Ở những vùng sâu, miền núi, con số này có thể cao gấp 3 lần. Trong những nguyên nhân gây tử vong cho các bà mẹ, phổ biến nhất là tai biến băng huyết, chiếm đến 41%.
Tại buổi mít tinh kỷ niệm ngày dân số thế giới 7/4, tiến sĩ Trần Thị Phương Mai, Phó giám đốc dự án về làm mẹ an toàn cho biết, tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống ở Việt Nam là 165. Tai biến sản khoa là nguyên nhân trực tiếp gây ra những cái chết này, bao gồm băng huyết, nhiễm độc thai nghén, nhiễm khuẩn, vỡ tử cung. Nhiều người trong số họ có thể đã chết oan do chậm được cấp cứu. Kết quả nghiên cứu các ca tử vong mẹ cho thấy, 41% trường hợp bị chậm trễ trong đưa đến cơ sở y tế; 31% phải chờ phương tiện vận chuyển trong vòng 1-4 giờ đồng hồ.
Sự yếu kém của hệ thống y tế là một nguyên nhân gây tử vong cho các bà mẹ. Bác sĩ Đoàn Viết Dũng, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em Quảng Trị cho biết, tỉnh có 9 trung tâm y tế huyện thì chỉ 3 có khả năng mổ lấy thai và truyền máu. Phần lớn cán bộ chưa làm đúng các bước chăm sóc thai nghén và sinh đẻ, hồi sức sơ sinh. Gần 2/3 số trạm y tế xã chưa có điện thoại nên khi có tai biến đã không thể cầu viện kịp thời cả về phương tiện vận chuyển lẫn kỹ thuật cấp cứu. Ông Dũng cũng cho biết, ở nhiều nơi tại Quảng Trị, thai nghén và sinh nở được quan niệm là một việc hết sức bình thường, không cần sự quan tâm đặc biệt. Các ông chồng ít khi giúp đỡ và chăm sóc sản phụ vì cho đó là việc của phụ nữ. Khi có tai biến, chẳng hạn như băng huyết, nhiều gia đình không đưa sản phụ đi bệnh viện mà giữ ở nhà để cầu cúng.
Hằng năm trên thế giới có khoảng 530.000 phụ nữ chết khi mang thai và sinh nở, 90% trong số đó sống ở ác nước đang phát triển. Mỗi năm có 3 triệu trẻ chết trong bụng mẹ, 4 triệu trẻ chết trong tuần đầu sau sinh. |
Ông Ian Howie, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, phần lớn các ca tử vong mẹ đáng lẽ đã không xảy ra: "Việc bố trí nhân viên y tế có kinh nghiệm có thể làm giảm gần 75% số tử vong mẹ. Chỉ với việc cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ này cũng có thể giảm 25%. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị các cơ quan hữu quan ở Việt Nam tăng đầu tư cho sức khỏe sinh sản, nhất là tại vùng sâu, miền núi vì đây là những nơi có nhu cầu cao nhất".
Không chỉ các bà mẹ mà cả trẻ em cũng chưa được chăm sóc chu đáo về sức khỏe. Hằng năm trên thế giới có gần 11 triệu đứa trẻ qua đời khi chưa được đón sinh nhật lần thứ 5. Khoảng 90% trong số đó thuộc về 42 quốc gia và Việt Nam là một trong những nước này. Hằng năm tại Việt Nam có 63.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong và gần một nửa trong số này chết trong giai đoạn sơ sinh.
Điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, nguyên nhân gây ra cái chết của hầu hết những đứa trẻ nói trên là các tai biến sản khoa và tật bệnh thông thường như đẻ non, ngạt, nhiễm khuẩn, viêm phổi, tiêu chảy, sốt rét, sởi.... Các ca tử vong này hầu như đều có thể phòng tránh được bằng các can thiệp đơn giản và không quá tốn kém như bù nước, dùng kháng sinh, ngủ màn, tiêm chủng, chăm sóc thai nghén đầy đủ...
Theo ông Ian Howie, có thể giảm phần lớn các ca tử vong của bà mẹ và trẻ em bằng các phương tiện hiện có mà không cần áp dụng các kỹ thuật tối tân, đắt tiền. Những biện pháp can thiệp hiện có đã có thể làm giảm 2/3 số trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Điều quan trọng là tổ chức được một mạng lưới chăm sóc y tế rộng khắp và hiệu quả với những nhân viên có năng lực.
WHO cho rằng, "sức khỏe của bà mẹ, trẻ em là vốn quý nhất của xã hội" và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của mỗi đất nước. Vì vậy, WHO kêu gọi các nước dành nhiều ngân sách hơn cho việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ước tính, cứ đầu tư 1 đô la cho trẻ thì sẽ thu được 7 USD lợi nhuận thông qua việc giảm chi phí xã hội và tăng khả năng lao động, sản xuất của người lớn.
Thanh Nhàn
▪ Vitamin E có thể gây ung thư (07/04/2005)
▪ Đàn ông uống sữa dễ bị bệnh Parkinson (07/04/2005)
▪ Lao ngoài phổi ở trẻ dễ tử vong nếu phát hiện muộn (07/04/2005)
▪ Chơi thể thao không đúng cách sẽ có hại cho sức khoẻ (07/04/2005)
▪ Sử dụng vaccine phòng bệnh Rubella đạt hiệu quả cao (07/04/2005)
▪ Mắc 3 bệnh một lúc (07/04/2005)
▪ Đối phó với cúm gà theo cách của Hong Kong (06/04/2005)
▪ Chứng viêm tủy răng (07/04/2005)
▪ Thận trọng khi cho con đi học bằng xe buýt (07/04/2005)
▪ Phòng chữa bệnh bằng các loại gia vị (07/04/2005)