Bệnh điếc đột ngột gia tăng
Các Website khác - 16/05/2005
Kiểm tra tai một bệnh nhân
điếc đột ngột tại BV Tai
Mũi Họng TP Hồ Chí Minh
Bệnh điếc đột ngột có thể do các tổn thương tai, tổn thương thần kinh; nhưng căng thẳng, lo âu cũng có thể gây điếc. Đối tượng mắc bệnh nhiều nhất ở độ tuổi từ 30 - 50.
Ngày 25-4, chị V.N.M, 20 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh - TP Hồ Chí Minh, đột nhiên thấy tai trái bị ù, sức nghe giảm, nhưng không kèm theo cảm giác nhức đầu hay chóng mặt. Vì nghĩ rằng đây là triệu chứng tạm thời sẽ khỏi ngay sau đó, nên chị M. không đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, hai ngày sau đó tình trạng giảm thính lực vẫn không khỏi mà còn nặng hơn. Ngày 27-4, chị đến khám tại Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng và kết quả đo thính lực cho thấy tai trái giảm sức nghe 50%. Sau 10 ngày điều trị tích cực, thính lực của chị mới hồi phục hoàn toàn.

Lo lắng, stress cũng là nguyên nhân gây điếc

Ngày 28-4, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh đã thành lập thêm phòng điều trị điếc đột ngột. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc bệnh viện, cho biết điều này nhằm đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh nhân điếc đột ngột đang có khuynh hướng gia tăng trong thời đại công nghiệp hiện nay.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Lợi, Trưởng khoa Tai - Đầu - Mặt - Cổ BV Tai Mũi Họng, hiện nay mỗi ngày trung bình BV tiếp nhận 2-3 bệnh nhân điếc đột ngột đến điều trị. Cũng có ngày đến 7 - 8 trường hợp nhập viện vì thính lực giảm bất ngờ, điều mà vài năm trước đây chưa hề thấy. Bệnh xảy ra đột ngột trong vòng vài ngày hoặc vài giờ do bộ phận tiếp nhận thần kinh thính giác ở tai trong bị tổn thương. Cũng có khi sau một đêm ngủ dậy là bệnh nhân không còn ghi nhận thế giới âm thanh nữa. Thông thường bệnh nhân không thấy triệu chứng nào ngoài dấu hiệu giảm sức nghe, vì vậy đã có không ít người chủ quan cho rằng sau đó tai sẽ phục hồi lại bình thường.

Bác sĩ Lợi cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng điếc đột ngột, có thể do tổn thương màng nhĩ, viêm nhiễm tai, do ngộ độc (rượu, thuốc lá...), tổn thương dây thần kinh (viêm màng não, virus, giang mai, u dây thần kinh...). Tuy nhiên, ở những đô thị phát triển cao như TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân căng thẳng, lo âu, stress... đáng ghi nhận, cơ chế gây điếc trong trường hợp này là do rối loạn mạch máu nuôi vùng tai.

Điếc đột ngột thường không có dấu hiệu báo trước, đôi khi yếu tố thời tiết và môi trường cũng có những tác động nhất định. Đối tượng mắc bệnh thường từ trên 20 tuổi, nhiều nhất trong khoảng 30 - 50 tuổi.

Giảm chất lượng sống

Cho đến nay việc xác định rõ nguyên nhân gây điếc cấp tính vẫn còn nhiều hạn chế, do vậy bác sĩ vẫn chủ yếu điều trị triệu chứng bằng nội khoa. Tuy nhiên, bệnh nhân càng đến BV sớm thì khả năng phục hồi tai càng cao, nếu bỏ qua bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn và có khi việc điều trị sẽ thất bại.

Anh T.V.D, 41 tuổi, ngụ tại Trà Vinh, có tiền căn cao huyết áp và đang điều trị, nên một ngày nọ sau khi đi làm về nhà anh không còn nghe ai nói chuyện được, kèm theo triệu chứng ù tai. Cho rằng đây là triệu chứng của cao huyết áp, anh tiếp tục điều trị bệnh này nhưng sức nghe vẫn không hồi phục. Gần một tháng sau khi phát bệnh, anh mới đến khám và điều trị tại BV Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh, tại đây phát hiện anh bị điếc đột ngột, tuy nhiên do nhập viện trễ nên sau khi điều trị thính lực của anh chỉ phục hồi được 30%.

Bác sĩ Ngọc Dung cho biết điếc gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, cản trở họ tham gia những hoạt động xã hội vì giao tiếp kém, thiếu tự tin... Từ đó dẫn đến giảm hiệu quả công việc, đời sống xã hội ngày càng thu hẹp. Bên cạnh đó, những tiếng ù hoặc tiếng động lạ trong tai còn làm cho bệnh nhân rối loạn giấc ngủ, lo lắng... dẫn đến suy nhược. Tùy theo lứa tuổi và mức độ giảm sút thính giác mà ít nhiều sự phát triển trí tuệ, cá tính và mối quan hệ xã hội của con người sẽ bị ảnh hưởng. Nếu không được giải quyết tốt, bệnh nhân điếc sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.

5 cách phòng ngừa suy giảm thính lực
1) Đối với điếc đột ngột, việc phòng ngừa chủ yếu là nghỉ ngơi, thư giãn để giảm lo lắng, giảm stress nhằm hạn chế những tổn thương gây tắc mạch máu nuôi tai.

2) Không ráy tai hoặc vệ sinh tai bằng cách đưa vật lạ vào tai vì điều này dễ gây viêm nhiễm và tổn thương tai, ảnh hưởng đến hệ thống tiếp nhận âm thanh của tai.

3) Khi có hiện tượng ù tai, chóng mặt hay giảm sức nghe thì đi khám ngay, không nên chủ quan vì càng để lâu thì khả năng phục hồi thính lực càng thấp.

4) Hạn chế sử dụng bia, rượu, thuốc lá hoặc đề phòng tình trạng chấn thương gây ảnh hưởng đến vùng tai.

5) Phòng ngừa điếc nghề nghiệp cần thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cá nhân và tập thể như trang bị thiết bị che chắn tai và giảm tiếng ồn từ nguồn (máy móc, nơi làm việc...).


Theo Theo Người lao động