Điều trị tật khúc xạ ở mắt
Các Website khác - 02/06/2005
Phẫu thuật mắt.

Để nhìn rõ vật, các tia sáng phải bị bẻ cong (còn gọi là bị khúc xạ) khi đi qua các môi trường quang học trong suốt của mắt để hội tụ đúng trên võng mạc. Tật khúc xạ xảy ra khi giác mạc, thủy tinh thể hay dịch kính khuất triết ánh sáng không đúng, gây nhìn mờ.

Tật khúc xạ bao gồm cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị; được coi là những rối loạn về khuất triết của mắt chứ không phải là bệnh mắt. Trong những năm gần đây, tỷ lệ tật khúc xạ, nhất là cận thị, tăng rõ rệt. Tỷ lệ này ở học sinh Hà Nội và TP HCM là 15-17%, ở Nam Định 13%, ở các vùng nông thôn khác là 5%.

Cận thị

Mắt cận thị có trục trước sau dài hơn bình thường hoặc có lực khúc xạ quá mạnh, khiến các tia sáng hội tụ ở trước võng mạc. Mắt cận thị có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng lại không nhìn rõ các vật ở xa.

Cận thị có thể do di truyền hoặc mắc phải do mắt phải làm việc quá nhiều ở khoảng cách gần. Cận thị di truyền thường phát hiện ở trẻ em khi 8-12 tuổi. Ở độ tuổi từ 10 đến 20, khi cơ thể phát triển nhanh chóng thì mắt cũng ngày càng dài ra và cận thị cũng tiến triển nhanh. Từ 20 đến 40 tuổi, thường độ cận thị ít thay đổi.

Bình thường, khoảng cách thích hợp từ mắt đến sách vở hoặc máy vi tính là 33 đến 40 cm. Nếu mắt phải làm việc ở khoảng cách gần liên tục nhiều giờ trong ngày, nhiều ngày liền trong tháng, đặc biệt là trong điều kiện thiếu ánh sáng thì thủy tinh thể luôn luôn phải điều tiết, bị căng phồng nên mệt mỏi, căng cứng, khó điều tiết. Nếu mắt không được nghỉ ngơi, đến một lúc nào đó, thủy tinh thể không thể xẹp xuống được nữa, lực điều tiết của mắt luôn duy trì ở mức quá mạnh, gây cận thị. Cận thị không chỉ gây khó khăn cho việc học tập, mà nếu nặng sẽ có thể gây nhiều biến chứng như vẩn đục dịch kính (mắt nhìn thấy nhiều vật lơ lửng như ruồi bay trước mắt) hoặc bong võng mạc, gây mù. Do vậy, người bị cận thị cần đi khám định kỳ để theo dõi các thay đổi ở võng mạc. Nếu đã bị bong võng mạc, cần điều trị càng sớm càng tốt bằng phẫu thuật.

Để chỉnh tật cận thị, ta có thể dùng kính phân kỳ (kính -) hoặc phẫu thuật trên giác mạc.

Viễn thị

Mắt viễn thị có trục trước sau ngắn hơn bình thường hoặc lực khúc xạ quá yếu, khiến các tia sáng hội tụ ở sau võng mạc, ảnh hiện lên trên võng mạc không rõ nét. Mắt viễn thị không thể nhìn rõ các vật ở gần. Để cố gắng nhìn rõ, mắt luôn phải điều tiết để đưa ảnh rơi trên võng mạc. Do điều tiết liên tục, mắt viễn thị bị mệt mỏi, gây đau đầu, nhức mắt và hay chảy nước mắt.

Viễn thị thường do di truyền. Trẻ mới đẻ và trẻ nhỏ thường có xu hướng viễn thị nhẹ. Khi trẻ lớn lên, con mắt cũng phát triển và trở nên dài hơn, độ viễn thị cũng sẽ giảm dần. Để chỉnh tật viễn, ta dùng kính hội tụ (kính +) nhằm làm tăng lực khúc xạ của mắt.

Loạn thị

Giác mạc là một màng collagen trong suốt, rất nhạy cảm nằm phía trước lòng đen của con mắt. Bản chất của nó là một thấu kính hội tụ có công suất lớn tới + 42 đi-ốp để khúc xạ ánh sáng khi đi qua giác mạc. Giác mạc bình thường hình cầu đều đặn, nhẵn bóng, giống như mặt quả bóng tròn. Khi mắt ta bị loạn thị, một trục nào đó của giác mạc sẽ cong hơn các trục khác, trông giống như quả bóng bầu dục, và các tia sáng đi qua trục đó sẽ hội tụ ở trước võng mạc, trong khi các tia sáng khác đi qua một trục ít cong hơn lại hội tụ ở sau võng mạc. Loạn thị cũng có thể do thủy tinh thể bị nghiêng trong nhãn cầu. Do vậy, ảnh của vật mà mắt ta nhìn thấy sẽ bị méo hình hoặc bị mờ cả khi nhìn xa và nhìn gần. Giống như khi bạn đi vào nhà gương ở công viên, bạn sẽ thấy hình ảnh mình trong gương quá cao, quá béo hoặc quá gầy. Một người cũng có thể bị loạn thị kèm theo cận thị hoặc viễn thị.

