 trẻ bệnh thủy đậu, năm 2004 là 1.355 trẻ (tăng 1,3 lần), và trong 4 tháng đầu năm nay có đến 2.805 trẻ bệnh! Giải thích sự gia tăng này, các bác sĩ cho rằng do dân số tăng cao, nên số người mắc bệnh cũng tăng theo; nhưng nguyên nhân chính vẫn là do giá vaccine cao, nên nhiều người ngần ngại không cho trẻ chích.
Quai bị: Nguy hiểm nhất là biến chứng vô sinh
Cuối năm qua, bệnh quai bị bùng phát thành dịch tại huyện Cần Giờ và quận 11-TP Hồ Chí Minh với số ca mắc lên đến hàng trăm học sinh. Theo bác sĩ Trần Thị Việt, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, triệu chứng đặc trưng của quai bị là sưng đau tuyến nước bọt, chủ yếu là tuyến mang tai. Ngoài ra ở trẻ lớn hoặc người lớn có thêm nhức đầu, sốt cao, ói mửa.
Bệnh lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em trên 2 tuổi, có thể lây 6 ngày trước khi viêm tuyến mang tai, kéo dài 2-3 tuần sau khi tuyến nước bọt sưng. Trẻ mắc bệnh quai bị cần được nghỉ ngơi, ăn thức ăn dễ nuốt, dễ tiêu để phòng ngừa biến chứng. Biến chứng hay gặp nhất là viêm tinh hoàn ở bé trai, viêm buồng trứng ở bé gái, có thể dẫn đến vô sinh. Biến chứng nặng hơn là viêm tụy cấp, viêm não, viêm cơ tim... Vaccine ngừa quai bị hiện được điều chế chung với vaccine ngừa sởi và rubella, được chích từ 12 tháng tuổi, chích 1 mũi duy nhất.
Bệnh thủy đậu: Xuất hiện nhiều trong 5 tháng đầu năm
Bệnh thủy đậu còn được gọi là trái rạ, phỏng rạ, nếu không được chích ngừa thì gần như 80% số người sẽ mắc bệnh trước 20 tuổi. Bệnh xảy ra cao điểm từ tháng 1 đến tháng 5. Triệu chứng thường gặp là sốt, mệt mỏi, có thể ho, sổ mũi, nổi bóng nước trên da. Bệnh chủ yếu lây nhiễm trực tiếp qua đường hô hấp, ngoài ra có thể lây do tiếp xúc với mụn nước, dụng cụ sinh hoạt có chứa virus gây bệnh. Mặt khác, virus này có thể lây từ mẹ sang con trong giai đoạn bào thai hay khi sinh ra. Trong gia đình, mức độ lây nhiễm bệnh rất dữ dội và nhanh chóng. Thời gian lây nhiễm từ 2 ngày trước khi phát ban và sau khi lành bệnh 7-8 ngày. Nếu không được vệ sinh da tốt, trẻ sẽ bị bội nhiễm da, nặng hơn thì bị viêm phổi, viêm não, viêm màng não... Vaccine ngừa thủy đậu được chích từ 12 tháng tuổi, chỉ chích 1 liều. Nếu chích ngừa sau 13 tuổi thì phải chích 2 liều, cách nhau 6 tháng.
Rubella: Nguy hiểm đặc biệt cho thai phụ
Rubella bùng phát thành dịch từ đầu năm nay và kéo dài trong nhiều tháng tại một số quận, huyện TP Hồ Chí Minh. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết rubella gây ra do virus, lây qua đường hô hấp. Ở trẻ em, 50% mắc bệnh không có triệu chứng, 50% còn lại có biểu hiện sốt nhẹ, ho ít, chảy nước mũi và phát ban rải rác. Thông thường bệnh kéo dài 1-2 ngày và tự khỏi.
Còn ở người lớn bệnh gây sốt, phát ban nhiều, đau khớp, mệt mỏi, biếng ăn, diễn ra lâu hơn so với trẻ em (5-7 ngày). Những biến chứng thường gặp ở người lớn là viêm phổi, đau khớp, hiếm khi xảy ra viêm não. Rubella là bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với thai phụ vì nhiều nguy cơ gây dị dạng bào thai, hoặc có thể làm sẩy thai. Trẻ nhiễm rubella từ trong bào thai, khi sinh ra có thể bị đục thủy tinh thể, điếc, bệnh tim bẩm sinh, chậm phát triển...
Viêm màng não: Điều trị trễ, nguy cơ tử vong cao
Bệnh có thể do vi trùng hay virus gây ra, thường gặp ở trẻ em, đặc biệt dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện rất nhanh ngay trong ngày đầu tiên hoặc sau một vài ngày sốt, ho, sổ mũi. Ở trẻ lớn thường sốt cao, đau đầu, đau gáy, ăn kém, nôn ói, cổ cứng (không gập được). Còn ở trẻ nhỏ là sốt cao, bỏ bú, biếng chơi, li bì, nôn ói, cổ cứng, riêng ở trẻ còn thóp có thể thấy thóp căng phồng. Trẻ mắc bệnh viêm màng não cần được điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị trễ dẫn đến hôn mê, co giật, tử vong, hoặc ngay cả khi được cứu sống, trẻ vẫn có thể bị di chứng như liệt tay chân, động kinh, co giật, đầu to, thậm chí điếc. Theo bác sĩ Khanh, hiện nay chỉ có vaccine ngừa bệnh viêm màng não do HIB (Hemophillus influenza type B) gây ra. Tuy nhiên, việc chích ngừa cũng rất hiệu quả vì HIB là tác nhân gây ra hơn 70% trường hợp viêm màng não trẻ em. Từ 2 tháng đến 5 tuổi nên chích ngừa HIB.
1) Chích ngừa rồi sẽ không mắc bệnh. Sai - Một số ít người đã chích ngừa vẫn có thể mắc bệnh, nhưng mức độ thường nhẹ và ít gây biến chứng. 2) Đã mắc bệnh rồi thì không phải chích ngừa. Sai - Người đã bị thủy đậu và quai bị sẽ không có nguy cơ mắc lại, nên không cần chích ngừa. Tuy nhiên những bệnh khác thì vẫn có thể bị lần thứ 2, nên vẫn cần chích ngừa dù đã từng mắc bệnh. 3) Chỉ cần chích ngừa một lần sẽ có tác dụng đến suốt đời. Sai - Một số loại vaccine chỉ tạo ra kháng thể chống lại bệnh trong một thời gian nhất định. Sau đó, cần tiêm nhắc lại để cơ thể tiếp tục có kháng thể chống lại bệnh. 4) Trẻ nào cũng có thể tiêm chủng được. Sai - Trẻ có tiền căn co giật hay dị ứng sau chích ngừa thì tuyệt đối không được chích. Những trẻ đang bệnh cấp tính, sốt trên 38,5 độ C, dùng corticoid liều cao và kéo dài... thì không đủ điều kiện chích ngừa. Sau khi hết bệnh hoặc ngưng thuốc thì mới được chích. Theo ý kiến của bác sĩ Trương Hữu Khanh và bác sĩ Đinh Thạc - Bệnh viện Nhi Đồng 1
|
|