Để chỉnh tật loạn thị, ta dùng kính trụ để đưa ảnh về hội tụ trên võng mạc theo từng trục bị loạn.

Lão thị

Khi ta còn trẻ, thủy tinh thể còn mềm và rất đàn hồi, dễ dàng thay đổi hình dạng để điều tiết, giúp nhìn rõ vật cả ở xa và ở gần. Từ 40 tuổi trở lên, thủy tinh thể bắt đầu bị lão hóa và xơ cứng, trở nên kém đàn hồi, không thể dễ dàng thay đổi hình dạng như trước nữa, khiến ta khó nhìn rõ hơn khi đọc sách. Tình trạng này hoàn toàn không phải là bệnh lý và được gọi là lão thị. Lão thị cũng có thể có kèm theo cận thị, viễn thị hoặc loạn thị.

Để chỉnh tật lão thị, cần đến bác sĩ nhãn khoa thăm khám để dùng kính thích hợp.

Điều chỉnh tật khúc xạ như thế nào?

Đeo kính là phương pháp dễ nhất để chỉnh tật khúc xạ, kể cả cận thị, viễn thị và loạn thị. Kính 2 tròng thích hợp để điều chỉnh lão thị, khi nhìn xa, ta nhìn qua phần trên của kính và khi đọc sách thì nhìn qua phần dưới. Không phương pháp tập luyện hay loại thuốc nào có thể giúp bạn điều chỉnh được lão thị. Bạn sẽ phải tăng dần số kính đọc sách theo tuổi tác.

Hiện nay có nhiều loại kính tiếp xúc (áp tròng) cứng và mềm; ưu điểm là nhẹ, đẹp, thích hợp với một số nghề nghiệp như diễn viên, vận động viên... Loại tốt nhất đối với từng bệnh nhân tùy thuộc vào tật khúc xạ và nghề nghiệp, lối sống của chính bệnh nhân đó. Vì vậy, bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ nhãn khoa của mình khi quyết định dùng kính tiếp xúc. Loại kính này có một số nhược điểm như khá đắt, phải thay liên tục sau mỗi 2 tuần sử dụng, phải tháo ra lau rửa hằng ngày lúc đi ngủ hoặc tắm gội. Nếu điều kiện vệ sinh môi trường xung quanh không bảo đảm, nó có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, xâm nhập tân mạch vào giác mạc.

Một vài năm gần đây, phẫu thuật bằng tia laser đã được sử dụng để điều chỉnh tật khúc xạ. Laser Excimer có thể thực hiện những thao tác trên giác mạc chính xác đến 0,25 micron. Mới đây, một phương pháp mới hơn đã được áp dụng là lasik, với việc phẫu thuật dưới một lớp giác mạc phủ trên để bảo vệ. Cách này ít gây tổn thương bề mặt giác mạc hơn, giảm nguy cơ thành sẹo và phù đục giác mạc, giảm những khó chịu của bệnh nhân sau phẫu thuật và số lượng thuốc điều trị hậu phẫu. Thị lực được phục hồi nhanh chóng hơn, thường chỉ trong vòng một hoặc vài ngày.

Để chỉnh tật cận thị, các bác sĩ dùng tia laser gọt mỏng bớt một phần giác mạc ở vùng trung tâm; trong khi để chỉnh tật viễn thị, họ gọt mỏng giác mạc ở vùng xung quanh để phần giác mạc trung tâm trở nên dốc hơn. Để chỉnh tật loạn thị, giác mạc cần được phẫu thuật trở thành hình cầu đều đặn về các phía.

Điều kiện để phẫu thuật chỉnh tật khúc xạ bằng tia laser là trên 18 tuổi và giác mạc mắt bình thường, số kính không tăng trong vòng 12 tháng qua. Nếu bệnh nhân mắc một vài bệnh khác hoặc đang có thai thì không nên phẫu thuật bằng tia laser. Bệnh nhân cần đến các bác sĩ nhãn khoa nơi có phẫu thuật laser chỉnh tật khúc xạ để được tư vấn trước khi quyết định có mổ hay không.

TS Nguyễn Chí Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống